Doanh nghiệp tư nhân đã được đặt đúng vị trí trong bức tranh phát triển kinh tế
Coi 'kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế quan trọng nhất' thể hiện tầm nhìn và quan điểm chiến lược của Đảng, Chính phủ trong phát triển kinh tế giai đoạn mới
Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ góc nhìn của một doanh nghiệp tư nhân đa lĩnh vực về định hướng chiến lược này, đồng thời gợi mở những đề xuất để khu vực kinh tế tư nhân có môi trường phát huy năng lực, góp phần đóng góp tích cực cho nền kinh tế.
Tạo môi trường đủ rộng cho kinh tế tư nhân
- Đảng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương phát triển doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Gần đây nhất, Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân của Bộ Chính trị được Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành đã khẳng định rõ quan điểm chỉ đạo xuyên suốt về vai trò của kinh tế tư nhân đối với nền kinh tế. Theo ông, để khu vực này phát triển theo đúng định hướng, Chính phủ cần có thêm những chính sách gì hỗ trợ doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Việt Thắng: Hiện nay, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang có các chủ trương quyết liệt và mạnh mẽ về phát triển kinh tế tư nhân, tôi nghĩ rất đúng. Bản chất vai trò của kinh tế tư nhân từ trước đến nay ai cũng biết rằng đây là khu vực chiếm tỉ trọng cao nhất trong nền kinh tế, lớn hơn khu vực doanh nghiệp Nhà nước và các thành phần kinh tế khác. Nhưng lần đầu tiên tôi thấy Bộ Chính trị và Chính phủ xác định và chỉ đạo “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”. Chữ “nhất” rất quan trọng, rõ ràng đây là đặt đúng vị trí của doanh nghiệp tư nhân trong bức tranh phát triển kinh tế nói chung, là động lực phát triển quan trọng nhất của kinh tế.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: Duy Minh
Thực ra, mong muốn làm gì để phát triển thì rất rộng. Vì bản chất muốn doanh nghiệp tư nhân phát triển tôi nghĩ rằng phải tạo cho họ môi trường đủ rộng, cũng như nuôi một đứa trẻ, phải tạo một môi trường tốt để đứa trẻ đó phát triển toàn diện chứ không phải chỉ cho nó ăn hay học.
Đầu tiên, nhìn ở góc độ thị trường. Với thị trường nội địa thì Chính phủ cần có các chính sách để làm sao cho sự cạnh tranh đảm bảo trước hết là lành mạnh. Thứ hai, khi trong một ngành mà Chính phủ có mong muốn tạo nên những tập đoàn lớn, những doanh nghiệp lớn thì cần có những biện pháp hỗ trợ để doanh nghiệp đủ lớn và trưởng thành khỏe mạnh, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất. Sẽ phải có rất nhiều chính sách về bảo hộ sản xuất trong nước, các chính sách liên quan đến hỗ trợ về kinh tế vĩ mô, ví dụ về tài chính, về tỷ giá để đảm bảo sự phát triển. Thứ ba, là cần các định hướng rõ ràng của nền kinh tế, tức là chúng ta có định hướng các ngành, các lĩnh vực sẽ phát triển ra sao trong 5, 10, 20 năm tới để doanh nghiệp lấy đó định hình cho các mục tiêu phát triển.
Nhà nước muốn có doanh nghiệp lớn thì phải “nuôi”
- Ở các nước công nghiệp phát triển như Hàn Quốc, họ hình thành các doanh nghiệp đầu tàu, có nguồn vốn lớn và có tác động lớn đến kinh tế, chính trị, xã hội (tập đoàn chaebol). Ở Việt Nam, Chính phủ cũng đang có các kế hoạch thúc đẩy những đầu tàu cho các lĩnh vực, ví dụ như đường sắt cao tốc. Theo quan điểm của ông, doanh nghiệp tư nhân để tham gia những dự án lớn như vậy cần những cơ chế gì và cần yếu tố nào khác để hình thành những doanh nghiệp tư nhân lớn?
