Tối ngày 10/11 tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo đã diễn ra Đêm hội Bom Bo chào mừng Lễ hội Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo năm 2024.
Đêm hội Bom Bo có sự tham gia của bà Cù Thị Phương, Phó Vụ trưởng Vụ III, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Bà Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội; cùng nhiều lãnh đạo tỉnh Bình Phước, huyện Bù Đăng và các huyện trong tỉnh.
Dưới đây là hình ảnh tại Lễ hội do PV Người Đưa Tin ghi nhận:
Bà Trần Tuyết Minh, Ủy viên Ban Thường Vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, Trưởng ban Chỉ đạo tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng Bù Đăng.
Phát biểu tại Đêm hội Bom Bo, ông Vũ Văn Mười, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng cho biết: Lễ hội "Vang Mãi Tiếng Chày Trên Sóc Bom Bo" chính là sự tri ân và tôn vinh những giá trị văn hóa, đồng thời khẳng định quyết tâm gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống đặc sắc của đồng bào S'tiêng và các dân tộc khác trên địa bàn huyện. Thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao truyền thống, Lễ hội mang đến cho du khách và bà con cơ hội trải nghiệm, cảm nhận nét đẹp đa dạng của nền văn hóa dân tộc. Đây, cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá về tiềm năng văn hóa, du lịch của huyện Bù Đăng đến bạn bè trong và ngoài tỉnh.
Trong kháng chiến, đồng bào các dân tộc và nhân dân Bù Đăng luôn đoàn kết một lòng, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, hết lòng hy sinh cho cách mạng. Sóc Bom Bo được biết đến qua phong trào "giã gạo nuôi quân" của đồng bào S'tiêng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà cao điểm là trong chiến dịch Đồng Xoài - Phước Long năm 1965.
Điểm nhấn của lễ hội là chương trình nghệ thuật "Giã gạo chày tay - Nuôi quân đánh giặc". Những điệu múa, bài hát và hình ảnh tái hiện sinh động cảnh giã gạo nuôi quân của đồng bào S'Tiêng đã đưa người xem trở về không khí hào hùng của những năm kháng chiến.
Sự kiện không chỉ mang ý nghĩa quảng bá tiềm năng du lịch địa phương mà còn tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và tạo không khí vui tươi phấn khởi, cổ vũ động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.
Lễ hội "Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo năm 2024" không chỉ mang ý nghĩa quảng bá tiềm năng du lịch mà còn góp phần từng bước thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện; kêu gọi sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp… góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Xuyên suốt lễ hội còn có giải việt dã với chủ đề “Đường về thăm sóc Bom Bo”; Hội chợ thương mại các gian hàng văn hóa, nông sản; Lễ hội ẩm thực “Hương vị bên ánh đuốc lồ ô”; Liên hoan văn hóa các dân tộc, biểu diễn đàn đá...
Cộng đồng người M'nông và S'tiêng sinh sống đông và có những nét văn hóa, lễ hội đặc sắc như nghề thủ công truyền thống, kỹ thuật chế biến rượu cần, nghề dệt thổ cẩm của người M'nông; nghề đan gùi và nghề dệt thổ cẩm của người S'tiêng…
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước phát biểu: "Bài hát "Tiếng chày trên sóc Bom Bo" của cố nhạc sĩ Xuân Hồng đã khắc họa một không gian lãng mạn của thời kỳ kháng chiến 'đói cơm, lạt muối' khi bộ đội cùng đồng bào dân tộc giã gạo dưới ánh trăng. Đây là niềm tự hào của Đảng bộ, quân và dân Bình Phước mỗi khi nhớ về quá khứ; là điểm tựa văn hóa tinh thần để người dân Bình Phước tự tin hướng tới tương lai, vươn lên trong cuộc sống hôm nay".
Nguyễn Văn Khánh