USD thất thế, nhiều đồng tiền châu Á vọt tăng mạnh mẽ

Sự suy yếu của đồng USD đang thúc đẩy đà tăng hiếm thấy của nhiều đồng tiền châu Á, buộc các ngân hàng trung ương phải thực hiện những biện pháp kiềm chế.

(Ảnh minh họa: Reuters).

(Ảnh minh họa: Reuters).

Hôm 2/5, Cơ quan Tiền tệ Hong Kong đã bán ra lượng kỷ lục HKD để ngăn đà tăng và bảo vệ cơ chế neo tỷ giá với đồng USD. Giới chức Đài Loan cũng phải can thiệp khi TWD tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1988. Giá nhân dân tệ hải ngoại tiến lên mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

Biến động trên cho thấy việc các nhà đầu tư quay lưng với đồng USD có thể gây ra tác động lan tỏa khắp các thị trường tài chính thế giới. Tuần trước, quan điểm của các nhà đầu cơ về đồng USD đã trở nên bi quan nhất kể từ tháng 9 năm ngoái. Dấu hiệu này cho thấy các nhà đầu tư ngày càng ngần ngại nắm giữ tài sản Mỹ.

Nhiều đồng tiền châu Á, bao gồm yen và nhân dân tệ, đang hưởng lợi kép từ lực mua trong nước và vai trò như một kênh đầu tư thay thế giữa làn sóng bán tháo tài sản Mỹ.

Chiến lược trên có vẻ vẫn được các nhà đầu tư ưa chuộng, dù gần đây cả Bắc Kinh và Washington đều phát tín hiệu về mong muốn xoa dịu căng thẳng thương mại.

Ông Brad Bechtel, trưởng bộ phận ngoại hối toàn cầu tại ngân hàng đầu tư Jefferies, bình luận: “Một trong những cách để căng thẳng thương mại tự hạ nhiệt là đồng USD mất giá. Do đó, đặt cược rằng USD sẽ giảm giá so với các đồng tiền châu Á có thể là chiến lược hợp lý”.

Tỷ giá mạnh lên có thể giúp các thị trường mới nổi thu hút vốn ngoại và giảm chi phí nhập khẩu, nhưng lại làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa những nền kinh tế đó trên thị trường quốc tế.

Triển vọng tương lai

TWD dẫn đầu đà tăng của các đồng tiền châu Á trong phiên 2/5. Nhà đầu tư ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Đài Loan với niềm tin rằng doanh nghiệp Mỹ sẽ duy trì nhu cầu mạnh mẽ đối với các con chip mà hòn đảo này sản xuất.

Nguồn tin của Bloomberg tiết lộ rằng các nhà xuất khẩu Đài Loan cũng đã vội vã bán ra USD vì họ dự kiến đồng tiền này sẽ tiếp tục mất giá.

Đà tăng giá chóng mặt buộc ngân hàng trung ương Đài Loan phải lên tiếng rằng họ “đã tham gia thị trường vào thời điểm thích hợp” để điều chỉnh biến động của tỷ giá.

Các nhà xuất khẩu Trung Quốc cũng không còn coi USD hay trái phiếu kho bạc Mỹ là hầm trú ẩn an toàn trong thương chiến. Họ đang chuyển từ chiến lược tích trữ đồng bạc xanh sang nắm giữ nhân dân tệ, theo kết quả khảo sát của Bloomberg.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs viết trong lưu ý: “Đồng USD đang gặp áp lực và lãi suất ở Mỹ có thể sẽ đi xuống vì rủi ro suy thoái. Trong bối cảnh này, rủi ro của việc nắm giữ USD đối với các nhà xuất khẩu châu Á đã tăng lên đáng kể”.

Goldman Sachs dự đoán nhân dân tệ, TWD và ringgit của Malaysia nhiều khả năng sẽ mạnh lên. Đồng ringgit tăng hơn 1% trong phiên 2/5. Đồng won của Hàn Quốc và baht Thái Lan cũng bật lên hơn 1%.

Sự tăng giá của các đồng tiền châu Á cũng được thúc đẩy bởi việc nhà đầu thoái bớt vốn khỏi USD. Tháng trước, đồng bạc xanh giảm cùng lúc với trái phiếu kho bạc và cổ phiếu Mỹ trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại rằng thuế quan của Nhà Trắng có thể thổi bùng lạm phát trong nước, làm tổn thương nền kinh tế và ngăn Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giảm lãi suất.

Lực mua tiền tệ châu Á mạnh lên vào ngày 2/5 dựa trên kỳ vọng rằng mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung sẽ được cải thiện. Hôm đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang đánh giá khả năng đàm phán với Mỹ.

Trong thời gian tới, Phố Wall dự kiến nhà đầu tư vẫn sẽ tiếp tục lo ngại về USD. Morgan Stanley có quan điểm tiêu cực về đồng bạc xanh nhưng lạc quan về triển vọng của yen và euro.

Giang

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/usd-that-the-nhieu-dong-tien-chau-a-vot-tang-manh-me.html
Zalo