Ưu tiên vốn để sớm hoàn thành dự án đường sắt tốc độ cao
Tập trung ưu tiên bố trí vốn để thực hiện, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các dự án đường cao tốc, dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị...
Ưu tiên nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ lớn
Chiều 7/2/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030.
![Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_35_51421493/a75637d00e9ee7c0be8f.jpg)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, so với Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, dự thảo Nghị quyết cho giai đoạn 2026-2030 có những điểm điều chỉnh, bổ sung như sau: Thứ nhất, bổ sung, hoàn thiện các lĩnh vực ưu tiên đầu tư phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2026-2030.
Tập trung ưu tiên bố trí vốn để thực hiện, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các chương trình, dự án: Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, dự án kết nối, có tác động liên vùng, dự án có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Chương trình, nhiệm vụ, dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tư pháp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, năng lượng nguyên tử, hạ tầng số, vi mạch bán dẫn, giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, chuyển đổi xanh (Khoản 6 Điều 4 dự thảo Nghị quyết).
Thứ hai, về ngân sách trung ương: Tiếp tục ưu tiên nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ lớn, có ý nghĩa chiến lược, quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương: Bổ sung một số tiêu chí làm cơ sở tính điểm như khu vực chịu tác động của công trình quốc phòng và khu vực quân sự nhóm đặc biệt; xã đặc biệt khó khăn vùng III; ưu tiên địa phương theo các Nghị quyết đặc thù của Quốc hội.
Ưu tiên hỗ trợ khu vực Tây Nguyên, Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Thứ ba, đổi mới công tác bố trí vốn nước ngoài: Đảm bảo bố trí vốn cho dự án chuyển tiếp; bố trí vốn cho dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Mức vốn nước ngoài còn lại (nếu có) được quản lý thống nhất tại trung ương, để bố trí cho chương trình, nhiệm vụ, dự án phát sinh trong kỳ trung hạn sau khi hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định.
Thứ tư, đối với ngân sách địa phương, quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách địa phương theo hướng tập trung đầu tư vào các công trình, dự án có tính liên tỉnh, liên huyện; đầu tư tập trung, trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có tính lan tỏa cao; đảm bảo không dàn trải, manh mún (Khoản 2 Điều 10 dự thảo Nghị quyết).
Đồng thời, đảm bảo bố trí đủ vốn ngân sách địa phương theo chủ trương đầu tư được duyệt hoặc cam kết đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, dự án kết nối, có tác động liên vùng, dự án có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Khắc phục việc phân bổ dàn trải, thiếu hợp lý
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị dự thảo nghị quyết phải khắc phục được việc phân bổ dàn trải, thiếu hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực quan trọng. Việc phân bổ dàn trải vừa qua khiến việc sử dụng vốn đầu tư công "không hiệu quả".
![Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_35_51421493/ff9c6c1a5554bc0ae545.jpg)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị dự thảo nghị quyết phải khắc phục được những hạn chế trong thực hiện nghị quyết của giai đoạn 2021 - 2026. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc phân bổ vốn đầu tư công thời gian qua chưa có cơ chế quản lý lập kế hoạch vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách địa phương.
Cùng với đó, chưa ràng buộc trách nhiệm ngân sách địa phương dành vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài còn rất thấp, chỉ đạt 52,7% kế hoạch được giao.
Mặt khác, Chủ tịch Quốc hội đề nghị việc quy định các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công cần cập nhật các quy định luật Đầu tư công 2024, nhất là liên quan thời gian bố trí vốn đầu tư thực hiện dự án.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn tới cần phải dựa trên mức độ cấp thiết, tính hiệu quả, đảm bảo minh bạch và công bằng. Đồng thời, lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí vốn cho lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, sáng 7/2, họp Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu ngay kỳ họp bất thường thứ 9 này phải có nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Luật chưa sửa được ngay nhưng phải có nghị quyết tháo gỡ.
Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết thông qua về cơ bản dự thảo Nghị quyết về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.