Phó Cục trưởng Cục Dân số Hoàng Thị Thơm: Cần chung tay xây dựng một cộng đồng nơi trẻ em gái được tôn trọng và phát triển

Tư tưởng trọng nam khinh nữ ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người, đã và đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, trong đó có vấn đề mất cân bằng giới tính, ảnh hưởng đến quyền của trẻ em gái.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ở Việt Nam ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt từ năm 2006 tỷ số giới tính khi sinh từ 109,8 bé trai/100 bé gái đã liên tục tăng cao trong nhiều năm, lên trên 112 bé trai/100 bé gái từ năm 2012 - 2023. Tình trạng này đặc biệt đáng lo ngại ở một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng, nơi ghi nhận tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao hơn hẳn so với mức trung bình cả nước. Phóng viên (PV) Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã có những trao đổi với bà Hoàng Thị Thơm - Phó Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế về vấn đề này.

Bà Hoàng Thị Thơm - Phó Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế nhấn mạnh, trong tương lai, chúng ta cần xây dựng một xã hội bình đẳng giới, tạo ra một môi trường tôn trọng phụ nữ và trẻ em gái.

Bà Hoàng Thị Thơm - Phó Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế nhấn mạnh, trong tương lai, chúng ta cần xây dựng một xã hội bình đẳng giới, tạo ra một môi trường tôn trọng phụ nữ và trẻ em gái.

PV: Thưa bà, nguyên nhân gốc rễ của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh là gì? Nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam tiếp tục gia tăng và không được kiểm soát sẽ để lại những hệ lụy gì cho xã hội hiện nay?

Phó Cục trưởng Cục Dân số Hoàng Thị Thơm: Hiện nay, do ảnh hưởng của nền văn hóa châu Á, tư tưởng trọng nam khinh nữ ăn sâu vào tiềm thức của mỗi thế hệ khiến nhiều gia đình đánh giá cao vai trò của nam giới hơn so với nữ giới. Tâm lý mong muốn có con trai để làm trụ cột trong gia đình, để “sau này về già có chỗ dựa dẫm", "nối dõi tông đường, kéo dài dòng họ" là nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê,nếu tình trạng mất cân bằng giới tính tiếp tục diễn biến phức tạp thì đến năm 2034, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới và năm 2059 sẽ lên đến 2,5 triệu. Việc "thừa nam thiếu nữ" sẽ tạo ra một xã hội mất cân bằng, nơi mà nam giới khó tìm được bạn đời.

Sự chênh lệch quá lớn giữa số lượng nam và nữ sẽ làm xáo trộn trật tự xã hội, gây ra nhiều hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế và an ninh chính trị, từ việc làm biến đổi chỉ số nhân khẩu học và cụ thể là tăng áp lực kết hôn sớm đối với phụ nữ, tăng các tệ nạn xã hội như buôn bán phụ nữ, mại dâm, bạo lực tình dục dẫn đến sự bất ổn về kinh tế và xã hội, mất cân bằng cấu trúc dân số, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Đặc biệt, vị thế và vai trò của người phụ nữ ngày càng bị hạ thấp. Bên cạnh việc phụ nữ trở thành nạn nhân của buôn bán người và mại dâm, phụ nữ có thể bị ảnh nặng nề đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, và sức khỏe tâm thần.

PV: Bà đánh giá như thế nào về hiệu quả của các chính sách hiện hành trong việc giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh? Theo bà, cần bổ sung những chính sách nào để đạt được mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên?

Phó Cục trưởng Cục Dân số Hoàng Thị Thơm: Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà còn là thách thức chung của nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Có thể nói, Việt Nam đã chủ động học hỏi kinh nghiệm quốc tế và xây dựng các giải pháp phù hợp với điều kiện của đất nước, nhằm mục tiêu khắc phục những hạn chế và rút ra bài học từ các nước khác.

