Thành công trước, bất cập sau

Trong lịch sử đến nay của Liên minh châu Âu (EU), sự ra đời và phát triển của khối Schengen được coi là một điểm sáng cả về biểu hiện bề ngoài lẫn trong thực chất.

Khối Schengen là tên gọi tắt của hiệp ước giữa các quốc gia châu Âu về tự do di chuyển của con người, hàng hóa và dịch vụ giữa các nước châu Âu, có thể được hiểu ngắn gọn là bãi bỏ mọi kiểm soát xuất, nhập cảnh ở biên giới giữa các quốc gia này với nhau.

Schengen là một làng nhỏ của Luxembourg tiếp giáp với Đức và Pháp. Hiệp ước Schengen được ký kết vào tháng 6-1985 giữa Luxembourg, Đức, Pháp, Bỉ và Hà Lan. Từ 5 nước thành viên của Cộng đồng châu Âu (EC) giờ đã có cả thảy 29 quốc gia thành viên EU và không phải là thành viên EU tham gia. Chỉ riêng điều này không thôi đã đủ để thấy Schengen là một trong những thành tựu rất to lớn và quan trọng mà EU từng đạt được.

Thuở ban đầu, Hiệp ước Schengen không thuộc vào hệ thống luật pháp chung của EC, nhưng về sau được đưa vào trong hệ thống luật pháp chung của EU. Để cho các nghi lễ được EU tổ chức nhằm kỷ niệm 40 năm Hiệp ước Schengen thêm long trọng và thành công của hiệp ước này nổi bật về tính thời sự, EU đã cho Bulgaria và Romania trở thành những quốc gia châu Âu mới nhất tham gia Schengen trong những ngày cuối cùng của năm 2024.

Trong thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ trước, khối Schengen đã nhanh chóng trở thành biểu tượng và tạo ra được động lực quan trọng mới cho tiến trình hợp tác và liên kết giữa các quốc gia châu Âu, đặc biệt cho tiến trình nhất thể hóa châu lục. Cho nên, không có gì là khó hiểu khi EC xưa và EU ngày nay rất tự hào về sự hình thành và phát triển của khối Schengen. Khối Schengen thúc đẩy sự hình thành và bảo đảm hoạt động hiệu quả của thị trường nội địa của EU, nhưng đồng thời buộc EU phải thay đổi nhiều luật pháp chung và các nước thành viên EU phải hợp tác với nhau chặt chẽ hơn, tin cậy hơn, hiệu quả hơn về an ninh và trong thực thi Liên minh thuế quan chung của EU.

Nhưng càng về sau càng bộc lộ rõ bất cập và khiếm khuyết của khối Schengen đối với EU. Nguyên do nằm ở cả phía EU và ở phía thời cuộc. Hệ lụy là việc kiểm soát ở biên giới các quốc gia thành viên EU trở nên thường xuyên và gia tăng theo thời gian; chẳng hạn như về số lượng trong năm 2024 nhiều như chưa từng thấy khiến cho tinh thần của ý tưởng về "EU không có biên giới bên trong" không còn được thể hiện đầy đủ trên thực tế và gây bất hòa mới giữa các thành viên tham gia khối Schengen.

Bất cập và khiếm khuyết của khối Schengen là biên giới bên ngoài của EU chưa được kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn nhập cư, nhập cảnh trái phép, mà bên trong đã để cho tự do di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác ở bên trong EU. Khối Schengen bộc lộ bất cập và khiếm khuyết khi EU lâm vào những cuộc khủng hoảng về di cư và tị nạn cũng như khi bị thách thức ngày càng thêm nhiều bởi khủng bố và tội phạm xuyên biên giới ngày càng thêm gia tăng. EU đã không kịp thời cải tổ chính sách về di cư, nhập cư và tị nạn để thích ứng với bối cảnh tình hình mới. Khối Schengen bộc lộ rõ nhiều bất cập và khiếm khuyết khi trong quy định vẫn để cho các thành viên có quá nhiều dư địa kiểm soát biên giới, cho dù trên danh nghĩa chính thức chỉ là nhất thời và ngẫu nhiên, nhưng thực tế lại là nhất thời và với phạm vi rộng trong thời gian dài.

Sau 40 năm, khối Schengen rất xứng đáng được EU vinh danh, nhưng yêu cầu đòi hỏi về cải tổ Hiệp ước Schengen cũng đã trở nên rất cấp thiết đối với EU.

Đại sứ Trần Đức Mậu

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thanh-cong-truoc-bat-cap-sau-687614.html
Zalo