Vận dụng tư tưởng Lenin về chống lãng phí
Lenin coi lãng phí là một trở ngại lớn đối với việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bởi nó làm suy yếu nguồn lực của nhà nước và nhân dân
Vladimir Ilyich Lenin (1870 - 1924), nhà lãnh đạo vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga, đã để lại di sản về lý luận cách mạng và đưa ra những quan điểm thiết thực về quản lý xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, khi cần tận dụng tối đa các nguồn lực và áp lực phát triển bền vững gia tăng, việc vận dụng tư tưởng Lenin về chống lãng phí trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Tinh thần tiết kiệm
Lenin luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt trong bối cảnh nước Nga Xô viết non trẻ đối mặt với khủng hoảng kinh tế sau Cách mạng Tháng Mười và nội chiến.
Người coi lãng phí là một trở ngại lớn đối với xây dựng chủ nghĩa xã hội, bởi nó làm suy yếu nguồn lực của nhà nước và nhân dân. Người cũng chỉ ra rằng lãng phí không chỉ là vấn đề vật chất mà còn là biểu hiện của ý thức trách nhiệm thấp, sự thiếu tôn trọng đối với công sức của quần chúng lao động.
Lenin đã căn dặn: "Chúng ta phải thực hành tiết kiệm tột mức trong bộ máy nhà nước của chúng ta". Ở tác phẩm "Thà ít mà tốt" (viết năm 1923), Lenin yêu cầu những người cộng sản phải thực hành tiết kiệm nghiêm ngặt để trừ bỏ được những lãng phí nhỏ nhất trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, phải thực hành tiết kiệm tột mức trong bộ máy nhà nước.

Phiên họp thứ 9 Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực TP HCM. Ảnh: THIỆN AN
Hồi ký của Anatoly Lunacharsky (Bộ trưởng Giáo dục Liên Xô) mang tên "Revolutionary Silhouettes" (Chân dung các nhà cách mạng) nêu: Khi làm việc tại Điện Kremlin, Lenin được ghi nhận là thường xuyên sử dụng một chiếc đèn bàn nhỏ thay vì bật toàn bộ hệ thống đèn trong phòng làm việc để tiết kiệm điện.
Người từng nói với các nhân viên rằng điện năng là tài sản quý giá của Nhà nước Xô viết và cần được sử dụng một cách hiệu quả. Một lần, khi được hỏi tại sao không bật thêm đèn để làm việc thoải mái hơn, Lenin trả lời: "Chúng ta phải tiết kiệm từng watt điện để phục vụ nhân dân và xây dựng đất nước". Tinh thần tiết kiệm của Người đã thể hiện qua hành động, trở thành tấm gương cho các thế hệ sau.
Tính cấp thiết hiện nay
Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, tư tưởng chống lãng phí của Lenin mang ý nghĩa thời sự sâu sắc. Tình hình kinh tế khó khăn, biến đổi khí hậu, năng lực cạnh tranh còn hạn chế và sự khan hiếm tài nguyên… buộc đất nước phải sử dụng hiệu quả nguồn lực.
Dù nước ta đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế, song vẫn đối mặt những thách thức như nợ công, thất thoát ngân sách và áp lực từ nhu cầu phát triển bền vững. Lãng phí trong quản lý nhà nước, sử dụng tài nguyên và sinh hoạt hằng ngày sẽ gây tổn thất kinh tế và làm suy giảm niềm tin của nhân dân.
Lãng phí có thể thấy ở các dự án đầu tư công kém hiệu quả, thất thoát trong quản lý tài sản công hay việc sử dụng lãng phí điện, nước và tài nguyên thiên nhiên. Thời gian qua, nhiều dự án đầu tư công bị "chỉ mặt" là chậm tiến độ, đội vốn hàng ngàn tỉ đồng, gây lãng phí lớn. Trong đời sống hằng ngày, việc sử dụng điện, nước không tiết kiệm, xả rác bừa bãi hay tiêu dùng quá mức cũng là những biểu hiện của lãng phí.
Tư tưởng Lenin về chống lãng phí nhắc nhở chúng ta rằng mỗi hành động tiết kiệm, dù nhỏ, đều góp phần xây dựng xã hội bền vững. Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, việc áp dụng tư tưởng này là yêu cầu kinh tế và trách nhiệm đạo đức của mỗi cá nhân và tổ chức.
Trong bài viết "Chống lãng phí" vào tháng 10-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: "Lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước".
Tối ưu nguồn lực
Lenin nhấn mạnh vai trò của bộ máy nhà nước trong việc chống lãng phí đặc biệt quan trọng. Ở Việt Nam, chống lãng phí trong quản lý nhà nước có thể được áp dụng thông qua việc tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, tiết kiệm triệt để trong sử dụng công sản, ngân sách.
Nhất là trong bối cảnh cả nước đang thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, giải thể cấp huyện, tổ chức lại cấp xã và sáp nhập cấp tỉnh, cần tránh lãng phí trụ sở và các nguồn nhân lực chất lượng cao. Các cơ quan thanh tra, kiểm toán cần được trao quyền mạnh mẽ hơn để phát hiện và xử lý các trường hợp thất thoát, lãng phí.
Người cho rằng chống lãng phí không chỉ là nhiệm vụ của nhà nước mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân. Ở Việt Nam, việc giáo dục ý thức tiết kiệm cần được đẩy mạnh từ gia đình, trường học đến cộng đồng. Các phong trào như "Tiết kiệm điện, nước", "Phân loại rác tại nguồn" hay "Sống xanh" đang được triển khai rộng rãi nhưng cần được nhân rộng và thực hiện đồng bộ hơn.
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ để giảm lãng phí. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tư tưởng chống lãng phí của Lenin có thể được áp dụng thông qua việc sử dụng công nghệ để tối ưu hóa nguồn lực. Người từng nhấn mạnh rằng cách mạng cần tận dụng những tiến bộ khoa học để phục vụ nhân dân. Ở nước ta, các giải pháp công nghệ như chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý tài nguyên hay sử dụng năng lượng tái tạo là những cách thiết thực để giảm lãng phí.
Công bằng, nhân văn
Tư tưởng Lenin về chống lãng phí - được thể hiện qua các bài viết, nói và hành động - là bài học quý giá cho Đảng ta trong bối cảnh hiện nay. Trong hành trình hướng tới một Việt Nam phát triển bền vững, việc vận dụng tư tưởng Lenin sẽ giúp chúng ta sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả, xây dựng xã hội công bằng, tiết kiệm và nhân văn. Di sản của Lenin, nhất là tinh thần chống lãng phí, sẽ tiếp tục là ngọn lửa soi sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.