Văn hóa đọc trong doanh nghiệp: Những cuốn sách giúp doanh nhân tự đối thoại trong lộ trình tái định hình doanh nghiệp (Bài 3)
Văn hóa đọc trong doanh nghiệp (DN) không chỉ là biểu hiện của sự trau dồi tri thức, mà còn là nền tảng nuôi dưỡng tư duy chiến lược, sáng tạo và khả năng thích nghi - những yếu tố sống còn trong thời đại biến động. Khi người lãnh đạo coi trọng việc đọc và lan tỏa tinh thần học tập, tổ chức không chỉ phát triển bền vững, mà còn hình thành một hệ sinh thái tri thức nơi mỗi cá nhân đều có cơ hội trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Muốn có “đầu ra” sách tốt, cần có “đầu vào tốt”
Trong bối cảnh VUCA, việc tái định hình tổ chức, doanh nghiệp (DN) là điều mà bất kỳ doanh nhân nào cũng phải thực hiện. Việc tái định hình không diễn ra trong một vài tuần, một vài tháng, một vài năm, mà diễn ra trong từng ngày, từng hoạt động của DN và trở thành phản xạ của doanh nhân thời đại số, thời đại AI.
Tái định hình tổ chức, DN không đơn thuần là một hoạt động phục vụ kinh doanh lấy thị trường hay khách hàng, người dùng cuối làm trung tâm, mà là một tiến trình “phản tư”, lấy “chính mình”, hay nói cách khác, lấy toàn bộ những gì thuộc về mình, bao gồm năng lực cốt lõi, niềm tin, sứ mệnh, “thể trạng”, và mục tiêu của tổ chức, DN, bao gồm mục tiêu cá nhân của lãnh đạo dẫn dắt và mục tiêu chung của tập thể, làm trung tâm.
Tiến trình tái định hình tổ chức, DN là một hành trình phối hợp hài hòa giữa “nhớ” và “quên”. Nhiệm vụ quan trọng nhất của người lãnh đạo là biết “nhớ”: nhớ mình từng là ai, nhớ sự khác biệt lớn nhất giữa mình với những người, tổ chức khác là gì; nhớ lý do vì sao khách hàng đã chọn mình giữa “đại dương” thị trường rộng lớn; và nhớ mình tồn tại để làm gì… Đồng thời, nhiệm vụ cốt tử của nhà lãnh đạo là phải học cách “quên”: quên mình đã từng thành công thế nào, quên những chiến thắng trong quá khứ, quên mình đã giàu kinh nghiệm ra sao trong một bối cảnh không còn phù hợp nữa.
Một tiến trình tái định hình hiệu quả và vững chãi là tiến trình “nhớ đúng” và “quên đủ” để tổ chức có thể gọi tên, khai thác và phát huy sức mạnh nội tại, năng lực cốt lõi của mình. Đồng thời, tổ chức cũng cần hình thành năng lực động, để liên tục thích nghi, chuyển mình trong bối cảnh mới. Danh mục ứng biến này có thể kéo dài mãi. DN có thể tạo ra giá trị mới thông qua các hoạt động đổi mới sáng tạo dựa trên năng lực cốt lõi; kiến tạo văn hóa tổ chức phù hợp với môi trường hoạt động và mục tiêu mới của tổ chức; hình thành hệ sinh thái phát triển chuỗi giá trị; hình thành dải sản phẩm mới trên nền tảng hợp tác và đổi mới sáng tạo… Không có giới hạn nào để DN ngừng sáng tạo trong việc tái định hình tổ chức của mình.
Tuy nhiên, muốn có “đầu ra” tốt, cần có “đầu vào tốt”. Trong tiến trình tư duy, phản tư để tái định hình tổ chức, DN, lãnh đạo dẫn dắt cần tham khảo rất nhiều nguồn tư tưởng, phương thức tư duy đa chiều. Để làm được điều đó, nhà lãnh đạo cần hình thành một “Think Tank” cho chính mình - một thiết chế tập hợp những bộ não uy tín, có khả năng cùng tham gia thảo luận mọi chiều kích có liên quan đến ngành nghề, thị trường và tương lai của tổ chức. Tuy khác nhau về đặc điểm ngành nghề hay quy mô hoạt động, mọi tổ chức, DN đều cần một nhóm “đầu vào” quan trọng, gồm: bối cảnh và xu thế phát triển của thế giới; mô hình tổ chức và cách thức lãnh đạo hiện đại; năng lực cũng như phong cách lãnh đạo phù hợp với thời đại số; và đặc biệt, là những cách tiếp cận mới trong chuyển đổi tổ chức và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Ngô Phương Thảo
Vì vậy, chúng tôi mạn phép giới thiệu một số cuốn sách có thể cung cấp những gợi ý quan trọng trong tiến trình phản tư này.
Để có được bức tranh hệ thống về thế giới trong bối cảnh được định hình bởi công nghệ, một tác giả rất quen thuộc với giới doanh chủ là Thomas L. Friedman (người được biết đến với cuốn Chiếc Lexus và Cây O Liu, hoặc Thế giới phẳng), năm 2018 đã ra mắt cuốn Cảm ơn vì đến trễ (Thank you for being lated - NXB Trẻ), đánh dấu một bước phát triển mới trong quan sát thế giới. Friedman nhìn nhận “bộ ba” khía cạnh sẽ chi phối toàn bộ cách thế giới vận hành, bao gồm công nghệ, toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu trong cùng một “mặt phẳng”, như phong cách đặc biệt của ông. Một điều thú vị cho những người đã từng đọc Friedman trước đây, lần này, từ khóa “đến trễ” được xây dựng như một “ngôi sao phương Bắc”, với thông điệp rằng những “gia tốc” này có thể khiến nhiều xã hội, tổ chức, cá nhân cảm thấy bị “bỏ lại phía sau”.
