Văn hóa doanh nghiệp & Sức khỏe tinh thần: Kiệt sức trong công việc - Văn hóa doanh nghiệp thúc đẩy hay bào mòn tinh thần?
Giữa đại dịch COVID-19 cũng là thời điểm tôi rời công việc cũ và bắt đầu hành trình mới. Gia nhập công ty mới, tôi làm việc trực tuyến hoàn toàn cùng những người chưa từng gặp mặt trực tiếp. Tôi nghĩ rằng việc không phải di chuyển sẽ giúp tôi tiết kiệm thời gian, có nhiều cơ hội hơn để chăm sóc sức khỏe và giữ sự cân bằng cuộc sống. Nhưng thực tế lại diễn ra hoàn toàn ngược lại. Trong bối cảnh thay đổi mô hình làm việc để phù hợp với thời cuộc và đồng thời phải làm quen với môi trường mới, tôi lao vào công việc như bị cuốn vào một guồng quay. Mỗi ngày của tôi bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc lúc 8 giờ tối, có hôm kéo dài đến 10 giờ. Những lần tôi rời khỏi màn hình chỉ để ăn vội hoặc vệ sinh cá nhân.
Khi thành công không còn đồng nghĩa với hạnh phúc
Tôi làm việc miệt mài, nhiệt huyết và không cho phép mình mệt mỏi. Chỉ sau 6 tháng, tôi được thăng chức lên vị trí quản lý cấp cao, và 6 tháng tiếp theo, tôi nằm trong danh sách đề cử trưởng bộ phận. Tôi đã tưởng rằng mình đang hạnh phúc, rằng mọi nỗ lực đã được đền đáp xứng đáng, và những cột mốc này là minh chứng cho thành tựu lớn trong sự nghiệp. Nhưng rồi, tôi bắt đầu thấy sợ mỗi buổi sáng thức dậy. Tôi đến nơi làm việc bằng một cơ thể mệt mỏi, năng lượng uể oải, đủ để khiến tôi né tránh các cuộc trò chuyện, ngại kết nối với người khác, dù vẫn phải gồng mình để giữ hình ảnh đẹp trước đồng nghiệp. Tôi cố gắng dẫn dắt đội nhóm bằng vẻ ngoài tích cực, nhưng bên trong mình thì ngày một kiệt quệ. Kết quả công việc của tôi và cả đội dần trượt khỏi kỳ vọng.

Chăm sóc sức khỏe tinh thần vì nghỉ để nghĩ rất quan trọng
Tôi lờ mờ nhận ra mình đang bị “burnout” (kiệt sức do áp lực kéo dài). Khi ấy, tôi chưa có khái niệm rõ ràng, chỉ nghĩ đơn giản rằng mình đang trên đà trầm cảm. Có lẽ, năng lượng của người quản lý ảnh hưởng đến năng lượng chung của cả nhóm, các thành viên khác trong nhóm cũng cảm nhận được điều đó. Một vài người sau đó đã rời đi, đội nhóm trở nên rời rạc.
Chính trong thời điểm ấy, tôi cảm thấy cần phải tìm giải pháp cho mình và hiểu sâu về nó để giúp đội nhóm và tổ chức. Tôi bắt đầu đọc các nghiên cứu, và các khảo sát. Tôi quan sát sức khỏe tinh thần của các thành viên và nhân sự của toàn doanh nghiệp. Và tôi nhận ra, đây không còn là câu chuyện của một cá nhân. Đó là một thực trạng nghiêm trọng, một dạng “dịch bệnh vô hình” đang âm thầm lây lan.
Burnout là gì? Tại sao văn hóa doanh nghiệp không dẫn đến kiệt sức lại quan trọng?
Burnout là hội chứng kiệt sức về cảm xúc, thể chất và tâm trí, xuất hiện khi con người chịu đựng sự căng thẳng lâu dài trong môi trường làm việc có yêu cầu cao.
Theo McKinsey Health Institute (2023), burnout không chỉ dẫn đến thiệt hại kinh tế do tỷ lệ nghỉ việc cao, mà còn ảnh hưởng đến danh tiếng nhân hiệu của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng burnout là vấn đề cá nhân của nhân viên. Vì thế, sự quan tâm dành cho vấn đề này thường hời hợt hoặc đến quá muộn. Nhưng sự thật là:
Burnout không chỉ là vấn đề cá nhân, bởi vì tính lan truyền của nó. Một người kiệt sức có thể kéo cả đội nhóm đi xuống: mất tinh thần, xung đột, giảm hiệu suất. Văn hóa mệt mỏi lan truyền nhanh, nhất là trong môi trường áp lực cao.

Mặt nạ che đậy sự thật burnout
Thiệt hại do burnout rất đắt giá: Đa phần nhân viên chọn nghỉ việc khi đối mặt với tình trạng “burnout”. Chi phí cho việc tuyển dụng, đào tạo cho một nhân sự thay thế có thể bằng 6 tháng đến 1 năm tiền lương.
Mất nhân tài chính là mất đi kiến thức, mất lòng tin nội bộ và hơn nữa có thể mất khách hàng.
Từ góc độ cá nhân, “kiệt sức” ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống từ việc sức khỏe thể chất sa sút, sức khỏe tinh thần đi xuống, mất kết nối trong các mối quan hệ, đến việc hiệu suất công việc sụt giảm.
Tôi cho rằng bất cứ một doanh nghiệp chân chính nào cũng đều mong muốn một sự phát triển bền vững, chứ không chỉ chạy theo lợi nhuận ngắn hạn. Một doanh nghiệp thật sự quan tâm đến sức khỏe tinh thần sẽ thu hút và giữ được những người giỏi, sâu sắc và có động lực tự thân.
Nhân viên khỏe mạnh về tinh thần = hiệu suất cao + sáng tạo + bền bỉ.
Một đội ngũ khỏe mạnh từ bên trong là nền tảng để kiến tạo một doanh nghiệp vững chắc từ bên ngoài.
Vì vậy, điều quan trọng lúc này không chỉ là điều chỉnh quy trình, mà là tái thiết nhận thức, niềm tin và hành vi của tổ chức đối với sức khỏe tinh thần. Tôi gọi đó là tái thiết văn hóa doanh nghiệp, một hành trình cần được khởi xướng từ chính người đứng đầu.
Dấu hiệu nhận biết “burnout”
Burnout không đáng sợ bằng việc không biết mình đang burnout. Nhận biết sớm là chiếc phanh giúp cá nhân và tổ chức chậm lại để không trượt dốc.
Một trong những điều tôi từng trải qua chính là cảm giác mất động lực sống và làm việc. Trong suốt quãng thời gian đó, tôi không ngừng tự hỏi: “Mình thật sự muốn gì trong cuộc sống này?”. Những cảm xúc nối tiếp sau đó là sự hoài nghi bản thân,cảm giác không đủ giỏi, không xứng đáng. Tôi thường xuyên rơi vào trạng thái lo âu, dễ nổi nóng, dễ tổn thương, và điều đó dần ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ từ gia đình, đồng nghiệp, đến cấp trên và cấp dưới.
Đôi khi lý trí nói với bạn rằng hãy chăm sóc bản thân, vì thế bạn cố gắng gượng đi tập thể dục, quan tâm đến dinh dưỡng. Nhưng trớ trêu thay, bạn lại cảm thấy áp lực với việc cam kết luyện tập vì cảm thấy quá mệt, hay ngồi trước một bàn đầy đồ ăn ngon nhưng chẳng hề muốn ăn.
Điều cần được nhìn nhận rõ là chính những bất ổn về tinh thần là nguyên nhân dẫn đến những triệu chứng đó, thậm chí về lâu dài có thể dẫn đến những căn bệnh về thể chất như: đau đầu, rối loạn tiêu hóa, mất ngủ, mệt mỏi mãn tính.
Một nhân sự trong trạng thái thể chất và tinh thần suy kiệt sẽ không thể tập trung, mất dần hiệu suất và đặc biệt là không còn khả năng sáng tạo.
Với người lãnh đạo hay quản lý, tình trạng burnout còn đáng lo hơn khi họ là người truyền năng lượng tiêu cực cho cả đội ngũ, họ là người đưa ra những quyết định quan trọng nhưng thiếu chính xác trong trạng thái tinh thần sa sút.
Hằng là coach được chứng nhận PCC (ICF, Liên đoàn Coaching Quốc tế), chuyên sâu về Lãnh đạo chánh niệm, EQ và phát triển đội ngũ hiệu suất cao. Với hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự và tổ chức, cô đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp như Bosch, OCB, Dentsu, DIGI-TEXX, Kimball-Ges… trong việc chuyển hóa văn hóa và thúc đẩy hiệu suất.
Hằng có bằng Cử nhân Quản trị Kinh doanh, là Certified Trainer chương trình Search Inside Yourself (Google) và sở hữu hơn 500 giờ coaching. Điểm nổi bật trong cách làm việc của cô là khả năng kết hợp giữa chiến lược tổ chức và trí tuệ cảm xúc, giúp cá nhân lãnh đạo tiến hóa từ bên trong. Cô giúp các nhà lãnh đạo và đội ngũ thức tỉnh nội lực, tạo đột phá hiệu suất qua sự kết nối với chính mình và tổ chức.
Có một hiểu lầm khiến nhiều người nhận ra tình trạng “burnout” khá trễ, nhiều người nghĩ rằng khi bạn thật sự đam mê công việc đó bạn sẽ làm quên thời gian, luôn đầy năng lượng,và sẽ không bao giờ burnout. Thực tế là, những người đồng nghiệp đã từng rất yêu thích công việc, cũng có những người đã rơi vào tình trạng “burnout” vẫn chia sẻ với tôi rằng họ yêu công việc của họ, nhưng lại cảm thấy kiệt sức, muốn dừng lại nhưng vô định không hiểu mình thật sự muốn điều gì.
Burnout không chỉ là vấn đề cá nhân, nó là rủi ro tổ chức. Khi đội ngũ trong tình trạng burnout thì:
Năng suất giảm, sai sót nhiều hơn;
Nhân sự mất đi khả năng giải quyết vấn đề phức tạp;
Nhân sự trở nên lười học hỏi và cải tiến;
Mối quan hệ nơi làm việc dễ mâu thuẫn, xung đột do dễ cáu gắt, mất kiểm soát cảm xúc;
Nhân sự không còn gắn bó với tổ chức, tăng tỷ lệ nghỉ việc, mất đi nhân sự giỏi.
Chiến lược xây dựng văn hóa làm việc không dẫn đến
kiệt sức
Văn hóa doanh nghiệp không được tạo ra bởi khẩu hiệu trên tường, mà bởi chính tư duy và hành vi của người đứng đầu. Người lãnh đạo không chỉ định hình tầm nhìn mà còn hình thành niềm tin, truyền tải năng lượng thông qua cách họ ra quyết định, giao tiếp và ứng xử mỗi ngày. Vì thế, để xây dựng một văn hóa làm việc không dẫn đến kiệt sức, chính lãnh đạo phải là người đầu tiên thấu hiểu vai trò của sức khỏe tinh thần trong hành trình phát triển bền vững. Bạn là doanh nhân, lãnh đạo, hãy bắt đầu từ bản thân:
1. Chuyển từ tư duy “làm nhiều” sang “làm có hiệu quả”
Rất nhiều lãnh đạo và quản lý cho rằng chăm chỉ “cày cuốc” nhiều giờ mới là tận tâm. Nhưng trên thực tế, sự kiệt sức thường bắt đầu từ đây. Thay vào đó:
- Đừng chạy theo giờ giấc, hãy tập trung vào kết quả và giá trị tạo ra.
- Giao việc đúng người, đúng khả năng để nhân viên thấy công việc của họ có ý nghĩa
- Loại bỏ các cuộc họp vô bổ, quy trình rườm rà, chỉ tiêu “làm cho có”
2. Tạo không gian an toàn về tâm lý (psychological safety)
Một số doanh nghiệp hô hào giá trị cốt lõi là “cởi mở”, nhưng nhân viên không dám trình bày ý kiến vì sợ phật lòng sếp. Hãy thực sự cho tạo cho nhân sự của bạn một không gian an toàn để họ cũng có thể nói: “tôi mệt”, “tôi cần giúp đỡ” mà không bị đánh giá.
Lãnh đạo cởi mở, biết lắng nghe. Thậm chí, lãnh đạo đôi khi cũng có thể bộc lộ phần “mong manh”
của mình.
3. Tôn trọng ranh giới làm việc - nghỉ ngơi
- Không gửi email ngoài giờ, trừ khi thật sự cần thiết;
- Xây dựng “nhịp thở” trong ngày làm việc, cho phép nghỉ ngắn giữa giờ;
- Đề cao tinh thần “nghỉ để hồi phục” thay vì gắn nhãn “nghỉ là lười”.
4. Huấn luyện quản lý cấp trung trở thành người đồng hành
Quản lý có thể là người gây kiệt sức nhiều nhất, hoặc giúp nhân viên vượt qua kiệt sức hiệu quả nhất. Vì vậy, họ cần được huấn luyện kỹ năng lắng nghe, đồng hành, giao việc thông minh.
5. Tích hợp “wellbeing” vào chiến lược
- Xây dựng chính sách cụ thể về sức khỏe tinh thần ví dụ: ngày nghỉ để chăm sóc sức khỏe tinh thần, bàn tư vấn sức khỏe tinh thần, giờ thực hành tỉnh thức.
- Truyền thông nội bộ nhất quán: “wellbeing” không phải “bonus” mà là nền tảng của hiệu suất bền vững.
6. Đo lường burnout thường xuyên như đo KPIs
- Áp dụng các công cụ check-in nhanh hằng tuần: mức độ căng thẳng, động lực, cảm xúc;
- Chủ động phát hiện dấu hiệu sớm thay vì chỉ phản ứng khi nhân sự nghỉ việc.
Hãy hình dung một doanh nghiệp nơi mà: nhân viên thức dậy mỗi sáng hứng khởi đi làm; đội ngũ với tinh thần làm chủ, xem công ty như của mình; nhân sự có sự sáng tạo bền bỉ; và quan trọng họ sống trọn vẹn cuộc sống cá nhân của mình.
Sự thay đổi không cần phải chờ qua bao năm tháng mà nó bắt đầu ngay trong khoảnh khắc bạn thật sự nhận ra: đã đến lúc phải thay đổi.
Khi bạn xem sức khỏe tinh thần là nền tảng của văn hóa doanh nghiệp, cũng là lúc bạn đang gieo những hạt mầm cho một tổ chức thật sự gắn bó từ bên trong, mở ra một hành trình phát triển nhân văn và bền vững.
(*) PCC - Coach Lãnh đạo chánh niệm