Văn hóa đọc thời công nghệ số
Thời đại công nghệ số, những tiến bộ công nghệ phát triển nhanh như vũ bão, việc cung cấp thông tin cho con người cũng trở nên tiện lợi, nhanh chóng, đầy đủ, thậm chí đến mức… dư thừa. Vì lẽ đó nhiều người lại băn khoăn tự hỏi: Việc đọc sách có còn thực sự cần thiết trước thời đại công nghệ số? Thế nào là văn hóa đọc của thời đại này?

Các nhà trường thường xuyên phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức các chương trình đọc sách cho học sinh. Ảnh: Minh Quang
Đọc sách trước hết là một thói quen, một hoạt động trí tuệ bình thường của một người. Mỗi người có một cách đọc riêng, một thói quen riêng: đọc vào sáng sớm, chiều muộn hay trước khi đi ngủ… Cấp độ đọc cũng khác nhau: đọc lướt, đọc kỹ, đọc để nghiền ngẫm, phân tích…
Từ khi mạng Internet xuất hiện, việc đọc đã có nhiều sự thay đổi. Sách điện tử, sách nói thay thế sách giấy, cùng với đó thói quen đọc sách cũng thay đổi. Người đọc trên máy tính, smartphone thường đọc lướt, đọc nhanh để tìm kiếm thông tin, thay vì đọc chậm, nghiền ngẫm, suy tư. Số lượng người đọc trên mạng cũng ngày càng nhiều, trong khi số lượng người đọc sách in thì ngược lại.
Thực tế đó khiến nhiều người băn khoăn, tự hỏi việc đọc sách có còn thực sự cần thiết khi mà mọi thông tin đều có thể được đáp ứng chỉ qua một cú nhấp chuột? Thực tế nếu nhìn vào số lượng người đọc, nhìn vào cách thức tìm kiếm thông tin có vẻ như việc nêu ra câu hỏi trên là hợp lý. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào cách thức tư duy, vào nhu cầu tìm kiếm tri thức thì sự thực không hoàn toàn như vậy. Không ai phủ nhận tiện ích của việc đọc sách trên mạng, sách điện tử, sách nói. Các hình thức đọc trên bên cạnh lợi ích như: tiện ích, gọn nhẹ, không giới hạn số trang, không câu thúc về thời gian, địa điểm… thì nó bộc lộ nhiều nhược điểm, nhất là nếu xét từ góc độ “tâm lý tiếp nhận”. Bởi chỉ có những cuốn sách in mới mang đến cho người đọc nhiều xúc cảm, sự hứng khởi, sự ám ảnh, suy tư.
Đây đều là những tiền đề cần thiết cho một lối đọc theo tư duy nghiên cứu, chuyên sâu, có tính phân tích, so sánh, phản biện, tính hệ thống… Điều mà những người lướt Web, dùng Smartphone có rất ít hoặc hầu như không có. Mặt khác, rất nhiều người nhầm tưởng rằng khi công nghệ phát triển, tiện ích của các loại sách trên nền tảng số ngày càng nhiều thì việc đọc sách sẽ càng ít đi.
Thực tế không hẳn như vậy, ở các nước phát triển, nền tảng công nghệ đã vươn rất xa tuy nhiên họ lại chính là những nước có người đọc sách theo kiểu truyền thống nhiều hơn cả. Sách điện tử, sách nói tuy tiện ích, vẫn không thể thay thế, hay triệt tiêu được thói quen đọc sách in. Xã hội càng phát triển nhu cầu đọc sách càng lớn, việc đọc những cuốn sách in chưa bao giờ là lỗi thời trong thời đại công nghệ số.
Tất nhiên việc lựa chọn sử dụng loại sách nào là tùy thuộc vào thói quen, sở thích, công việc, của mỗi người, chúng ta không thể ấn định rằng đọc loại sách nào sẽ tốt hơn vì như vậy rất dễ rơi vào chủ quan, khiên cưỡng. Đọc sách trước hết là một thói quen. Muốn có nhiều người đọc cần kiến tạo, khuyến khích phát triển thói quen ấy. Thói quen được tạo lập từ môi trường sinh hoạt cá nhân, nhu cầu tìm kiếm tri thức, yêu cầu công việc. Đơn cử trong một gia đình có cha mẹ, anh, chị yêu sách thì sở thích ấy cũng lan tỏa sang các con.
Ở một cơ quan, đơn vị, một nhà trường có thư viện tốt, nhiều người đọc sách cũng sẽ dần hình thành thói quen đọc sách cho những thành viên sinh hoạt trong cộng đồng ấy... Một cách tự nhiên, văn hóa đọc từ đó mà hình thành. Nhưng khơi gợi niềm đam mê đọc sách là một chuyện, còn người đọc tìm đọc loại sách gì lại là một chuyện khác. Vì vậy mới có chuyện các ngành chức năng đề cao văn hóa đọc.
Văn hóa đọc ở một khía cạnh nào đó được hiểu là hành vi tự giác tìm kiếm những tri thức lành mạnh, có ích trong sách vở. Người có văn hóa đọc là người biết đọc những cuốn sách có ích, biết tiếp thu tri thức một cách có chọn lọc. Bởi không phải bất cứ những gì trong sách nói đến đều hữu dụng. Càng không phải cứ đọc nhiều sách thì người đọc nó trở nên thông thái.
Đã có không ít trường hợp người đọc chỉ biết đến tri thức trong những cuốn sách mà trở nên như một kẻ khờ khạo, lẩm cẩm, máy móc. Nhưng nếu không đọc sách bạn rất dễ thiếu những nền tảng tri thức căn bản, điều này cũng tai hại không kém người đọc sách sai cách.
Để phát triển văn hóa đọc, ngày 22/7/2021, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 108-KH/ UBND triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc; tổ chức nhiều hoạt động tại hội sách, hội thi, tọa đàm, hội thảo… về văn hóa đọc nhằm thu hút học sinh, sinh viên và Nhân dân tham gia đọc sách, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng; hướng dẫn kỹ năng và phương pháp đọc phù hợp với từng nhóm đối tượng, chú trọng đối tượng học sinh, sinh viên; định hướng và thúc đẩy xu hướng, thị hiếu đọc lành mạnh trong xã hội; huy động sự tham gia có hiệu quả của các phương tiện thông tin, truyền thông trong tỉnh với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp; tăng cường vận động, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động xây dựng, duy trì thói quen đọc (xuất bản in và điện tử) phù hợp với điều kiện của mỗi cá nhân…
Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp thực tế địa phương, góp phần tạo môi trường đọc thuận lợi; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển văn hóa đọc; đẩy mạnh phát triển thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình, tủ sách khuyến học, tủ sách pháp luật; hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống thư viện tư nhân và loại hình tủ sách…
Những giải pháp đúng đắn và toàn diện trên chính là lý do để chúng ta hy vọng càng ngày văn hóa đọc của người dân trong tỉnh càng được phát triển mạnh, để các tri thức có được từ việc đọc sách phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội.