Vài tâm sự những ngày đầu nhập ngũ

Nhập ngũ đợt này, trở thành Bộ đội Cụ Hồ, tôi có cơ hội được cùng sống, học tập, rèn luyện và quan sát trọn vẹn những ngày đầu của các chiến sĩ mới ở Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320, Quân đoàn 34). Tôi xin chia sẻ vài tâm sự của mình trong những ngày đầu nhập ngũ.

Lúc chưa nhập ngũ, tôi làm việc ở cơ quan báo chí nhưng mỗi khi nghe bài hát "Một đời người, một rừng cây" hay bài hát "Khát vọng tuổi trẻ", hoặc khi nhớ đến câu nói trong bài phát biểu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”, tôi thường trăn trở với suy nghĩ: Từ bé, mình đã có “cơm cha, áo mẹ” đủ đầy; rời giảng đường đại học thì được làm việc trong môi trường công sở, "bút nghiên", có những người đồng nghiệp luôn lắng nghe, động viên và cổ vũ, trong công việc cũng có những bước tiến nhất định. Nhiều người coi đó là sự may mắn và hạnh phúc, nhưng sao tôi vẫn thấy bản thân còn đang khuyết thiếu điều gì...

 Chiến sĩ mới Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320, Quân đoàn 34) chăm sóc vườn hoa đơn vị sau giờ nghỉ. Ảnh: NGUYỄN NAM

Chiến sĩ mới Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320, Quân đoàn 34) chăm sóc vườn hoa đơn vị sau giờ nghỉ. Ảnh: NGUYỄN NAM

Tình cờ nghe được những phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trên đài truyền hình về những thách thức mới trong công tác quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; rồi được xem những hình ảnh bộ đội xông pha nơi bão lũ giúp đỡ nhân dân... thế là tôi quyết định tạm dừng công việc và cũng gác lại chuyện học thạc sĩ để viết đơn tình nguyện nhập ngũ.

“Súng không lau súng mau han gỉ/ Người không rèn ý chí không cao”-câu nói dội về tâm trí tôi sau hồi dài những nhịp trống của Lễ giao, nhận quân năm 2025 tại TP Pleiku (Gia Lai) như thúc giục, cổ vũ chúng tôi lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Những gương mặt hãnh diện, những món quà và cái bắt tay thật chặt động viên, khích lệ và nụ cười trên môi các đồng chí cán bộ, các bậc phụ huynh, thân nhân các tân binh như muốn gửi thông điệp: “Các bạn hãy yên tâm thực hiện nhiệm vụ, cố gắng rèn luyện, hậu phương sẽ thật vững vàng và luôn chờ đợi các bạn hoàn thành nghĩa vụ vẻ vang, vinh quang trở về”.

Phải nói rằng, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc thì thiêng liêng và quá đỗi lớn lao, nhưng những con người thực hiện nghĩa vụ vẻ vang đó lại vô cùng nhỏ bé. Chúng tôi chỉ là những cậu trai vừa tròn mười tám, đôi mươi hay lớn hơn một chút, đến từ nhiều miền quê với thành phần gia đình, nghề nghiệp, trình độ học vấn khác nhau, với những hoàn cảnh, mưu cầu và lo lắng khác nhau...

Tôi đã lặng lẽ quan sát, ngắm nhìn từng gương mặt, tác phong của mỗi người cùng nhập ngũ với mình. Nhiều cậu trông rất lành, hiền khô; đa số thì nét mặt nghiêm nghị, hơi lạnh lùng, ít tiếp xúc; có vài cậu từ ánh mắt đến dáng vẻ đều ngông nghênh, tờn tợn... Tôi cứ tưởng mỗi người một tính cách sẽ khó hòa hợp, ấy vậy mà ngay trong tối lửa trại đơn vị tổ chức đón tân binh, họ đã ôm lấy nhau, cùng nắm tay thật chặt. Đêm, họ nằm sát giường nhau, có cậu còn đắp chung chăn, rủ rỉ tâm sự. Chỉ trong ngày đầu nhập ngũ, tôi đã vỡ ra nhiều thứ mà trước đó, tuy đã từng nghe, từng đọc, từng học nhưng chưa từng được trực tiếp trải qua nên chỉ biết sơ sơ.

Hôm sau, chúng tôi đã cùng tập gọi nhau bằng danh xưng “đồng chí” và nối tiếp những tâm sự vẫn còn đang bỏ ngỏ. Lính trẻ lần đầu xa nhà, nhiều câu chuyện lắm! Chúng tôi vừa cùng dọn vệ sinh, chăm sóc vườn rau, giúp nhau gấp chăn, màn gọn, đẹp... vừa tâm sự đủ chuyện, từ gia đình, công việc tới nỗi nhớ bố mẹ và người yêu, những tò mò, háo hức về cuộc sống trong quân ngũ... Trong không khí đó, chợt có một cậu người dân tộc H'rê, đôi mắt rất sáng, nước da nâu như đồng nung và giọng nói sang sảng như tiếng cồng, đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta lại gọi nhau là đồng chí nhỉ?”. Bất giác, tất cả chúng tôi đều im lặng vì có lẽ chưa ai lý giải được thỏa đáng. Tôi thuộc bài thơ "Đồng chí" của nhà thơ Chính Hữu, nhưng cũng chưa dám trả lời.

Ngày đầu tiên về đơn vị, sau khi được biên chế về các tiểu đội, nhận phòng ở của mình, mỗi tân binh đều nhanh nhẹn hơn hẳn và ai cũng cố gắng bắt nhịp với nền nếp, chế độ sinh hoạt, tác phong của bộ đội. Các cán bộ trong đơn vị trông có vẻ nghiêm khắc, hay nhắc nhở, nhưng thường xuyên gần gũi trò chuyện, thăm hỏi về quê hương, hoàn cảnh gia đình và tận tình hướng dẫn chiến sĩ làm những công việc...

Và khi lần đầu tiên được đọc "10 lời thề danh dự của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam", cộng với qua hoạt động, sinh hoạt hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ, những quán triệt về kỷ luật Quân đội, trách nhiệm của người quân nhân... tôi đã tìm được đáp án cho câu hỏi "vì sao chúng ta gọi nhau là đồng chí?". Tôi cũng hiểu rằng trong đơn vị Quân đội, chỉ cần một người chậm chạp là cả đơn vị sẽ cùng phải chờ; bất kể nắng hay mưa cũng giờ nào việc nấy; dù là vấn đề to hay nhỏ cũng đều cần lấy ý kiến tập thể, phổ biến cho tất cả, giải thích cặn kẽ cho từng cá nhân hiểu và thống nhất để thực hiện tốt nhiệm vụ. Nếu không có sự đoàn kết, thống nhất cao độ và cùng nỗ lực, hỗ trợ, giúp đỡ nhau để thực hiện mục tiêu chung thì chúng ta không thể tạo nên sức mạnh vô địch chiến thắng mọi kẻ thù.

Chiến sĩ mới NGUYỄN HOÀNG LONG, Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320, Quân đoàn 34)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/vai-tam-su-nhung-ngay-dau-nhap-ngu-816174
Zalo