Nhà nước ta đã có những hành động quyết liệt thể hiện qua việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, xây dựng hành lang pháp lý và đẩy mạnh các dự án liên quan đến dân số. Bộ Y tế, Chính phủ và Quốc hội đã và đang nỗ lực rất lớn để xây dựng một bộ luật dân số hoàn chỉnh, nhằm tạo ra một khung pháp lý vững chắc cho công tác dân số.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016-2025 đưa ra mục tiêu khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng TSGTKS, tiến tới đưa tỷ số trở lại mức cân bằng tự nhiên với 4 nhiệm vụ, 11 giải pháp.

Để chấm dứt tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh một cách toàn diện, Việt Nam hướng tới tập trung áp dụng các biện pháp can thiệp vào nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này, đó chính là tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Cụ thể, chúng ta đã và đang thực hiện nhiều biện pháp như: Nâng cao vai trò của phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia đầy đủ vào các hoạt động xã hội, kinh tế, chính trị; Bảo vệ quyền lợi của trẻ em gái, đảm bảo các em đều được hưởng đầy đủ các quyền cơ bản và có cơ hội phát triển ngang bằng với trẻ em trai; Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng về bình đẳng giới, tác hại của việc lựa chọn giới tính thai nhi,..

Đồng thời, thông qua Dự án “Phòng, chống và ứng phó với bạo lực giới và các thực hành có hại khác”, Cục Dân số đã chỉ đạo Chi cục DS-KHHGĐ một số tỉnh thực hiện xây dựng và triển khai thí điểm cơ chế phối hợp liên ngành của tỉnh về phòng ngừa và ứng phó với lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới; Phối hợp Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc xây dựng dự thảo cơ chế phối hợp phòng ngừa và ứng phó với lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới ở cấp quốc gia và địa phương nhằm tiến tới hoàn thiện cơ chế phối hợp và triển khai đồng bộ tại các tỉnh, thành phố trong những năm tới.

Bên cạnh công tác tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, trong tương lai, chúng ta cần xây dựng một xã hội bình đẳng giới, tạo ra một môi trường tôn trọng phụ nữ và trẻ em gái. Đặc biệt, theo Công ước về Quyền Trẻ em và các cam kết quốc tế của Việt Nam về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về giới, chúng ta phải tiếp tục thực hiện, ban hành các chính sách pháp luật về bình đẳng giới, cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức và thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

PV: Để đạt được mục tiêu bình đẳng giới và giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chúng ta cần sự chung tay của cả xã hội. Bà có những đề xuất nào để huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân?

Phó Cục trưởng Cục Dân số Hoàng Thị Thơm: Để công tác dân số đạt hiệu quả cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, các cơ quan ban ngành và đặc biệt là vai trò chủ động của báo chí truyền thông. Báo chí đóng vai trò là cầu nối quan trọng trong việc truyền tải các thông điệp về dân số và thông tin về MCBGTKS đến cộng đồng, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của người dân. Muốn thay đổi hành vi của cộng đồng, trước hết phải thay đổi nhận thức, do đó chúng ta cần một chiến lược truyền thông toàn diện, đa dạng hình thức và phù hợp với từng đối tượng.

Việc giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đòi hỏi sự chung tay của cả xã hội, từ mỗi cá nhân, gia đình cho đến các cấp chính quyền và tổ chức xã hội. Mỗi người dân đều có trách nhiệm góp phần vào việc giải quyết vấn đề này, bằng cách thay đổi nhận thức, hành động và tuyên truyền cho những người xung quanh. Mỗi cá nhân đều cần có trách nhiệm góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, bắt đầu từ việc sinh con và nuôi dạy con cái. Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là xây dựng một xã hội mà ở đó, mọi trẻ em đều được sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương, được chăm sóc tốt và có cơ hội phát triển toàn diện

Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Hương Giang

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/pho-cuc-truong-cuc-dan-so-hoang-thi-thom-xa-hoi-can-chung-tay-xay-dung-mot-cong-dong-noi-tre-em-gai-duoc-ton-trong-va-phat-trien-d5791.html
Zalo