Vận dụng linh hoạt, hiệu quả các cơ chế, chính sách, pháp luật hiện có để phát triển nhà ở xã hội

Đây là một trong những nội dung Đoàn giám sát của Quốc hội 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023' ghi nhận khi làm việc tại Hải Phòng. Với sự sáng tạo và quyết liệt trong vận dụng chính sách, pháp luật của Thành ủy, chính quyền TP. Hải Phòng, thị trường bất động sản và nhà ở xã hội trên địa bàn vẫn phát triển dù các địa phương khác gặp khó khăn, không triển khai được.

Đơn vị tiên phong kích cầu đầu tư nhà ở xã hội

Báo cáo của Hải Phòng cho thấy, trong khi nhiều địa phương gặp khó trong phát triển nhà ở xã hội, thì đến nay Hải Phòng đã chấp thuận chủ trương, lựa chọn nhà đầu tư đối với 31 dự án nhà ở xã hội với tổng quy mô 36.600 căn, trong đó, có 9 dự án đã khởi công với tổng quy mô khoảng 15.000 căn. Như vậy, trong giai đoạn 2021-2025 dự kiến sẽ có khoảng 16.200 căn hoàn thành và vượt chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội Chính phủ đặt ra (chỉ tiêu là 15.400 căn).

Trong giai đoạn 2025-2030 dự kiến sẽ có khoảng 20.400 căn hoàn thành và sẽ vượt chỉ tiêu Chính phủ giao trong giai đoạn này (chỉ tiêu là 18.100 căn). Ngoài ra, Hải Phòng cũng quy hoạch hơn 40 vị trí để phát triển nhà ở xã hội cho tương lai, bố trí, quy hoạch phát triển nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Hải

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Hải

Với các kết quả tích cực đã đạt được, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng khẳng định, trong điều kiện thuận lợi, Hải Phòng có thể hoàn thành vượt chỉ tiêu về số căn nhà ở xã hội Chính phủ giao trong giai đoạn 2021-2030. Để đạt được kết quả này, theo Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, do “thành phố đã tiên phong kích cầu đầu tư làm nhà ở xã hội trong bối cảnh tại nhiều nơi chủ đầu tư không mặn mà với loại hình này”.

Đánh giá cao những kết quả đạt được của Hải Phòng trong phát triển nhà ở xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội cho rằng, đạt được những kết quả này do Hải Phòng đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ và vận dụng linh hoạt, có hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là thủ tục về nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng và thân thiện.

Xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Thành phố, từ đó, công tác quản lý, phối hợp lựa chọn chủ đầu tư nhà ở xã hội được chỉ đạo thực hiện kịp thời, đúng thẩm quyền, bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật và phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Qua đó, thu hút nhiều dự án đầu tư với quy mô lớn, đem lại nguồn thu cho ngân sách Thành phố cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần nâng cao hiệu quả và tăng cường công tác quản lý nhà ở trên địa bàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế ghi nhận.

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng báo cáo với Đoàn giám sát. Ảnh: Thanh Hải

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng báo cáo với Đoàn giám sát. Ảnh: Thanh Hải

Chia sẻ ấn tượng với những kết quả Hải Phòng đạt được trong phát triển nhà ở xã hội, ĐBQH Nguyễn Trúc Anh (Hà Nội) - thành viên Đoàn giám sát cho rằng, những kết quả đạt được đó là "điểm sáng" của Thành phố trong thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, Thành phố cũng có nhiều cách làm sáng tạo và hiệu quả, nên các dự án nhà ở xã hội được triển khai thuận lợi, không phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đây cũng “là điểm khác biệt của Hải Phòng so với nhiều địa phương khác, trong đó có một số địa phương khu vực Đông Nam Bộ”, đại biểu Nguyễn Trúc Anh nói.

Những ưu đãi “vô hình” đặc trưng của Hải Phòng

Báo cáo với Đoàn giám sát, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hải Phòng Nguyễn Thành Hưng cho biết, doanh nghiệp thường gặp 3 vướng mắc trong thực hiện dự án nhà ở xã hội gồm khó khăn về vốn vay do chưa tiếp cận được gói tín dụng ưu đãi; quy trình xét duyệt đối tượng mua nhà ở xã hội phức tạp, qua nhiều cấp, nhiều khâu thẩm định; công tác giải phóng mặt thường kéo dài do nhiều yếu tố.

Phân tích cụ thể về khó khăn do xét duyệt đối tượng mua nhà ở xã hội, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hải Phòng cho biết, quy trình xác định điều kiện mua nhà ở xã hội và điều kiện kinh tế hiện rất phức tạp, qua nhiều cơ quan, việc xét duyệt phải qua nhiều bước xác minh, mất rất nhiều thời gian. “Nếu thống nhất cơ sở dữ liệu dân cư về điều kiện nhà ở qua thực hiện Đề án 06 thì cơ quan xét duyệt sẽ đơn giản vì chỉ cần kiểm tra trên hệ thống và do một mình Sở Xây dựng thực hiện”, ông Nguyễn Thành Hưng kiến nghị.

