Ván cờ sắp ngã ngũ?
Nga được lợi nhất, ông Trump hiện thực hóa cam kết tranh cử trong khi Ukraine và châu Âu thua thiệt
Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) và NATO không thể hài lòng và nhẹ nhõm về những động thái mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng cộng sự liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine, đặc biệt là về giải pháp giúp chấm dứt khủng hoảng này.
Sau khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump vừa có cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tuần này. Ông cho biết đã nhất trí với ông Putin về việc khởi động ngay tiến trình đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, về việc trực tiếp gặp nhau trong thời gian tới, có thể ở Ả Rập Saudi và về việc bên này thăm chính thức bên kia. Ông Putin đã mời ông Trump sang thăm Nga.
Đáng chú ý không kém là những tuyên cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth. Ông này khiến Ukraine, EU và NATO hoang mang, bối rối và quan ngại khi cho rằng Ukraine không thể khôi phục đường biên giới quốc gia tồn tại trước năm 2014, tức là trước khi Nga đơn phương sáp nhập bán đảo Crimea.
Ông Hegseth còn tuyên bố Mỹ sẽ không triển khai quân đội đến Ukraine và các quốc gia châu Âu phải tự lo liệu cả việc bảo đảm an ninh cho Ukraine cũng như cho chính họ sau khi Mỹ và Nga đạt thỏa thuận về giải pháp giúp chấm dứt xung đột. Ông Hegseth thậm chí nói thẳng rằng việc Ukraine gia nhập NATO là phi thực tế.
![Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp Phó Tổng thống Mỹ JD Vance bên lề Hội nghị An ninh Munich ở Đức hôm 14-2 Ảnh: PRESIDENT.GOV.UA](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_15_51487641/b204d911ea5f03015a4e.jpg)
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp Phó Tổng thống Mỹ JD Vance bên lề Hội nghị An ninh Munich ở Đức hôm 14-2 Ảnh: PRESIDENT.GOV.UA
Cũng rất đáng chú ý là ông Trump điện đàm với ông Putin trước rồi mới gọi cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Tức là ông Trump không hề tham vấn ông Zelensky cũng như các đồng minh khác ở châu Âu trước khi điện đàm với ông Putin.
Ngoài ra, đặc phái viên của ông Trump về Ukraine và Nga còn công khai kêu gọi tiến hành bầu cử tổng thống ở Ukraine, hàm ý phía Mỹ muốn Ukraine có tổng thống mới và nhìn nhận ông Zelensky là trở ngại lớn cho việc đạt được thỏa thuận nào đấy giữa Mỹ và Nga. Ông Putin vốn vẫn luôn loại trừ việc hòa đàm với ông Zelensky.
Qua đó để thấy về cơ bản, cả giải pháp chấm dứt xung đột lẫn cách thức tiến hành giải pháp ấy của ông Trump và cộng sự đều đáp ứng gần như tất cả những điều kiện tiên quyết chính của phía Nga.
Cụ thể ở đây là ông Trump và ông Putin sẽ đàm phán tay đôi về giải pháp chấm dứt xung đột và việc thực hiện cụ thể giải pháp này trên thực tế sẽ giao cho EU và NATO. Các nước châu Âu và EU sau đó tự lo liệu an ninh cho châu Âu và Ukraine.
Điều kiện của Nga về duy trì quyền quản lý những vùng lãnh thổ đang kiểm soát ở Ukraine xem ra đã được ông Trump chấp nhận. Tương tự như vậy đối với điều kiện của Nga về Ukraine không được gia nhập NATO.
Có thể thấy ông Trump muốn đạt được thỏa thuận với ông Putin về chấm dứt xung đột bằng mọi giá, bất chấp mọi phản đối của các đồng minh ở châu Âu và của Ukraine, áp đặt một giải pháp khung buộc EU, NATO và Ukraine phải chấp nhận.
Như vậy, Nga được lợi nhiều nhất, gần như chỉ được mà không mất gì, ông Trump có được bằng chứng về thực hiện cam kết khi tranh cử và về biệt tài giải quyết vấn đề. Ukraine, EU và NATO thua thiệt nhiều nhất và rồi đây sẽ rất vất vả với việc xử lý mọi hệ lụy của giải pháp này.
Những động thái mới nói trên cũng báo hiệu ông Trump và cộng sự không coi trọng châu Âu về địa chiến lược, đồng thời chủ trương giảm can dự của Mỹ vào châu Âu để nhắm đến các khu vực khác trên thế giới.
Mỹ - châu Âu rạn nứt
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở TP Munich - Đức hôm 14-2, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance cáo buộc các nhà lãnh đạo châu Âu kiểm duyệt quyền tự do ngôn luận, không kiểm soát được vấn đề nhập cư và chạy trốn khỏi niềm tin thực sự của cử tri. Ông Vance cho rằng mối đe dọa thực sự đối với châu Âu đến từ sự thoái lui của lục địa này khỏi một số "giá trị cơ bản nhất" của mình, cũng như đặt câu hỏi liệu Mỹ và châu Âu có còn chung một chương trình nghị sự hay không.
Phát biểu trên đã vấp phải phản ứng gay gắt từ các quan chức Đức và Liên minh châu Âu (EU). Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius gọi những gì ông Vance nói là "không thể chấp nhận". Theo ông Pistorius, điều phó tổng thống Mỹ mô tả không phải là châu Âu và không phải là nền dân chủ mà ông đang sống.
Theo Reuters, phát biểu của ông Vance đã phủ bóng lên vấn đề xung đột Nga - Ukraine tại hội nghị. Nhiều người trông chờ ông Vance nói nhiều đến cuộc khủng hoảng này theo sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin nhưng rốt cuộc nội dung này ít được đề cập trong bài phát biểu. Bên lề hội nghị, ông Vance và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp nhau hôm 14-2 nhưng cả hai nhà lãnh đạo này không tiết lộ nội dung thảo luận.
Reuters nhận định tranh cãi nói trên cho thấy sự khác biệt trong quan điểm giữa chính quyền ông Trump và các nhà lãnh đạo châu Âu. Điều này khiến hai bên khó tìm tiếng nói chung về nhiều vấn đề, nổi bật là xung đột Ukraine.
Bà Kaja Kallas, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, kêu gọi các đồng minh nên tập trung vào những mối đe dọa lớn hơn như cuộc xung đột ở Ukraine. Bà Kallas đã mời các bộ trưởng ngoại giao của EU nhóm họp trong ngày 16-2 để thảo luận về tình hình Ukraine và mối quan hệ với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Anh Thư