Ông Nguyễn Việt Thắng: Để phát triển doanh nghiệp cần rất nhiều thứ. Nhưng muốn có doanh nghiệp lớn thì nhà nước phải có các chính sách nuôi dưỡng bằng rất nhiều các biện pháp. Đơn cử như các vấn đề về thủ tục. Nếu bây giờ một dự án mà thủ tục đầu tư mất khoảng 5 năm và thời gian đầu tư dự án mất 3 năm thì đã khiến doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội vì thị trường sau 1 - 2 năm đã khác. Trong kinh doanh, cơ hội chính là thành công.
Với Hòa Phát, khi đầu tư dự án Dung Quất 2, thực ra chúng tôi đầu tư nhanh hơn dự kiến theo kế hoạch do năm 2021 Hòa Phát đạt lợi nhuận được khoảng 34.000 tỷ đồng, giúp chúng tôi có nguồn lực để thực hiện mục tiêu. Số lợi nhuận này có được thì lại phải nhìn về những năm trước đó, từ cuối năm 2017 đến 2020 chúng tôi đầu tư Dung Quất 1 rất nhanh, chỉ sau 3 năm là có sản phẩm từ Dung Quất 1.
Giả sử, vì lý do về mặt chính sách, cơ chế hoặc vì lý do khác mà dự án đó chậm đi 1 - 2 năm, thì giai đoạn 2021 - 2022 doanh nghiệp mới có sản phẩm và lúc đó sẽ không có con số lợi nhuận 34.521 tỷ đồng của năm 2021. Làm kinh doanh không thể nói là “thôi lúc đó không có, đến năm sau sẽ có” bởi như vậy là cơ hội đã đi qua rồi, thời điểm đã đi qua rồi. Tôi đưa ra ví dụ để nói nhà nước cần tạo được một cơ chế thông thoáng để các doanh nghiệp khi đầu tư vào, họ càng đầu tư nhanh càng có hiệu quả thì càng tốt.

Nghị quyết 57-NQ/TW là kim chỉ nam cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Ảnh: Duy Minh
Ngoài ra, thì còn cần các cơ chế khác, ví dụ như các chính sách vĩ mô của đất nước, như ổn định được các yếu tố tăng trưởng, duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt để tạo thị trường. Nhà nước muốn có doanh nghiệp lớn thì cũng phải “nuôi”, chứ “thả” cho các doanh nghiệp tự phát triển thì cũng khó. Những năm gần đây, dù đã có nhiều chính sách thông thoáng hơn cho khu vực kinh tế tư nhân nhưng tôi nghĩ các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn cũng là “tự bơi” nhiều. Thực tế là tự bơi cũng được, có những doanh nghiệp tự bơi mà cũng dần dần lớn lên được. Thế nhưng nó lâu và số lượng không được nhiều.
Làm sao công nghệ ngày càng phát triển để chuyển đổi hiệu quả hơn
- Cùng với những định hướng chiến lược về phát triển kinh tế tư nhân thì trước đó Bộ Chính trị cũng ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ông đánh giá thế nào về Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về tạo hành lang pháp lý, cơ chế và tinh thần mới cho các doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ? Hòa Phát có kế hoạch đầu tư vào AI, tự động hóa hay công nghệ sản xuất xanh không?
Ông Nguyễn Việt Thắng: Nghị quyết 57 đã nêu rõ: Phát triển khoa học công nghệ là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Đây thực sự là kim chỉ nam cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Theo tôi, để Nghị quyết 57 đi vào đời sống, trên tình hình thực tế, chúng ta vẫn phải có một định hướng rất rõ ràng. Rõ ràng từ chính sách đến các định hướng phát triển của mỗi doanh nghiệp để biến những kế hoạch, mục tiêu thành hiện thực.
Ví dụ như quan điểm của Hòa Phát là nếu đã bỏ tiền xuống đầu tư thì phải đảm bảo trong mọi tình huống, dự án đó đều phải đi đến đích. Chứ nếu chúng ta đầu tư nhà máy thép ray, chúng ta bỏ vào đấy 7.000 tỷ (tức khoảng 50% tổng đầu tư dự án nhà máy sản xuất ray thép và thép đặc biệt Hòa Phát Dung Quất), rồi sau đó vì tình hình xấu quá mà dừng lại, bỏ đấy, đợi khi nào thuận lợi thì hãy làm - như thế thì chết. Không làm thì thôi, nhưng đã làm là bắt buộc dự án phải hoàn thành đúng thời hạn, đúng tiến độ.