Đối với khó khăn do thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt thường kéo dài do nhiều yếu tố, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hải Phòng chia sẻ kinh nghiệm: “Với sự quyết tâm và dồn toàn công sức, thời gian của UBND TP. Hải Phòng, chính quyền các cấp nên tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án nhà ở xã hội được đẩy nhanh, là nhân tố quan trọng giúp thành phố có thể hoàn thành trước chỉ tiêu về phát triển nhà ở xã hội được Chính phủ giao cho địa phương”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ giải trình với Đoàn giám sát. Ảnh: Thanh Hải

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ giải trình với Đoàn giám sát. Ảnh: Thanh Hải

Qua giám sát, các thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội cũng ghi nhận, bài học kinh nghiệm hữu ích nhất và là điểm sáng của Hải Phòng là những ưu đãi “vô hình” được thành phố triển khai áp dụng với các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn. Nếu theo quy định tại Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản trước đó, với định mức lợi nhuận 10% của dự án nhà ở xã hội, với điều kiện vay vốn, sự kéo dài của đền bù, giải phóng mặt bằng, xét duyệt hộ mua, thì dự án nhà ở xã hội không có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Dù Luật Nhà ở năm 2023 đã có sự thay đổi, đưa ra nhiều quy định góp phần “kích cầu” cho sự phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới. Nhưng, ngay trong điều kiện các quy định pháp luật hiện hành không có sự ưu đãi vượt trội cho dự án nhà ở xã hội, Thành ủy Hải Phòng đã chỉ đạo UBND thành phố, các sở, ngành nghiên cứu xây dựng những ưu đãi “vô hình” rất đặc trưng của Hải Phòng.

“Để kích cầu đầu tư, Hải Phòng đã đi đầu trong việc đặt các dự án nhà ở xã hội ở những khu đất trung tâm của thành phố. Ngoài việc lựa chọn vị trí đẹp cho nhà ở xã hội, Hải Phòng còn hỗ trợ chủ đầu tư về nguồn khách từ việc chuyển các hộ gia đình thuộc diện phải di dời, đền bù ở các khu chung cư cũ sang các dự án nhà ở xã hội. Thành phố không cải tạo chung cư cũ theo các nghị định hiện hành, tức là xây lại trên địa điểm của chung cư cũ, thay vào đó gắn cải tạo chung cư cũ với thực hiện các dự án nhà ở xã hội”, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ cho biết.

Quang cảnh cuộc làm việc của Đoàn giám sát với UBND TP. Hải Phòng. Ảnh: Thanh Hải

Quang cảnh cuộc làm việc của Đoàn giám sát với UBND TP. Hải Phòng. Ảnh: Thanh Hải

Thực tế, khi khảo sát tại dự án nhà ở xã hội Tổng Kho 3 Lạc Viên trên địa bàn Hải Phòng, Đoàn giám sát nhận thấy, hiện đã có 3.000 khách tái định cư từ khu bên cạnh chuyển sang. Khu đất thực hiện dự án này nếu đấu giá có thể thu về cho ngân sách địa phương hàng nghìn tỷ đồng, nhưng thành phố đã chọn dành làm nhà ở xã hội. Do vậy, nếu như quy định 10% lợi nhuận bị coi là "rào cản" cản trở sự hấp dẫn nhà đầu tư làm nhà ở xã hội, thì những ưu đãi "vô hình" được thành phố thiết kế riêng nêu trên đã giúp thu hút nhà đầu tư tham gia các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, tại các nghị quyết của Thành ủy, quyết định của chính quyền các cấp luôn nêu cao yêu cầu các cơ quan phải bám sát, vào cuộc tích cực để giúp thực hiện nhanh các thủ tục đầu tư xây dựng dự án bất động sản, nhà ở xã hội. Trong đó, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hải Phòng cho biết, Thành ủy, UBND Thành phố chỉ đạo Giám đốc Sở Xây dựng đi cùng với chủ đầu tư “đi cùng với chủ đầu tư để cùng giải quyết những vướng mắc trong thực hiện quy trình, thủ tục theo quy định pháp luật hiện hành, chủ đầu tư không phải tự làm việc một mình”. Chính vì các chủ đầu tư có sự đồng hành của chính quyền thành phố như vậy nên “đã có phần yên tâm hơn trong triển khai các dự án nhà ở xã hội”.

Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại nhà ở xã hội Tổng kho 3 Lạc Viên. Ảnh: Thanh Hải

Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại nhà ở xã hội Tổng kho 3 Lạc Viên. Ảnh: Thanh Hải

Qua giám sát cho thấy, cùng một hệ thống chính sách, pháp luật, trong khi các địa phương gặp khó không triển khai được, thì Hải Phòng vẫn triển khai thực hiện việc phát triển bất động sản và nhà ở xã hội với những sáng tạo và tinh thần quyết liệt trong quản lý, chỉ đạo và thực hiện. Chỉ rõ điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, những thông tin, báo cáo về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai các dự án bất động sản, phát triển nhà ở xã hội của Hải Phòng rất hữu ích, cung cấp nhiều thông tin.

Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, ghi nhận và phản ánh đầy đủ trong báo cáo chung của Đoàn giám sát để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám tới, để Chính phủ và các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện, đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội. Qua đó, khơi thông và phát triển bền vững thị trường bất động sản, bảo đảm mục tiêu, chương trình phát triển nhà ở xã hội cũng như hoàn thành thắng lợi mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/v%E1%BA%ADn-d%E1%BB%A5ng-linh-ho%E1%BA%A1t-hi%E1%BB%87u-qu%E1%BA%A3-cac-co-ch%E1%BA%BF-ch%C3%ADnh-sach-phap-luat-hien-co-de-phat-trien-nha-o-xa-hoi-i380450/
Zalo