Ukraine đứng trước lựa chọn khắc nghiệt sau cuộc gặp lịch sử Nga – Mỹ
Ngay sau cuộc họp mang tính lịch sử giữa hai phái đoàn Nga – Mỹ ngày 18/2, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky đưa ra những chỉ trích gay gắt nhất từ trước đến nay về chiến thuật đàm phán của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky. (Ảnh: Bloomberg)
Phát biểu sau khi phái đoàn Mỹ và Nga nhất trí trong cuộc họp tại Ả-rập Xê-út về việc thành lập các nhóm đàm phán chấm dứt xung đột ở Ukraine và bình thường hóa quan hệ, Tổng thống Ukraine Zelensky phản đối việc ông bị gạt ra khỏi tiến trình thảo luận và hủy kế hoạch thăm Ả-rập Xê-út.
Cuộc đàm phán tại Riyadh kết thúc với những tuyên bố lạc quan từ Nga và Mỹ và cam kết làm tan băng quan hệ song phương, điều khiến Kiev và các đồng minh châu Âu khó chịu.
"Không thể đưa ra quyết định về cách chấm dứt xung đột ở Ukraine mà không có Ukraine, cũng không thể áp đặt bất kỳ điều kiện nào", Tổng thống Zelensky phát biểu từ Thổ Nhĩ Kỳ.
"Chúng tôi không được mời đến cuộc họp tại Ả-rập Xê-út. Đó là bất ngờ đối với chúng tôi, tôi nghĩ cả với nhiều người khác nữa", nhà lãnh đạo Ukraine nói và thừa nhận ông biết về nội dung cuộc họp từ truyền thông.
Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết ông định sẽ gặp các quan chức Mỹ sau cuộc họp tại Riyadh, nhưng ông đã hủy chương trình này.
Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman muốn đại diện của ông Zelensky tham gia cuộc đàm phán, nhưng cả phía Mỹ và Nga đều khăng khăng từ chối, báo Washington Post dẫn nguồn tin nắm được công tác chuẩn bị của Ả-rập Xê-út cho biết.
Trong khi châu Âu vẫn sốc với tốc độ các sự kiện đang diễn ra, ông Zelensky loay hoay tìm cách tác động đến ông Trump để tránh một thỏa thuận bất lợi, hoặc nguy cơ đánh mất đồng minh quân sự lớn nhất nếu Kiev từ chối "tối hậu thư".
Ukraine muốn đàm phán theo hướng có thể bảo vệ nước này trong tương lai, bao gồm tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoặc đưa lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế vào khu vực chiến sự.
Những điều kiện đó không hề được nói đến trong cuộc hội đàm ở Riyadh, nơi các nhà đàm phán Mỹ chỉ nhấn mạnh "những cơ hội đáng kinh ngạc" sẽ đến khi quan hệ giữa Washington và Mátxcơva được cải thiện, theo thông tin mà Ngoại trưởng Marco Rubio đưa ra.
Ông Zelensky nhấn mạnh, rằng không thể áp đặt các điều khoản lên Ukraine khi nước này không được tham gia.
Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu trong cuộc họp tại Ankara, ngày 18/2. (nguồn: Viory)
Những phát biểu gay gắt này thể hiện sự thay đổi của nhà lãnh đạo Ukraine sau một thời gian ông nỗ lực bước trên một ranh giới mong manh để tránh làm mất lòng chính quyền Tổng thống Trump.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn NBC cuối tuần qua, ông Zelensky vẫn khen ngợi nhà lãnh đạo Mỹ, nói rằng ông Trump có thể thành công với việc gây sức ép buộc Nga phải giải quyết cuộc xung đột, vì Tổng thống Putin sợ Tổng thống Trump. Nhưng khi cuộc họp ở Riyadh diễn ra, ông Zelensky chỉ trích gay gắt.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Đức ARD ngày 18/2, Tổng thống Ukraine cho rằng Mỹ đang tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn nhanh chóng bằng cách "nói những điều mà Tổng thống Putin thực sự thích". Ông cho rằng mục đích của các nhà đàm phán Mỹ là nhanh chóng tiến tới một hội nghị thượng đỉnh và thỏa thuận ngừng bắn.
