Quản lý dạy thêm, học thêm thế nào?
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 42, sáng 7-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 1-2025. Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận là việc quản lý tình trạng dạy thêm, học thêm.
Cử tri và nhân dân lo lắng về tình hình dịch bệnh sau Tết
Trình bày Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 1-2025, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, các cơ quan trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở đã nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025, đã chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ nhân dân vui xuân, đón mừng năm mới, tạo khí thế và động lực mới, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ công tác năm 2025 ngay từ những tháng đầu năm.
![Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành cuộc họp. Ảnh: VĂN QUỐC](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_16_51421987/118b6c1b5555bc0be544.jpg)
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành cuộc họp. Ảnh: VĂN QUỐC
Công tác thăm hỏi, tặng quà, động viên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, các đại biểu Quốc hội đã được thực hiện hiệu quả, thiết thực, bảo đảm tất cả người dân đều được vui xuân, đón Tết đầm ấm.
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân quan tâm đến Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thảo luận cho ý kiến với 5 nội dung, trong đó có 2 nhóm vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm là: Tổng kết Nghị quyết số 18 của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Đề án bổ sung mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Cùng với đó, cử tri và nhân dân đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát giao thông trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, các lực lượng chức năng đã làm xuyên Tết, xuyên đêm, xử lý “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đối với các hành vi vi phạm, làm tăng ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, tỷ lệ tai nạn giao thông và số trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 giảm so với cùng kỳ năm trước…
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân tiếp tục lo lắng về tình trạng ngộ độc thực phẩm; tình trạng mất an toàn lao động còn xảy ra; một số vụ cháy rừng, cháy nhà dân sinh gây thiệt hại lớn về tài sản; tình hình dịch bệnh trong và sau Tết; vấn đề an toàn khi tổ chức các lễ hội truyền thống đầu Xuân và các lễ hội tại các địa phương…
![Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VĂN QUỐC](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_16_51421987/d7cba75b9e15774b2e04.jpg)
Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VĂN QUỐC
Đề xuất đưa hoạt động dạy thêm là hoạt động có điều kiện
Cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 1-2025, một số đại biểu đặc biệt lưu ý tới việc dạy thêm, học thêm - đây cũng là một trong những vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm.
Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Hải cho rằng, cần thiết có những biện pháp mạnh để tránh phát sinh tiêu cực từ việc dạy thêm, học thêm. “Giáo viên giỏi có quyền dạy thêm để có thêm thu nhập, học sinh thiếu hụt về kiến thức hoặc muốn học giỏi hơn nên cần học thêm; nhưng phải tránh xảy ra những tiêu cực gây bức xúc trong xã hội” - đồng chí Nguyễn Thanh Hải nêu quan điểm.
![Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh góp ý về vấn đề dạy thêm, học thêm. Ảnh: VĂN QUỐC](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_16_51421987/ea7798e7a1a948f711b8.jpg)
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh góp ý về vấn đề dạy thêm, học thêm. Ảnh: VĂN QUỐC
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, nhu cầu học tập suốt đời nên khi có nhu cầu học thêm thì có dịch vụ dạy thêm; đồng thời so sánh, việc nhà giáo dạy thêm ngoài giờ đúng chuyên môn cũng như thầy thuốc ngoài giờ đi khám bệnh, làm thêm. Vấn đề là phải quản lý, tổ chức ra sao để tránh trục lợi, tiêu cực. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục có kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, nên coi dạy thêm là hoạt động có điều kiện, tổ chức dạy học có nơi, có chỗ, có đăng ký để quản lý chặt chẽ, giảm bớt trục lợi, tiêu cực.
Kết luận phiên họp, đối với vấn đề dạy thêm, học thêm được cử tri và nhân dân quan tâm, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tích cực triển khai thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, đồng thời tập hợp dư luận để có điều chỉnh, chỉ đạo để tránh tiêu cực. "Chúng ta chấp nhận dạy thêm, học thêm nhưng phải quản lý được”, Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.