'... Vãi mạ phải soạn trưa' nghĩa là gì?
Độc giả Lê Hoài Thu hỏi: 'Một người bạn có gửi cho tôi câu tục ngữ 'Ướp dưa phải dằn đá, vãi mạ phải soạn trưa', và thắc mắc không biết 'soạn trưa' có nghĩa là gì.

Tôi là người thích tìm hiểu thành ngữ, tục ngữ nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghe đến câu này. Tra từ điển thì thấy từ “trưa” chỉ có nghĩa là buổi trưa, hay là đã trưa (so với còn sớm). Nghĩa này rất khó hiểu nếu đem áp vào câu tục ngữ. Tôi đành khất với người bạn, và hôm nay xin gửi câu hỏi này đến chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa, nhờ chuyên gia giải đáp.
Trân trọng cảm ơn”.
Trả lời: Có hai trong số hàng chục cuốn từ điển chúng tôi có trong tay ghi nhận và giải thích câu tục ngữ độc giả Lê Hoài Thu đang hỏi.
- Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Vũ Dung - Vũ Thúy Anh - Vũ Quang Hào) giảng: “Ướp dưa phải dằn đá, vãi mạ phải soạn trưa. Một kinh nghiệm muối dưa và gieo mạ: sau khi ướp muối phải chặn hòn đá nặng lên trên cho dưa ngập xuống, nước muối làm cho dưa không bị nẫu (khú); khi gieo mạ mùa phải sửa soạn vào buổi trưa, chiều mát gieo xuống, qua đêm mát mẻ mạ chóng bén rễ, tránh được nắng gắt”.
- Từ điển thành ngữ tục ngữ ca dao Việt Nam (Việt Chương) giảng: “Ướp dưa phải dằn đá, vãi mạ phải soạn trưa (tục ngữ): Ở đời làm việc gì cũng có quy tắc riêng, như vậy mới mang lại kết quả tốt. Nếu công việc cứ làm bừa, làm càn, không tính toán thiệt hơn thì dễ gặp thất bại chua cay.
Như muối dưa, người ta phải dằn lên cục đá thật to để dưa nằm dưới muối mau chua. Muối dưa mà không dằn cục đá thì dưa sẽ nổi lều bều và chi chẳng mấy ngày là dưa thối hết.
Cũng như vãi lúa giống lên ruộng mạ, ta nên vãi vào lúc trưa, vì để còn đoán biết được thời tiết trong ngày nắng ráo ra sao. Rải mạ xong mà mưa liền là coi như bị hoàn toàn thất bại.
Đây là những kinh nghiệm quý báu của ông bà ta xưa”.
Về vế đầu, không có gì khó hiểu, và cách giải thích của từ điển cơ bản là đúng. Tuy nhiên, vế thứ hai, chữ “trưa” trong “soạn trưa” mà hiểu là “sửa soạn vào buổi trưa, chiều mát gieo xuống”, hay “gieo vào buổi trưa” là một kiểu “cưỡng từ đoạt lý”. Vì nếu giải thích như Nhóm Vũ Dung, thì không lẽ sửa soạn vào “buổi sớm” để chiều gieo sẽ không được? Còn với Việt Chương, giải thích mạ “nên vãi vào lúc trưa” là phản khoa học.
Vậy, “soạn trưa” ở đây có nghĩa là gì?
Thực ra, “trưa” tiếng địa phương (miền Trung) có nghĩa là đất gieo mạ.
Từ điển tiếng Nghệ (Trần Hữu Thung - Thái Kim Đỉnh) ghi nhận: “trưa: Nương mạ, trưa mạ. VD: Mồng tám tháng tư không mưa/ Cha con bỏ rọng bỏ trưa đừng cày”.
Từ điển tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương), có thu thập câu tục ngữ “Ruộng già bừa, trưa già trở”, nhưng không giải thích được, và liệt vào loại “Chưa rõ nghĩa”. Tuy nhiên, theo nghĩa mà chúng tôi đã dẫn ở trên, “trưa” ở đây là đất gieo mạ; “trở” là đảo, cào, trang đi trang lại cho nhuyễn, phẳng; “già” ở đây ý nói làm thật kỹ, càng kỹ càng tốt. “Ruộng già bừa”, có nghĩa ruộng thì phải bừa cho thật kỹ mới tốt lúa; “trưa già trở”, nghĩa là đất mạ thì phải dẫm, dầm cho nhuyễn, sạch cỏ dại mới tốt mạ.
Tuy “trưa mạ” là phương ngữ, nhưng thỉnh thoảng từ này vẫn xuất hiện trên báo chí. Ví dụ:
- “Theo ông Nguyễn Văn Hưng, trưởng thôn Xuân Hòa thì số đất ruộng được đơn vị thi công san lấp là đất trưa mạ (đất gieo mạ cấy lúa) có tổng diện tích trên 15.000m2 do UBND xã Thủy Vân cấp cho 97 hộ dân ở thôn Xuân Hòa...”; “Đất ruộng của người dân trong thôn đều được chia như nhau theo Nghị định 64/CP, vậy mà chúng tôi lại bị từ chối đền bù dù trước đó (năm 2012-NV), hơn 5.000m2 đất trưa mạ (do UBND xã Thủy Vân chia theo Nghị định 64/CP) của 40 hộ dân trong xã được chủ dự án xây dựng tuyến đường Phạm Văn Đồng – Thủy Dương - Thuận An đền bù tổng số tiền 420 triệu đồng...”. (Hàng trăm hộ dân bức xúc vì lời... “hứa hão” của nhà đầu tư - báo CAND - 23/5/2014).
- “Trước tình hình đó, các địa phương, ngành nông nghiệp tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân, ngay từ bây giờ phải triển khai phương án “gửi mạ trên trưa” đối với các giống dài ngày để gieo cấy khoảng 20% diện tích toàn tỉnh”. (Tập trung đấu úng, gửi mạ trên trưa - Báo Thừa Thiên Huế - 26/12/2016).
Như vậy, khi đã tìm được chữ “trưa” với nghĩa là đất gieo mạ, đất chuyên mạ (người Thanh Hóa có vùng gọi là “nác mạ”) thì vế “gieo mạ phải soạn trưa”, được hiểu là khi gieo mạ phải chuẩn bị (soạn, sửa soạn) đất gieo mạ cho kỹ càng; cũng như ướp dưa, muối dưa thì phải có đá để đè xuống thì dưa mới ngon vậy.