Chống thất thoát, lãng phí tài sản công trong sắp xếp, sáp nhập

Ngày 24/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024. Tại phiên họp, các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều cho rằng, cần rà soát lại tất cả các dự án chậm triển khai để tháo gỡ, đây vừa là thực hành tiết kiệm vừa là chống lãng phí.

Nhiều lãng phí

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí của Chính phủ; ban hành Quyết định số 1764/QĐ-TTg ngày 31/12/2023 về Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 và nhiều chỉ thị, công điện. Qua đó, nhằm thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực, góp phần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tạo nguồn cải cách tiền lương, đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tạo chuyển biến thực chất hơn trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Q.H

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Q.H

Trong quản lý đầu tư xây dựng, đầu tư công, đến hết ngày 31/12/2024, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 70.743,08 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 72,9% kế hoạch năm 2024 được giao (96.991,66 tỷ đồng). Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đã góp phần khởi công mới, đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều dự án, công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia để hoàn thành các dự án này đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, còn 30/46 bộ, cơ quan trung ương, và 26/63 địa phương có có tỷ lệ ước giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.

Kết quả thực hiện sắp xếp, xử lý nhà đất của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước, theo ông Thắng, tính đến ngày 26/12/2024 số cơ sở nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý trong phạm vi cả nước 205.862 cơ sở; số cơ sở nhà, đất chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý theo quy định là 62.739 cơ sở. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn phát sinh vướng mắc, bất cập ảnh hưởng đến tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất dẫn đến tiến độ sắp xếp còn chậm, kéo dài thời gian, số lượng các cơ sở nhà, đất của một số Bộ, ngành, địa phương chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xắp xếp lại, xử lý nhà đất tương đối lớn.

Năm 2024, ngành Thanh tra đã triển khai 6.673 cuộc thanh tra hành chính và 118.983 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Phát hiện vi phạm về kinh tế 157.585 tỷ đồng, 245 ha đất; kiến nghị thu hồi 85.403 tỷ đồng và thu hồi 41 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 72.183 tỷ đồng, 204 ha đất; ban hành 105.108 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân, với số tiền 4.150 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính đối với 2.360 tập thể và 9.017 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 269 vụ, 173 đối tượng.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, ông Lê Quang Mạnh, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội cho biết, tình hình nợ đọng thuế cao, có xu hướng tăng so với năm 2023. Tình trạng giải ngân chậm chưa được khắc phục triệt để; chi chuyển nguồn còn lớn, chậm được khắc phục, gây lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Ông Mạnh chỉ rõ, còn tồn tại tình trạng một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chưa quan tâm, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; chưa phân cấp kiểm tra hiện trạng nhà, đất; việc lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chậm. Tình trạng lãng phí, vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất của các dự án chậm đưa vào sử dụng; đất của các nông, lâm trường để hoang hóa sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn diễn ra ở nhiều nơi.

“Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, không rõ trách nhiệm; việc sắp xếp, kiện toàn tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn một số bất cập, đang được xem xét, giải quyết rất quyết liệt. Tình hình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa chuyển biến tích cực. Công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn trong khi các doanh nghiệp này đang quản lý diện tích rừng lớn, hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực của nhà nước” – ông Mạnh nêu rõ.

Quản lý, sử dụng hiệu quả trụ sở làm việc sau tinh gọn tổ chức bộ máy

Từ tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, Thường trực Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội kiến nghị, tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, thực hiện tốt chính sách tài khóa, kiểm soát chặt chẽ bội chi. Có giải pháp hữu hiệu để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia và đầu tư công.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất; rà soát, chuyển giao các cơ sở nhà, đất kém hiệu quả do các cơ quan Trung ương quản lý về cho địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; quản lý chặt chẽ, có phương án xử lý tình trạng để hoang hóa, lãng phí nhà ở công vụ, công trình phúc lợi công cộng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 phần ưu điểm thì rất rõ nhưng phần hạn chế, khuyết điểm còn sơ sài. Do đó, cần bổ sung về những hạn chế để hiểu rõ nguyên nhân. Ông Phương nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không chỉ rõ khuyết điểm thì các giải pháp phía sau chỉ là…hô khẩu hiệu”.

Ông Phương đề nghị, thực hành tiết kiệm chống lãng phí phải chỉ rõ các hạn chế, tồn tại. Từ đó, phân tích các nguyên nhân khách quan là gì? Nếu một số cái do vướng mắc của Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí vậy vướng ở chỗ nào? Có cần phải sửa đổi không hay chủ yếu ở khâu tổ chức thực hiện?

Ông Phương cũng bày tỏ băn khoăn khi việc sắp xếp, xử lý nhà đất còn chậm. Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai chưa đạt tiến độ, lãng phí vi phạm trong quản lý sử dụng tài nguyên đất, nhất là các dự án chậm đưa vào sử dụng đất các nông lâm trường dù đã được thanh kiểm tra nhưng hiện nay còn tồn rất lớn. “Vừa qua, Ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội nhận được nhiều đơn thư về vấn đề đất nông lâm trường” – ông Phương nói và cho rằng việc sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đổi mới hoạt động các công ty, nông lâm trường có tồn tại trong quá khứ nhưng tiến độ xử lý chậm, quy hoạch rừng chưa được quyết liệt điều chỉnh hợp lý.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, mặc dù có sự tăng trưởng trong đầu tư công nhưng một số dự án chưa được triển khai đúng tiến độ hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn tồn tại ở một số bộ, ngành địa phương, còn khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ triển khai các dự án quan trọng. “Do khâu thẩm định không tốt nên giải ngân có vướng mắc, chậm giải ngân” – ông Vinh nhìn nhận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 là một sự lãng phí. Vừa rồi Tổng Bí thư đã phải chỉ đạo thanh tra. “Rồi dự án “tiểu Keangnam” của Tổng Công ty xi măng Việt Nam và nhiều dự án trước đây trong giám sát đã chỉ ra, vậy bây giờ khắc phục được đến đâu?” - ông Định đặt vấn đề.

Từ đó, ông Định đề nghị cần rà soát tất cả các dự án chậm triển khai để tháo gỡ, đây vừa là thực hành tiết kiệm vừa là chống lãng phí. Phải tháo gỡ dự án đã có rồi, đang triển khai dở dang nhưng bị vướng, phải tháo gỡ để đưa nguồn lực vào. Đấy chính là chống lãng phí, ví dụ như Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2.

Bên cạnh đó ông Định lưu ý, cần tháo gỡ cơ chế chính sách để các dự án chưa có thì đi vào thực tiễn để khơi thông nguồn lực, bởi khơi thông nguồn lực chính là chống lãng phí. Các dự án đăng ký đất để đó nhưng trong bao nhiêu năm mà không làm thì thu hồi.

Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế - Tài chính kiến nghị: Có kế hoạch tổng thể về quản lý, sử dụng hiệu quả trụ sở làm việc sau tinh gọn tổ chức bộ máy để bố trí cho các công trình phúc lợi công cộng, cơ sở khám, chữa bệnh, trạm y tế xã, phường tại một số địa phương hoặc có phương án khai thác, sử dụng hiệu quả, kịp thời. Đẩy mạnh xử lý tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đất của các nông lâm trường, các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, hiện nay chúng ta đang thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị. Do đó quản lý tài chính, tài sản làm sao chống thất thoát lúc sáp nhập, chuyển đổi. Trụ sở tài sản công dôi dư sau sáp nhập phải chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực để đưa vào sử dụng cho hiệu quả.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chong-that-thoat-lang-phi-tai-san-cong-trong-sap-xep-sap-nhap-10304469.html
Zalo