Vaccine Sputnik V bị cáo buộc 'sao chép' công nghệ AstraZeneca, Nga phẫn nộ ra mặt: 'Nói dối trắng trợn!'

Vaccine Sputnik V hiện đã được chấp thuận sử dụng ở 70 quốc gia nhưng vẫn chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt.

Giới chức Nga và nhóm nghiên cứu vaccine Sputnik V đã kiên quyết phủ nhận các cáo buộc của truyền thông Anh rằng "gián điệp Nga" đã "sao chép bản thiết kế" vaccine AstraZeneca để phát triển vaccine Sputnik V.

Cụ thể, hôm 11/10, trang The Sun của Anh đã đăng tải bài viết với cáo buộc rằng vaccine Sputnik V "sao chép" công nghệ của AstraZeneca, nhắc lại lời cảnh báo hơn một năm trước của tình báo Anh, Canada và Mỹ nói rằng nhóm hacker Cozy Bear được cho có liên quan đến chính phủ Nga gần như chắc chắn đã nhắm vào các nhà phát triển vaccine phương Tây.

Thông tin này đã khiến phía Nga tức giận. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nhanh chóng phản hồi ngắn gọn nhưng đầy sắc bén rằng The Sun chỉ là "một tờ báo lá cải", và cáo buộc này rất "phi khoa học".

Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF), đơn vị chịu trách nhiệm quảng bá và bán vaccine Sputnik V, cũng đáp trả gay gắt: "Đó là một tin giả, một lời nói dối trắng trợn dựa trên các nguồn ẩn danh".

Các cáo buộc của The Sun "hoàn toàn không có ý nghĩa về mặt khoa học vì Sputnik V và AstraZeneca được phát triển dựa trên các nền tảng khác nhau", RDIF lưu ý.

Hai loại vaccine của Nga và Anh có sự khác biệt lớn. Trong khi vaccine AstraZeneca sử dụng một loại adenovirus từ tinh tinh, thì nhà phát triển Gamaleya của Nga sử dụng adenovirus từ người cho vaccine Sputnik V. Mỗi liều vaccine Sputnik V lại sử dụng một loại adenovirus khác nhau.

"Chúng tôi cho rằng những cáo buộc như vậy rất phi đạo đức vì chúng phá hoại nỗ lực tiêm chủng toàn cầu", RDIF bình luận.

Phía AstraZeneca đã từ chối bình luận về bài báo của The Sun.

Vaccine Sputnik V hiện đã được chấp thuận sử dụng ở 70 quốc gia, gần đây nhất là Indonesia. Tuy nhiên, loại vaccine này vẫn chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt - trong khi đây là điều kiện tiên quyết để Sputnik V được đưa vào sáng kiến chia sẻ vaccine COVAX toàn cầu cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Đáng chú ý, Cơ quan Thuốc Châu Âu (EMA) cũng chưa chấp thuận cho Sputnik V sử dụng khẩn cấp trong Liên minh Châu Âu; điều đó có nghĩa là những người tiêm vaccine Sputnik V sẽ gặp khó khăn khi di chuyển trong EU./.

Bách Tùng

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/vaccine-sputnik-v-bi-cao-buoc-sao-chep-cong-nghe-astrazeneca-nga-phan-no-ra-mat-noi-doi-trang-tron-820211210173146732.htm
Zalo