Hiện nay, Hòa Phát đang làm về thép. Chúng ta cũng có một số ngành thép ở lĩnh vực cao hơn nữa. Ví dụ như thép cho các dự án năng lượng và nếu như sau này chúng ta phát triển điện hạt nhân thì vẫn có một số ngành thép đòi hỏi rất cao, rất chuyên biệt. Tôi nghĩ đó là cơ hội để Hòa Phát cùng với chủ trương của Chính phủ về việc đầu tư cho công nghệ cao.
Liên quan tới phát triển xanh, thứ nhất là vấn đề môi trường, trong tổng đầu tư của một dự án của chúng tôi có khoảng hơn 30% là dành cho các hạng mục để đảm bảo vấn đề môi trường.
Còn với sản xuất xanh, chỉ tính riêng ngành thép, chi phí thép xanh với công nghệ hiện nay thì chưa phải là xanh tuyệt đối mà chỉ là tương đối và giá thành sẽ cao hơn nhiều so với giá thành của thép hiện tại. Vì vậy, việc chuyển đổi xanh sẽ phải có một lộ trình. Lộ trình này phải giải quyết thứ nhất là vấn đề công nghệ, làm sao công nghệ ngày càng phát triển để chuyển đổi hiệu quả hơn. Thứ hai là giá thành phải hạ xuống để nền kinh tế chịu được. Lộ trình từ giờ đến năm 2050, chúng ta sẽ xây dựng từng bước từng bước. Bản thân Hòa Phát hiện nay tỷ lệ phát thải trên một tấn thép đang giảm xuống rồi.
Chúng tôi cũng sẵn sàng hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp lớn khác
- Chính phủ đang khuyến khích các doanh nghiệp lớn, tư nhân tham gia các dự án trọng điểm. Cùng với Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân vừa được Bộ Chính trị ban hành, ông có thể chia sẻ đôi nét về có kế hoạch hợp tác của Hòa Phát với các doanh nghiệp lớn trong nước, bao gồm cả doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân?
Ông Nguyễn Việt Thắng: Hiện nay, Hòa Phát đang soạn thảo hợp tác chiến lược với Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PVN). Chúng tôi cũng sẵn sàng hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp lớn khác trên cơ sở thị trường. Hợp tác sẽ tập trung vào hỗ trợ thông tin, kỹ thuật và phối hợp chiến lược, đồng thời chúng tôi cũng mong muốn các tập đoàn lớn chia sẻ chiến lược phát triển để có thể tính toán đầu tư phù hợp.
Tuy nhiên, cũng cần hình dung rằng, chúng ta hiện nay là cơ chế thị trường, cho nên mọi hợp tác chiến lược đều phải dựa trên cơ chế thị trường. Các hợp tác chiến lược chúng ta sẽ hỗ trợ nhau. Hỗ trợ nhau có thể về mặt thông tin, hỗ trợ về các vấn đề kỹ thuật, cung cấp cho nhau các thông tin về kỹ thuật và các chi tiết để có thể đi cùng nhau lâu dài và mục tiêu cuối cùng là đồng hành cho phát triển kinh tế đất nước.
Khi làm việc với PVN, chúng tôi được biết họ được giao việc triển khai các hệ thống điện gió, năng lượng, Hòa Phát cũng mong muốn PVN chia sẻ chiến lược của Tập đoàn. Chẳng hạn như từ giờ đến năm 2030, doanh nghiệp sẽ triển khai bao nhiêu dự án, số lượng dự kiến sắt thép sẽ sử dụng là bao nhiêu, chủng loại như thế nào. Trên cơ sở đó, chúng tôi có thể tính toán đầu tư để phù hợp với chiến lược của những tập đoàn lớn như thế. Tôi nghĩ đó là điều mà chúng ta có thể trao đổi với nhau.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết 68 đặt mục tiêu đến năm 2030, khu vực tư nhân sẽ đóng góp 55 - 58% GDP, tạo ra 2 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó ít nhất 20 doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2045, số doanh nghiệp tư nhân dự kiến đạt 3 triệu, chiếm hơn 60% GDP.