VACPA và hành trình nuôi dưỡng nhân tài cho nghề nghiệp kế toán kiểm toán
Nguồn nhân lực chất lượng luôn đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển bền vững của ngành nghề, doanh nghiệp, và xã hội. Bám sát chủ trương chú trọng hợp tác với các trường đại học và các cơ sở đào tạo, VACPA đã và đang viết tiếp hành trình ươm mầm những hạt giống tốt, không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hơn hai thập kỷ qua.
Vai trò của nguồn nhân lực đối với sự phát triển của ngành nghề
Trong bối cảnh bức tranh kinh tế và quy định không ngừng biến đổi, nguồn nhân lực ngày càng khẳng định vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, các hiệp hội và rộng hơn là kinh tế - xã hội.
Nằm trong khu vực kinh tế mới nổi với tốc độ tăng trưởng nhanh bậc nhất, các quốc gia ASEAN đang đứng trước cơ hội trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2050. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu về số lượng và chất lượng của các chuyên gia trong ngành Tài chính đang hiện rõ hơn bao giờ hết. Trong đó, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành nghề kiểm toán, kế toán cũng được chú trọng hơn.
Tại Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hiểu rõ những thông lệ và quy định quốc tế cho Việt Nam còn có ý nghĩa quan trọng giúp triển khai thành công Chiến lược phát triển kế toán, kiểm toán đến năm 2030 và Đề án Chuẩn mực báo cáo tài chính (BCTC) quốc tế đã được phê duyệt, cũng như góp phần vào nỗ lực chung nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp cũng như thị trường, đội ngũ nhân sự chất lượng trong nghề nghiệp kế toán, kiểm toán luôn được yêu cầu chú trọng về mặt đạo đức, tính chính trực, sự xét đoán nghề nghiệp và tính khách quan, đồng thời cần liên tục trau dồi để nâng cao chuyên môn và kinh nghiệm, từ đó áp dụng kiến thức và kỹ năng với tâm huyết và cam kết.
Do đó, việc thường xuyên nâng cao kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm cho nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán sẽ là một hành trình dài, bền bỉ, cần sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan quản lý, các trường đại học – các đơn vị đào tạo, các hiệp hội ngành nghề và các công ty kiểm toán.
Hành trình ươm mầm tài năng của VACPA
Sau thập kỷ đầu tiên (2005-2014) xây dựng nền tảng và thực hiện các chức năng do Bộ Tài chính giao, tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động vì lợi ích hội viên trong năm năm tiếp theo (2015 – 2020), VACPA đã và đang có những bước tiến lớn để trở thành hội nghề nghiệp có uy tín cao trong cộng đồng kế toán, kiểm toán tại Việt Nam, trong khu vực và quốc tế trong giai đoạn phát triển tiếp theo (2021 – 2030).
Theo đó, trong những năm gần đây, VACPA đã tích cực tham gia, phối hợp tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm chuyên môn, trong đó có hội thảo cấp quốc gia như: Hội thảo kiểm toán, kế toán Việt Nam; những hội thảo giới thiệu về chương trình kiểm toán mẫu BCTC, hội thảo nghề nghiệp kế toán – kiểm toán cho sinh viên các trường khối kinh tế - tài chính; tuần lễ kỹ năng mềm và áp dụng thực tế của sinh viên, các chương trình tư vấn định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, các khóa đào tạo thực hành kiểm toán, jobtour cho sinh viên…
Các hội thảo và chương trình đều thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Bên cạnh đó, VACPA còn tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều chương trình dành cho giảng viên trường đại học với sự tham gia của hàng trăm giảng viên đến từ mạng lưới các trường đại học trên cả nước.
Tiên phong trong công cuộc cập nhật quy định và chuẩn mực mới nhất
Quyết định số 345/QĐ-BTC - Đề án áp dụng chuẩn mực BCTC tại Việt Nam được Bộ Tài chính phê duyệt vào ngày 16/03/2020 đã đề ra các thời hạn và lộ trình áp dụng chuẩn mực BCTC quốc tế tại Việt Nam.
Bên cạnh những khó khăn, thách thức ban đầu, Quyết định này cũng tạo ra những cơ hội mang tính chiến lược cho doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi từ Chuẩn mực kế toán Việt Nam (“VAS”) sang Chuẩn mực BCTC quốc tế (“IFRS”). Theo đó, để chuyển đổi thành công, việc đào tạo nguồn nhân lực am hiểu kiến thức, kỹ năng chuyên môn có vai trò hết sức quan trọng.
Phối hợp ra mắt chương trình đào tạo và thi chứng chỉ CertIFR
Nhằm hỗ trợ triển khai áp dụng IFRS và chuẩn mực BCTC Việt Nam (VFRS) cũng như chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để thực hành IFRS tại Việt Nam, VACPA và ACCA đã ký kết Dự án IFRS tại Việt Nam từ năm 2018 và triển khai thành công.
