Gia Lai: Cập nhật kiến thức và nâng cao kỹ năng cho 25 cô đỡ thôn bản vùng đặc biệt khó khăn
Trong 5 ngày (từ 14-4 đến 18-4), tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), 25 cô đỡ thôn bản vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh tham gia lớp tập huấn cập nhập kiến thức chuyên môn do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức.
Lớp tập huấn là một trong các hoạt động thuộc dự án 7-Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng- chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển Kinh tế-Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Quang cảnh lớp tập huấn. Ảnh: Như Nguyện
Tham gia tập huấn, các học viên được cập nhật kiến thức mới và nâng cao kỹ năng thực hành về khám thai, đỡ đẻ và sơ cấp cứu ban đầu cũng như công tác quản lý đối tượng, tổng hợp báo cáo định kỳ cho đội ngũ cô đỡ thôn bản.
Cụ thể, giảng viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ phổ biến các kiến thức: Quản lý thai nghén và chăm sóc bà mẹ thời kỳ thai nghén; khám thai; các dấu hiệu bất thường khi mang thai; chuyển dạ-theo dõi chuyển dạ; đỡ đẻ thường có sử dụng gói đỡ đẻ sạch; chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ-EENC; kiểm tra rau thai; xử trí ban đầu chảy máu trong và ngay sau đẻ; chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh tại nhà trong ngày đầu sau đẻ; hướng dẫn sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em; ghi chép sổ sách và lập báo cáo hoạt động hàng tháng

Qua tập huấn, các cô đỡ thôn bản ôn lại kiến thức đã học, đồng thời cập nhật các kiến thức mới trong quá trình công tác góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Như Nguyện
Ngoài lý thuyết, lớp tập huấn dành nhiều thời gian cho các học viên thực hành các tình huống trong chăm sóc bà mẹ thời kỳ thai nghén và đỡ đẻ tại nhà, thực hành xử lý các tình huống nếu có bất thường khi mang thai và trong quá trình chuyển dạ… Trong quá trình tập huấn, các học viên cùng trao đổi kinh nghiệm, nêu các vướng mắc, khó khăn và được giảng viên giải đáp cụ thể.
Qua tập huấn, các cô đỡ thôn bản ôn lại kiến thức đã học, đồng thời cập nhật các kiến thức mới trong quá trình công tác, góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trên địa bàn tỉnh.