Ứng phó với những biến động của thị trường quốc tế: Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và chuỗi cung ứng
Theo nhận định của các chuyên gia, bối cảnh quốc tế nhiều biến động tạo ra những thách thức mới nhưng cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam định hình lại chiến lược phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hội thảo cập nhật thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp về các chính sách thuế quan mới của Mỹ, đánh giá tác động đa chiều tới các ngành hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam
Ngày 18/4/2025, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo “Thuế đối ứng của Hoa Kỳ & Ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo VCCI, các chuyên gia và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành liên quan.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp đã trao đổi, thảo luận về tác động đa chiều tới các ngành hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam; các giải pháp nhằm ứng phó hiệu quả với những chính sách về thuế quan của Hoa Kỳ. Trên cơ sở đó cộng đồng doanh nghiệp có thể chủ động nâng cao năng lực thích ứng linh hoạt, sức chống chịu và tham gia sâu hơn vào chuỗi thương mại toàn cầu.
Định hình lại chiến lược phát triển
Theo tổng hợp của VCCI, hơn 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 là sang thị trường Hoa Kỳ, với các mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, máy móc, thiết bị… trong đó, nhiều ngành có tỷ trọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ lớn như ngành gỗ, dệt may, thiết bị điện tử…
Điều này cho thấy, nếu mức thuế đối ứng bị áp dụng, các doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ chịu các tác động như giảm thị phần và sức cạnh tranh, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh…

Theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công, tình hình kinh tế quốc tế nhiều biến động tạo ra những thách thức mới nhưng cũng là cơ hội cho doanh nghiệp định hình lại chiến lược phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng bối cảnh tình hình kinh tế quốc tế đang biến động phức tạp tạo ra những thách thức mới cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên tình hình mới cũng mở ra nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp có thể tận dụng để định hình lại chiến lược phát triển, nâng cao năng lực nội tại, chủ động thích ứng và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên mà Chính phủ đã đề ra, qua đó định vị lại vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại Hội thảo, Phó Tổng thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn đã thông tin tổng quan về thuế đối ứng trong bối cảnh chính sách thuế quan của Hoa Kỳ và các tác động tới doanh nghiệp Việt Nam.

Phó Tổng thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn đã trình bày tổng quan về thuế đối ứng trong bối cảnh chính sách thuế quan của Hoa Kỳ và các tác động tới doanh nghiệp Việt Nam, cũng như nêu ra các giải pháp trong thời gian tới
Nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp và mở rộng thị trường
Dựa trên những đánh giá về tác động trực tiếp tới xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam vào Hoa Kỳ, tác động tới sản xuất trong nước và thị trường nội địa cũng như các tác động gián tiếp tới tài chính vĩ mô, GDP, lao động..., VCCI khuyến nghị một số giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và chuỗi cung ứng. Tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP để mở rộng thị trường tại EU, Canada, Australia… đồng thời khai thác các thị trường tiềm năng như Tây Nam Trung Quốc, Trung Đông, Mỹ La-tinh, và phát triển thị trường nội địa.
Thứ hai, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và công nghiệp hỗ trợ. Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ, phát triển công nghiệp nền tảng như hóa chất, vật liệu mới, logistics, công nghệ cao… nhằm giảm phụ thuộc nhập khẩu và rủi ro thương mại.
Thứ ba, nâng cao năng lực thể chế và hạ tầng. Cải thiện môi trường đầu tư, minh bạch hóa chính sách, nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng logistics, giúp doanh nghiệp có thể cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững.
Các chuyên gia và đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày, gỗ và các sản phẩm gỗ, thủy sản... đã trao đổi về các giải pháp giảm thiểu tác động từ các chính sách thuế quan của Hoa Kỳ lên các lĩnh vực kinh tế. Các chuyên gia đều cho rằng sự đoàn kết, hợp tác và hỗ trợ từ Chính phủ, các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trong nước là một trong những yếu tố quan trọng sẽ giúp Việt Nam vượt qua được những khó khăn hiện tại và hướng tới một tương lai phát triển bền vững.






Các chuyên gia, đại diện các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp thảo luận về tác động từ chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh
Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ứng phó linh hoạt, hiệu quả với tình hình mới
Tại Hội nghị "Hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh Hoa Kỳ áp dụng thuế đối ứng lên hàng xuất khẩu từ Việt Nam" được Bộ Công Thương tổ chức vào ngày 17/4/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, những khó khăn từ việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng cũng là cơ hội cho Việt Nam chủ động tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp để tạo ra những thay đổi tích cực hơn trong dài hạn và để thực hiện được mục tiêu này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan từ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đến cơ quan quản lý nhà nước các cấp.
Bộ trưởng cho biết, trong những ngày qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang quyết tâm, nỗ lực triển khai nhiều hoạt động ngoại giao, đồng thời chỉ đạo Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ vấn đề, tìm kiếm phương án giải quyết hợp lý cho cả 2 bên, hướng đến mục tiêu đạt được thỏa thuận thương mại đối ứng phù hợp, ổn định, cân bằng, cùng có lợi.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã gợi mở 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đối với các hiệp hội ngành hàng, 8 nhóm nhiệm vụ đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu và đề nghị các Bộ, ngành liên quan chú trọng thực hiện 5 nhóm giải pháp trọng tâm để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ứng phó linh hoạt, hiệu quả với sự thay đổi trong chính sách nhập khẩu từ các nước lớn (đặc biệt là Hoa Kỳ), duy trì tăng trưởng bền vững.
Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục gửi các kiến nghị, đề xuất về Bộ Công Thương để Bộ rà soát và tập trung giải quyết, tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc chuyển cho các Bộ, ngành chức năng và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết những vấn đề không thuộc chức năng hoặc vượt thẩm quyền nhằm đạt được mục tiêu cao nhất là giúp các Hiệp hội, doanh nghiệp ứng phó linh hoạt, hiệu quả với tình hình mới, tiếp tục vững vàng vượt qua khó khăn để ngày càng phát triển, đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển của đất nước.