Tập huấn giáo viên sử dụng và phát triển thư viện số
Ngày 16/4, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức tập huấn sử dụng, phát triển nội dung thư viện số miễn phí cho trẻ em Việt Nam tại Gia Lai.

Chuyên gia Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam hướng dẫn các thầy cô trong buổi tập huấn.
Chương trình có sự phối hợp của Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Việt Nam. Buổi tập huấn thu hút hơn 100 giáo viên mầm non và tiểu học đến từ 17 thành phố, huyện trong tỉnh tham gia.
Chương trình nằm trong khuôn khổ Dự án Thư viện số miễn phí cho trẻ em Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, một sáng kiến do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Tổ chức UNICEF và Thư viện số Toàn cầu (GDL) phối hợp triển khai, với sự tài trợ của Chính phủ Na Uy.
Dự án này hướng đến việc cung cấp website, tài liệu học tập chất lượng và miễn phí cho mọi trẻ em, đặc biệt là những em ở các vùng khó khăn, thiếu điều kiện tiếp cận sách vở và tài nguyên giáo dục.

Ông Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phát biểu tại buổi tập huấn.
Theo ông Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Thư viện số miễn phí không chỉ là ứng dụng công nghệ, mà còn là hành trình nhân văn – mở cánh cửa tri thức đến với mọi trẻ em, đặc biệt là các em ở vùng sâu, vùng xa hay có nhu cầu đặc biệt.
Việc bổ sung thêm những đầu sách chất lượng, phù hợp với từng độ tuổi và bối cảnh địa phương là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả tiếp cận. Đặc biệt, các thầy cô giáo – những người hiểu học sinh nhất – sẽ giữ vai trò kiến tạo nội dung, góp phần làm phong phú thêm kho học liệu số bằng chính những trải nghiệm, nhu cầu và thực tiễn từ lớp học. Nhờ đó, mỗi tài nguyên trong thư viện không chỉ dễ tiếp cận, mà còn thực sự thiết thực và truyền cảm hứng.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai phát biểu tại buổi lễ tập huấn.
Thời gian qua, Sở GD&ĐT Gia Lai triển khai nhiều hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc và xây dựng thư viện trong trường học trong đó có thư viện di động. Ông Trần Thanh Hải - Phó Giám đốc cho hay, kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn so với kỳ vọng.
Việc tiếp cận với Thư viện số sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho giáo viên và học sinh trên địa bàn tỉnh. Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai mong muốn được sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quý từ Thư viện số, đồng thời sẽ huy động 100 thầy cô tham gia lớp tập huấn cùng phát triển, triển khai và đưa Thư viện số đến gần hơn với học sinh, giúp các em chủ động tiếp cận tri thức, nuôi dưỡng ước mơ và khát vọng vươn lên.

Bà Lê Anh Lan – chuyên gia giáo dục, đại diện Tổ chức UNICEF phát biểu tại buổi tập huấn.
Không chỉ mang đến nguồn học liệu số phong phú, dễ tiếp cận, Bà Lê Anh Lan – chuyên gia giáo dục, đại diện Tổ chức UNICEF nhận thấy, thư viện số còn góp phần rút ngắn khoảng cách về kỹ năng đọc, tạo điều kiện để mọi học sinh – dù ở đâu – đều có cơ hội tiếp cận tri thức công bằng. Đồng thời, hỗ trợ giáo viên nâng cao năng lực giảng dạy, đặc biệt trong việc khơi dậy cảm hứng học tập và tình yêu với sách vở học sinh.
Tại buổi tập huấn, các chuyên gia đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã hướng dẫn giáo viên cách truy cập, lựa chọn và tích hợp tài nguyên số vào các hoạt động giảng dạy một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, giáo viên cũng được tham gia các buổi thực hành, trao đổi ý tưởng và sáng tạo các hoạt động học tập hấp dẫn dựa trên các tài liệu số, nhằm khơi gợi sự sáng tạo và sự hứng thú học hỏi của học sinh.

Chuyên gia Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam hướng dẫn các thầy cô trong buổi tập huấn.
Chia sẻ tại buổi tập huấn, các giáo viên cho rằng, việc sử dụng thư viện số trong giảng dạy không chỉ giúp mở rộng kiến thức cho học sinh, mà còn tạo sự gắn kết giữa các em với bài học và cộng đồng.
Quan trọng hơn, khi được trao quyền, chính giáo viên sẽ là những người kiến tạo nên các bài học sinh động, gần gũi, biến tài nguyên số thành cây cầu giúp học sinh, dù trong hoàn cảnh khó khăn vẫn vững bước tới những ước mơ lớn.

Ông Lê Anh Vinh trao tặng bộ sách “Những đứa trẻ hạnh phúc” tới Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai.
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Tổ chức UNICEF đã xây dựng, triển khai ứng dụng Đọc vui - Vui học, một công cụ hữu ích giúp giáo viên, học sinh và phụ huynh dễ dàng tiếp cận kho tài nguyên giáo dục phong phú ngay trên các thiết bị di động.
Ứng dụng này không chỉ cung cấp những bài đọc mẫu sinh động mà còn kết hợp với video trực quan, tạo ra một không gian học tập tương tác, thú vị và dễ tiếp cận, đặc biệt là đối với trẻ em ở những vùng sâu, vùng xa, nơi tài nguyên học tập truyền thống còn hạn chế.
App Đọc vui – Vui học hiện có hơn 3.000 đầu sách đa dạng về chủ đề, ngôn ngữ và hình thức trình bày, với các tài liệu đã được dịch sang 8 ngôn ngữ dân tộc thiểu số như: tiếng Mông, tiếng Chăm, tiếng Ba Na, tiếng Ê Đê, tiếng Gia Rai, tiếng Thái, tiếng Mơ Nông, tiếng Khmer và ngôn ngữ ký hiệu, giúp học sinh ở các vùng sâu đều có thể tiếp cận dễ dàng. Ngoài ra, Thư viện số Toàn cầu tại trang web digitallibrary.io cung cấp hơn 14.000 đầu sách, dịch sang 140 ngôn ngữ.