Ưu tiên nguồn lực thực hiện sớm dự án đường sắt tốc độ cao
Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là công trình mang tính biểu tượng, sẽ ưu tiên nguồn lực thực hiện sớm với thời gian nhanh nhất, chất lượng tốt nhất.
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam
Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM) đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thủ đô Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP HCM.
Về quy mô, đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 05 ga hàng hóa; phương tiện, thiết bị; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Hình thức đầu tư công, áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa; bảo đảm hiện đại, đồng bộ, an toàn và hiệu quả.
Công trình biểu tượng, quyết định mang tính lịch sử
Tân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh đánh giá, việc Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao là một quyết định mang tính lịch sử.
Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam không chỉ là một công trình của ngành giao thông mà đây là công trình động lực, tính biểu tượng, tạo ra sức bật cho nền kinh tế, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu.
“Dự án được Quốc hội bấm nút thông qua chủ trương đầu tư một lần nữa thể hiện ý chí thống nhất, quyết tâm cụ thể hóa mục tiêu đột phá kết cấu hạ tầng, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra”, tân Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho hay, dự án đường sắt tốc độ cao được Quốc hội bấm nút thông qua trong bối cảnh đất nước có đầy đủ sự thuận lợi, huy động được nguồn lực triển khai. Cụ thể, quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2010; Nợ công ở mức thấp khoảng 37% GDP; dự kiến thời điểm triển khai xây dựng vào năm 2027, quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỷ USD.
Với đa số phiếu của ĐBQH biểu quyết thông qua cho thấy người dân cả nước đều rất mong chờ thời điểm Dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Nhận thức rõ đây là Dự án có quy mô rất lớn, khối lượng công việc nhiều và phức tạp, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, ngay từ khi nhận nhiệm vụ làm Bộ trưởng, ông Minh cùng tập thể lãnh đạo Bộ đã đánh giá, nhận diện được các khó khăn, thách thức phải đối mặt trong các bước tiếp theo.
“Để có thể triển khai Dự án sớm nhất, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến sẽ tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết để chỉ đạo các bộ, ngành địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, các chính sách đặc thù nêu trong Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là các chính sách liên quan đến huy động nguồn lực đầu tư, rút ngắn tiến độ”, ông Minh nói.
Triển khai dự án với thời gian nhanh nhất, chất lượng tốt nhất
Cùng đánh giá với Bộ trưởng Trần Hồng Minh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, Dự án Đường sắt tốc độ cao không chỉ đơn thuần là một dự án mà là một công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Việc đầu tư Dự án sẽ tạo ra sức bật cho nền kinh tế, phát triển đường sắt tốc độ cao là tất yếu khách quan của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh như đồng chí Tổng bí thư Tô Lâm đã phát biểu chỉ đạo.
Để dự án đảm bảo triển khai sớm và khả thi, hiệu quả, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ban ngành, cơ quan liên quan rà soát về vấn đề nguồn vốn đầu tư, đánh giá tác động về tài chính, kinh tế - xã hội để tham mưu cho Chính phủ một cách kịp thời về nguồn vốn, cũng như về tài chính ngân sách quốc gia. Mục đích để đảm bảo đầu tư Dự án nhưng gắn với phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Cùng với đó, Bộ Tài chính sẽ rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt áp dụng cho Dự án đã được đề xuất. Với vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về các lĩnh vực tài chính, ngân sách, Bộ Tài chính sẽ tham mưu cho Chính phủ về việc hướng dẫn các cơ chế chính sách đặc thù về nguồn vốn cho Dự án, các hướng dẫn về vay vốn, kế hoạch đầu tư công trung hạn...
Ngoài ra, trong thời gian tới sẽ còn rất nhiều việc cần phải làm để có thể phối hợp tốt với các bộ, ngành để tham mưu cho Chính phủ triển khai thành công Dự án.
“Như Tổng Bí thư đã chỉ đạo, việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là nhiệm vụ chính trị và ưu tiên nguồn lực đầu tư thực hiện sớm. Quốc hội đã thống nhất Nghị quyết về chủ trương đầu tư, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai dự án với thời gian nhanh nhất, chất lượng tốt nhất”, ông Thắng nói.