Vaccine cúm có tác dụng trong bao lâu?
Theo bác sĩ Thủy, bệnh cúm đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ có thai, người cao tuổi, người có bệnh mạn tính.
Bác sĩ Đỗ Thị Thanh Thủy, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Ninh Bình, cho biết cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, biểu hiện qua các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao qua đường hô hấp, thông qua các giọt bắn từ người bệnh khi nói chuyện, ho hoặc hắt hơi.
Theo bác sĩ Thủy, cúm mùa đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai, người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính. Đây là những nhóm dễ mắc cúm và có nguy cơ diễn biến nặng, dẫn đến các biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn, nhiễm trùng tai và thậm chí tử vong nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Để phòng bệnh, bác sĩ khuyến cáo người dân nên tiêm vắc-xin phòng cúm để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, trẻ nhỏ, người cao tuổi và người có hệ miễn dịch suy yếu là những nhóm nguy cơ cao cần tiêm phòng để tránh biến chứng nặng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vaccine phòng cúm có hiệu lực bảo vệ lên đến 90%, giúp giảm thiểu từ 70 đến 80% tỷ lệ tử vong do cúm.
"Tuy nhiên, hiệu lực bảo vệ của vaccine cúm chỉ kéo dài trong khoảng một năm. Virus cúm liên tục thay đổi cấu trúc kháng nguyên theo chu kỳ hàng năm. Vì vậy, người dân cần tiêm nhắc lại vaccine cúm mỗi năm một lần để đảm bảo sự tương đồng giữa các chủng virus lưu hành với chủng trong vaccine," bác sĩ Thủy nhấn mạnh.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng khuyến cáo trẻ em và người lớn nên tiêm phòng cúm hàng năm, đặc biệt là những người có nguy cơ cao mắc biến chứng hoặc thường xuyên tiếp xúc với nhóm này, như nhân viên y tế.
Các nhóm có nguy cơ cao mắc biến chứng do cúm gồm:
Người trên 50 tuổi hoặc trẻ dưới 2 tuổi, phụ nữ mang thai.
Người mắc bệnh hen suyễn, bệnh phổi hoặc rối loạn chức năng phổi.
Người có các rối loạn về não, tủy sống, thần kinh hoặc chấn thương như đột quỵ, động kinh, bại não.
Người mắc bệnh gan, thận, tiểu đường, bệnh tim mạch hoặc các rối loạn nội tiết khác.
Người bị béo phì nghiêm trọng (BMI từ 40 trở lên).
Người mắc rối loạn chuyển hóa, hồng cầu hình liềm hoặc các bệnh về máu khác.
Người có hệ miễn dịch suy yếu do bệnh lý hoặc điều trị.
Những người không nên tiêm vaccine cúm gồm:
Người có tiền sử mắc hội chứng Guillain - Barré.
Người từng phản ứng nghiêm trọng với vaccine cúm trước đó.
Người bị dị ứng với thành phần có trong vaccine cúm.
Người đang điều trị các bệnh nhiễm trùng cấp tính hoặc có sức khỏe kém.