Ươm mầm các 'đại sứ' tương lai của ngành du lịch
Chung kết cuộc thi 'Đại sứ văn hóa du lịch' lần thứ 4 vừa được tổ chức tại khu du lịch Bái Đính, tỉnh Ninh Bình, mang đến cơ hội thể hiện tài năng, tri thức và những kĩ năng mềm của sinh viên ngành du lịch trên cả nước.
Vòng chung kết cuộc thi "Đại sứ Văn hóa du lịch 2024" nằm trong khuôn khổ dự án "Vườn ươm Tài năng văn hóa du lịch" có 35 sinh viên ngành văn hóa, du lịch từ 20 trường đại học, cao đẳng; đã được tuyển chọn từ gần 1.000 thí sinh của 60 trường trong cả nước sau các chương trình đào tạo chuyên đề và thực địa.
Kết quả cuộc thi, các giải Nhất, Nhì và Khuyến khích đã được trao cho các sinh viên trẻ tài năng, nắm vững kiến thức sâu rộng về văn hóa và du lịch, cũng như có khả năng truyền tải thông điệp về du lịch bền vững và văn hóa đặc sắc của Việt Nam đến với du khách trong nước và quốc tế.
Thay mặt ban giám khảo cuộc thi, ông Hà Văn Siêu – Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đánh giá cao các ý tưởng về bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch của các đội thi năm nay, từ áp dụng công nghệ để quảng bá nghệ thuật chèo, gìn giữ đờn ca tài tử trong bối cảnh du lịch hội nhập quốc tế, lan tỏa nghệ thuật hát then đàn tính, gìn giữ những nét văn hóa chợ nổi đang mai một…
“Các ý tưởng lần này táo bạo nhưng vẫn có chiều sâu và tính khả thi, hy vọng rằng các bạn sinh viên tiếp tục nuôi dưỡng những ý tưởng này, góp phần gắn kết văn hóa với du lịch, tạo thành giá trị đặc sắc cho du lịch Việt Nam phát triển”, ông Hà Văn Siêu phát biểu tại cuộc thi.
Xây dựng nguồn lực cho tương lai
Theo ông Nguyễn Xuân Trung – Giám đốc dự án Vườn ươm Tài năng Văn hóa Du lịch, dự án đã được tổ chức lần thứ 4 và ít nhất sẽ được duy trì trong giai đoạn 10 năm tới, hình thành một “vườn ươm” góp phần tạo ra nguồn nhân lực hạt nhân trong sự phát triển du lịch của đất nước.
“Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển ngành kinh tế du lịch, nhờ nguồn tài nguyên du lịch phong phú và cũng rất độc đáo. Vậy nên, du lịch chắc chắn sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn theo quan điểm của Đảng và Nhà nước đã xác định. Tuy nhiên để làm tốt du lịch, ngoài tài nguyên, Việt Nam vẫn cần một nguồn lực rất quan trọng đó là những con người làm du lịch yêu văn hóa, giàu tri thức, nhân văn và làm du lịch trên cơ tầng văn hóa để phát triển bền vững”, ông Nguyễn Xuân Trung nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Trung, qua 4 lần tổ chức, dự án đã thành công trong việc kết nối 60 trường cao đẳng, đại học trong cả nước đào tạo về chuyên ngành văn hóa và du lịch, xây dựng mạng lưới hơn 50 giảng viên, chuyên gia, diễn giả hàng đầu trong nước và quốc tế đào tạo các chuyên đề cho sinh viên; kết nối với Tedtalk để đưa tiếng nói của sinh viên lên diễn đàn quốc tế…
“Tới đây, dự án sẽ tổ chức ngày hội việc làm, kết nối sinh viên và doanh nghiệp trong năm nay và những năm tiếp theo. Các thí sinh xuất sắc nhất của dự án Vườn ươm sẽ được đi trải nghiệm và học tập tại nước ngoài trong những khóa ngắn hạn. Cuộc thi Đại sứ văn hóa du lịch tiếp tục duy trì thường niên nhằm tạo một sân chơi trí tuệ và bổ ích giúp các sinh viên có cơ hội thể hiện tài năng, tri thức và những kĩ năng mềm để trở thành một đại sứ văn hóa du lịch của Việt Nam”, ông Nguyễn Xuân Trung cho biết.