"Nhưng những gì họ muốn, chỉ là một lệnh ngừng bắn, không phải là thành công", ông Zelensky nói và cho rằng Mỹ và các quốc gia châu Âu trước tiên nên phác thảo những điều khoản về an ninh hậu chiến ở Ukraine, và Tổng thống Zelensky nhấn mạnh rằng Nga phải chấp nhận các bảo đảm an ninh để không có thêm hành động quân sự nào trong tương lai.
Nên hay không nên
Ông Zelensky so sánh cuộc đàm phán Mỹ - Nga tại Ả-rập Xê-út với cuộc đàm phán chấm dứt sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan, dẫn đến việc Taliban trở lại nắm quyền sau 20 năm Mỹ hiện diện quân sự ở đó. Mỹ đã đàm phán trực tiếp với Taliban, cắt đứt quan hệ với Chính phủ Afghanistan mà Mỹ hậu thuẫn.
Ông Zelensky cho biết: "Tôi không nghĩ có người muốn thấy Afghanistan 2.0. Chúng ta nhớ những gì đã xảy ra ở Afghanistan khi người Mỹ vội vã rời đi”, ông nói. Nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng đó là ví dụ về "những gì có thể xảy ra khi ai đó không hoàn thành, không suy nghĩ mà vội vã rời đi".
Mỹ là nước cung cấp viện trợ quân sự và tài chính lớn nhất cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt năm 2022, dù các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cung cấp nhiều hơn nếu gộp lại.
Ukraine phụ thuộc vào Mỹ về tình báo vệ tinh và phòng không, trong đó có hệ thống Patriot. Đây là lá chắn đáng tin cậy duy nhất giúp Ukraine đối phó hiệu quả với tên lửa đạn đạo Nga. Bộ binh Ukraine ít phụ thuộc vào vũ khí Mỹ hơn. Ukraine cũng đã tự phát triển được nhiều loại máy bay không người lái hiệu quả.
Trong 4 năm qua, Ukraine đã chiến đấu với quân đội lớn hơn và được trang bị tốt hơn nhiều của Nga, dù tình hình chiến trường hiện nay đang có lợi cho Nga.
"Vào thời điểm này, rõ ràng không bên nào sẽ giành chiến thắng trên chiến trường. Nga muốn điều này, nhưng họ đã thất bại. Không ai tin Ukraine, nhưng chúng tôi đã chứng minh được bản thân và bảo vệ nền độc lập của mình bằng cái giá vô cùng đắt là sinh mạng của những người lính, người dân của chúng tôi. Điều này chứng tỏ cần phải có sự chuyển hướng sang ngoại giao, nhưng phải dẫn đến một nền hòa bình công bằng”, Tổng thống Zelensky nói.
Vài ngày trước, ông Zelensky hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận với chính quyền Tổng thống Trump, để đổi một phần tài nguyên thiên nhiên lấy viện trợ quân sự. Một quan chức nắm được thông tin cho biết, Mỹ đòi một nửa số tiền thu được từ tài nguyên thiên nhiên của Chính phủ Ukraine. Tuy vậy, ông Zelensky không chấp nhận và cho biết châu Âu cũng quan tâm đến việc đầu tư vào Ukraine.
Giờ đây, chưa biết ông Zelensky sẽ xoay xở như thế nào để tránh phải đối mặt lựa chọn tàn khốc: Chấp nhận thỏa thuận không hề có lợi hoặc tiếp tục chiến đấu mà không có sự hỗ trợ của Mỹ.
“Sau nhiều năm chống lại Nga, không gì có thể khiến chúng tôi sợ hãi nữa. Và không gì có thể khiến Tổng thống Zelensky sợ hãi nữa. Sau khi chịu được những áp lực trong 3 năm qua, ông ấy sẽ không bị lung lay bởi bất kỳ áp lực nào khác”, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha viết trong bài đăng trên Facebook.