Cùng mạch này, Peter Townsend với cuốn sách Mặt trái của công nghệ (The Dark Side of Technology, NXB Chính Trị Quốc Gia, 2029) tập trung vào việc phân tích các khía cạnh ảnh hưởng tiêu cực của công nghệ đến môi trường, ảnh hưởng kép của các phát minh như thuốc kháng sinh, phim ảnh, mạng xã hội; rủi ro của việc bị phụ thuộc quá mức vào công nghệ. Những thông điệp mạnh mẽ của cuốn sách này sẽ khiến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có cơ hội nhìn lại hướng đi của chính mình và doanh nghiệp trong sự tồn tại của nhân loại.
Một số câu chuyện tái định hình truyền cảm hứng được kể bởi chính những lãnh đạo chủ chốt của DN, như chuyện Satya Nadella, CEO Microsoft khi tiếp quản công ty từ Steve Ballmer năm 2014, trong cuốn Nhấn nút tái tạo (Hit Refresh - NXB Trẻ 2017); hoặc cuốn Tiến bước (Onward - NXB Trẻ, 2015) của Howard Schultz, Chủ tịch Starbucks, kể về hành trình tìm lại và củng cố giá trị cốt lõi của Starbucks sau một giai đoạn phát triển nóng đến mức đánh mất nhiều bản sắc của công ty; sẽ mang lại những cảm hứng mới, hoặc những suy tưởng về giá trị cốt lõi và niềm tin của doanh chủ.
Và đặc biệt, với những DN đã bước qua giai đoạn sống còn nhưng ở “ngã ba đường” của việc phát triển, hoặc những DN đã ngoài 20 năm thành lập, đã đến lúc chuyển giao cho thế hệ kế tiếp và cần đóng gói tri thức của thế hệ mở đường, thì “Phương thức Toyota” là một cuốn sách thú vị. Làm sao để xây dựng được một sự nghiệp trường tồn theo thời gian? Phương thức Toyota là một gợi ý về cách một DN có thể cho phép mình nhìn xa đến đâu, mạo hiểm đến đâu để chuyển đổi từ một công ty chế tạo máy dệt tự động ở vùng trồng bông của Nhật Bản, trở thành công ty sản xuất ô tô hàng đầu thế giới.
Chuyển đổi tổ chức, DN chưa bao giờ là bài toán đơn lẻ, mà là bài toán phức hợp và nhiều biến số đan cài. Mỗi tổ chức, DN đều có bài toán khác nhau, lời giải cũng khác nhau nhưng tất cả các cuộc chuyển đổi thành công đều có chung một phương trình: Xây dựng thành công văn hóa học tập trong tổ chức và đóng gói, chuyển giao, mở rộng không ngừng tài sản tri thức DN. Bạn đọc có thể tìm thấy một số gợi ý từ lý thuyết quản trị tri thức của giả Ikjiro Nonaka, Hirotaka Takeuchi trong cuốn Công ty thông thái: Bí quyết đổi mới không ngừng (The Wise Company: How Companies Create Continuous Innovation), NXB Chính Trị Quốc Gia, 2022.
Và trên hết, không ai có thể cải tiến một mình trong tổ chức. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, cải tiến bao hàm nhiều bên liên quan ở trong và ngoài tổ chức. Làm sao để hình thành hệ sinh thái ấy trong và cho DN, tổ chức của mình? Rừng mưa - Bí mật để xây dựng thung lũng Silicon tiếp theo (The Rainforest: The Secret to Building the Next Silicon Valley), NXB Khoa học Xã hội, 2014 gợi ý cách nhìn nhận của các lãnh đạo tổ chức, DN về nguồn lực đổi mới sáng tạo. Không phải chỉ là câu chuyện tiền, hạ tầng. Vốn văn hóa, vốn mạng lưới, vốn xã hội, nếu được tiếp cận và phát huy đúng với cơ chế linh hoạt, trên nền tảng tin tưởng và tiếp nhận tính đa dạng, có thể mang lại những cuộc biến đổi lớn lao.
Và cuối cùng, phát triển bền vững và ESG, hai từ khóa “hot” được quan tâm nhưng đồng thời cũng gây nhiều tranh cãi tại Việt Nam trong thời gian qua, sẽ được kiến giải rành mạch trong cuốn “ESG Quan trọng nhưng không đặc biệt hơn (xuất bản bởi Anbooks & NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2025), của tác giả - TS. Quản trị kinh doanh bền vững Phạm Việt Anh. Cuốn sách với gần 500 trích dẫn và lối kiến giải hệ thống, khoa học, được viết bởi một người có kinh nghiệm hơn 25 năm trong lĩnh vực cố vấn thương hiệu và tăng trưởng cho các tập đoàn đa quốc gia, các công ty hàng đầu Việt Nam, là một tài liệu tham khảo quý giá cho các DN muốn xây dựng một công ty bền vững từ bên trong. Với đề xuất “cân bằng động” và “năng lực động” từ tác giả, độc giả sẽ nhìn thấy “lối đi” của chính mình trong hành trình phát triển bền vững của quốc gia nói riêng và thế giới nói chung.