Văn Bàn nỗ lực giảm nghèo
Huyện Văn Bàn có 10 xã thuộc khu vực III với 80/194 thôn, tổ dân phố đặc biệt khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo còn cao là do quy mô nhân khẩu trung bình của hộ nghèo, cận nghèo cao; phần lớn lao động làm nông nghiệp nhưng lại thiếu đất, thiếu vốn; một số hộ còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước...
Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, huyện Văn Bàn đã nghiêm túc triển khai, phổ biến đầy đủ, kịp thời chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh đến các cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn. Huyện giao chỉ tiêu giảm nghèo đến từng xã, thị trấn; phân công rõ trách nhiệm và nhiệm vụ từng ban, ngành, cơ quan, đơn vị, cán bộ, hội viên trong việc giúp đỡ hội viên, đoàn viên, người dân thoát nghèo; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến người nghèo.
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Văn Bàn còn huy động tối đa mọi nguồn lực trong xã hội kết hợp với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước để tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Lồng ghép việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Kết quả giảm nghèo tại xã Nậm Chày (1 trong 10 xã nghèo nhất tỉnh hiện nay) là minh chứng rõ nét của phương châm “hộ nghèo tự lực vươn lên, cộng đồng giúp đỡ, Nhà nước hỗ trợ” khi tỉnh, huyện vào cuộc sát sao. Cách trung tâm huyện hơn 30 km, địa hình chia cắt mạnh, giao thông chưa thuận lợi, nhiều thôn cách xa trung tâm xã, Nậm Chày có gần 70% hộ dân thuộc diện nghèo, cận nghèo.
Thực hiện Nghị quyết số 20 ngày 24/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên, huyện Văn Bàn đã thành lập ban chỉ đạo và các tổ công tác, mỗi tháng 2 - 3 lần có mặt tại thôn, bản được phân công giúp đỡ để nắm tâm tư, nguyện vọng, vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; huy động các nguồn lực xã hội hóa để giúp đỡ người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của xã Nậm Chày giảm còn 29,6%, hộ cận nghèo còn 20%; thu nhập bình quân đầu người đạt 31,5 triệu đồng/năm. Nậm Chày không còn là xã nghèo nhất trong các xã nghèo của tỉnh.
Từ các nguồn hỗ trợ đã giúp xã hình thành và duy trì mô hình phát triển cây măng sặt, trồng gừng, nuôi lợn đen bản địa, chăn nuôi đại gia súc; nhiều tuyến đường giao thông và công trình hạ tầng dân sinh được khởi công xây dựng. Qua đó đã và đang tạo động lực mạnh mẽ cho Nậm Chày chuyển mình.
Những năm qua, bằng việc triển khai nhiều giải pháp thiết thực, công tác giảm nghèo của Văn Bàn đã đạt được kết quả tích cực, người dân được hưởng lợi từ các chương trình, đề án và nguồn vốn tín dụng, chủ động vươn lên thoát nghèo.
Huyện Văn Bàn đặt mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025, mỗi năm giảm bình quân từ 4 - 5% hộ nghèo (theo tiêu chí mới), trong đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 4,4%/năm trở lên.
Qua rà soát, năm 2024, Văn Bàn đã giảm 821 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn lại là 6,97%, hộ cận nghèo còn 5,44%.
Tiếp tục phấn đấu 10 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới hoàn thành tiêu chí số 11 về hộ nghèo duy trì tỷ lệ dưới 12%; có thêm khoảng 9 xã duy trì tỷ lệ hộ nghèo dưới 12% (nâng tổng số xã có tỷ lệ hộ nghèo còn lại dưới 12% lên 20/22 xã, thị trấn).
Văn Bàn xác định, để giảm nghèo bền vững đòi hỏi sự đồng thuận, sáng tạo, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và người dân, qua đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa địa phương trở thành huyện phát triển khá của tỉnh Lào Cai vào năm 2025.