Đến năm 2021, hai bên cùng có sáng kiến và thực hiện nâng dự án này lên tầm cao mới - đó là tiếng Việt hóa chương trình đào tạo và thi lấy chứng chỉ CertIFR hoàn toàn bằng tiếng Việt. VACPA và ACCA phối hợp cung cấp các tài liệu học và thi lấy chứng chỉ CertIFR lần đầu tiên cho hội viên, KTV, kế toán viên, sinh viên.
Đồng thời, các tài liệu học và đào tạo giảng viên về IFRS được cung cấp miễn phí cho các trường đại học trên cả nước. Trong những năm gần đây, VACPA đã thực hiện ký biên bản ba bên (VACPA, ACCA, trường đại học) với gần 10 trường đại học để triển khai việc đào tạo chứng chỉ CertIFR này, góp phần hỗ trợ Bộ Tài chính thực hiện lộ trình áp dụng IFRS và cập nhật Chuẩn mực kế toán Việt Nam trong thời gian tới.
Làm tốt vai trò bảo trợ chuyên môn cho cuộc thi IFRS Challenge
Việc giúp cho sinh viên ngành Kế toán – Kiểm toán, những nhân tài trong tương lai, hiểu và vận dụng được các chuẩn mực IFRS đã trở thành một yêu cầu bức thiết nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội trong bối cảnh kế toán – kiểm toán hội nhập ngày càng sâu rộng.
Đồng hành cùng cộng đồng sinh viên và các chương trình đại học trên hành trình này, VACPA và Deloitte Việt Nam đã làm tốt vai trò đơn vị bảo trợ chuyên môn cho cuộc thi IFRS Challenge do Học viện Tài chính phối hợp với Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) tổ chức từ năm 2021.
Là cuộc thi đầu tiên tìm hiểu về IFRS, IFRS Challenge được đánh giá là một sân chơi học thuật bổ ích dành cho các bạn sinh viên tất cả các chuyên ngành với hàm lượng chuyên môn cao về các nguyên tắc, phương pháp kế toán được thừa nhận và áp dụng cho các vùng pháp lý, quốc gia trên thế giới trong việc lập và trình bày BCTC.
Không chỉ hỗ trợ Ban tổ chức đánh giá phần trả lời cũng như kết quả bài thi của sinh viên tham gia, các chuyên gia đến từ VACPA và Deloitte Việt Nam, với am hiểu sâu sắc về chuẩn mực IFRS, tình hình về mức độ sẵn sàng áp dụng trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng như kinh nghiệm tư vấn thực chiến, còn tham gia chia sẻ tại chuỗi chương trình đào tạo về IFRS được triển khai trong khuôn khổ cuộc thi.
Nội dung đào tạo gồm hệ thống bài giảng được xây dựng trên tinh thần cập nhật nội dung mới nhất của chuẩn mực IFRS, kèm theo các tình huống vận dụng trong thực tế đã thực sự mang lại những kiến thức rất hữu ích cho sinh viên. Điều này đã giúp cho việc rút ngắn khoảng cách giữa lý luận và thực hành của sinh viên trong việc nhận thức về IFRS, từ đó hỗ trợ nguồn nhân lực tương lai thấy được tính tất yếu khách quan và tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức về IFRS, đáp ứng yêu cầu về thực hành nghề kế toán, kiểm toán và phân tích tài chính trong những năm sắp tới.
Gần đây, VACPA và ACCA cũng đã phối hợp cùng các trường đại học đối tác tổ chức Cuộc thi “ACCA - VACPA Newbie to IFRS 2024” hứa hẹn mang đến nhiều nội dung hấp dẫn và bổ ích dành cho sinh viên các trường đại học trên toàn quốc tiếp cận Chứng chỉ quốc tế về IFRS và mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong ngành tài chính kế toán.
Việt Nam là một quốc gia mới tiếp cận IFRS, nên chắc chắn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Một trong số đó là nguồn nhân lực với kiến thức chuyên sâu về IFRS, chi phí đầu tư ban đầu lớn để thay đổi tư duy cho cả ban lãnh đạo doanh nghiệp, người làm công tác kế toán…
Tuy nhiên, IFRS là một thông lệ tốt, giúp nâng cao chất lượng BCTC, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, từ đó, tạo tiền đề để nâng hạng TTCK. Do đó, hành trình ươm mầm nhân tài thông qua việc tăng cường hợp tác giữa VACPA và các trường đại học trong đào tạo kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp chắc chắn sẽ tiếp tục là một trong những hoạt động nền tảng mà VACPA đã xây dựng trong thời gian qua và tiếp tục thúc đẩy trong thập kỷ hoạt động và phát triển thứ ba tại Việt Nam.