Phát huy tâm huyết, khát vọng sáng tạo của văn nghệ sĩ trong kỷ nguyên mới

Ngày 25-4, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: BTC

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: BTC

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; thường trực các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận các tỉnh, thành ủy; lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; thường vụ các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương; lãnh đạo các hội văn học, nghệ thuật địa phương; chuyên gia, nhà khoa học và 50 văn nghệ sĩ có nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng phát triển nền văn học, nghệ thuật nước nhà 50 năm qua.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: BTC

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: BTC

Đồng hành cùng dân tộc trong bước chuyển mình

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn học, nghệ thuật (VHNT) trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc. Hội nghị này đánh giá, khẳng định những thành tựu, kết quả đạt được của nền VHNT Việt Nam 50 năm sau ngày thống nhất đất nước; đề xuất, kiến nghị chủ trương, chính sách phát triển VHNT nước nhà trong giai đoạn mới. Từ đó, hội nghị đưa ra giải pháp để tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của VHNT; cổ vũ, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ, tinh thần đoàn kết, thống nhất, hăng say sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về mặt tư tưởng và nghệ thuật.

GS.TS Đinh Xuân Dũng phát biểu tham luận. Ảnh: BTC

GS.TS Đinh Xuân Dũng phát biểu tham luận. Ảnh: BTC

Tại hội nghị, các đại biểu nhấn mạnh, trong nửa thế kỷ qua, VHNT Việt Nam nhập cuộc, đồng hành cùng dân tộc trong bước chuyển mình, tạo nên tiếng nói, sức mạnh, động viên và dự báo cho sự phát triển. Bối cảnh đó đã tác động sâu sắc đến thực tiễn sáng tạo của văn nghệ sĩ, thúc đẩy VHNT Việt Nam từng bước tiếp cận với các xu hướng tiến bộ của VHNT thế giới, đi sâu vào hiện đại hóa, đạt được những kết quả bước đầu đáng quý.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu. Ảnh: BTC

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu. Ảnh: BTC

Nhiều đại biểu phân tích cụ thể về các vấn đề từng lĩnh vực VHNT nước nhà 50 năm qua. GS.TS Đinh Xuân Dũng thể hiện góc nhìn sâu sắc, toàn diện về những đổi mới của Đảng trong lĩnh vực VHNT và vai trò quan trọng của VHNT trong phát triển đất nước và đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục phát triển VHNT.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, sau 30-4-1975, VHNT cách mạng ở phía Bắc, các nhà văn yêu nước phía Nam, ở nước ngoài đã hòa thành dòng chảy, tạo nên chân dung đầy đủ về VHNT Việt Nam. Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, VHNT sẽ có nhiều thay đổi, song đều hướng đến mục tiêu cao cả nhất là vì con người, cho con người…

Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam phát biểu. Ảnh: BTC

Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam phát biểu. Ảnh: BTC

Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam tham luận về công nghiệp văn hóa Việt Nam nhìn từ thực tiễn điện ảnh, cho rằng hiện nay nước ta đã có một thị trường phát triển nhanh, nhu cầu lớn, nghệ sĩ tài năng, đề tài phong phú, hệ thống luật và văn bản đầy đủ để thúc đẩy công nghiệp điện ảnh phát triển...

Khơi dậy khát vọng cống hiến và sáng tạo của văn nghệ sĩ

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ trân trọng các văn nghệ sĩ, đội ngũ làm công tác VHNT cả nước, đặc biệt là các thế hệ đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền VHNT Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến kiến quốc và trong suốt 50 năm qua.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu. Ảnh: BTC

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu. Ảnh: BTC

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lần đầu tiên chúng ta có một nền VHNT hiện đại, thống nhất, tiếp nhận những mặt tích cực, tinh hoa của VHNT mọi miền Tổ quốc; trở thành một nền VHNT chung theo định hướng của Đảng và khát vọng của nhân dân, vì sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước sau chiến tranh. Đây là đặc điểm lớn, thành công lớn, niềm vui lớn của đất nước và của nền VHNT Việt Nam.

Một số vấn đề nổi bật của VHNT 50 năm qua đã được đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề cập tại hội nghị. Đó là VHNT đã phát triển đúng hướng, tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước, đặc biệt trong những năm đổi mới. Đội ngũ văn nghệ sĩ bám sát cuộc sống, có khát vọng đổi mới mạnh mẽ, đóng góp tiếng nói tích cực trong nhiều vấn đề, nhất là về chấn hưng văn hóa, phát triển con người, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu. Ảnh: BTC

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu. Ảnh: BTC

Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương khẳng định, đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà 50 qua vẫn luôn là lực lượng tin cậy của Đảng, của nhân dân. Danh hiệu “nghệ sĩ - chiến sĩ”, “nghệ sĩ - công dân” gắn với trách nhiệm xã hội, tiếp tục được coi trọng và phát huy. VHNT đã thực sự góp phần quan trọng, tạo nên sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam trong quá trình đất nước đổi mới và hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.

Với yêu cầu phát triển nền VHNT nước nhà trong giai đoạn phát triển mới, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trước hết là cần tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, gắn với đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức lãnh đạo phù hợp, hiệu quả để kiến tạo đường hướng, không gian phát triển VHNT, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến và năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu tham quan triển lãm "50 năm văn học, nghệ thuật Việt Nam đồng hành với dân tộc". Ảnh: BTC

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu tham quan triển lãm "50 năm văn học, nghệ thuật Việt Nam đồng hành với dân tộc". Ảnh: BTC

Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh thể chế hóa chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về VHNT, tập trung triển khai có hiệu quả “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035” và tổ chức nghiên cứu, ban hành Chiến lược quốc gia về xây dựng nền VHNT trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, theo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc, ngày 30-12-2024.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng cho rằng cần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT; đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế về VHNT, để VHNT trở thành cầu nối đưa hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam đến gần hơn với bạn bè thế giới.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu các tổ chức hội thực hiện hiệu quả chủ trương của Trung ương, tiếp tục sắp xếp tổ chức, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức hội VHNT ở Trung ương và địa phương, bảo đảm tinh gọn, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

“Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả và trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang với Tổ quốc và nhân dân bằng tác phẩm và thông qua tác phẩm, để ươm trồng hạt giống về cái đẹp, lòng nhân ái và sự tử tế; gìn giữ và thổi bùng lên ngọn lửa của truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Mỗi văn nghệ sĩ, mỗi tác phẩm VHNT chân chính sẽ góp phần bồi đắp, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; mở cánh cửa tương lai tươi sáng của cả dân tộc”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ tin tưởng.

Trong khuôn khổ Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức triển lãm "50 năm văn học, nghệ thuật Việt Nam đồng hành với dân tộc".

Triển lãm trưng bày hơn 200 hình ảnh và 200 hiện vật, tài liệu với những nội dung: “Sự quan tâm của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với sự nghiệp phát triển VHNT”, “Khái quát về thành tựu văn học, nghệ thuật Việt Nam trong 50 năm qua”, “Giới thiệu thông tin tác phẩm, cụm tác phẩm và tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật”.

Yên Nga

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phat-huy-tam-huyet-khat-vong-sang-tao-cua-van-nghe-si-trong-ky-nguyen-moi-700310.html
Zalo