Du khách đổ về Bình Phước nghe bộ đàn đá cổ 3 ngàn năm ngân vang đất trời
Bình Phước tổ chức biểu diễn đàn đá, có niên đại cách đây từ 3.000-2.800 năm trước công nguyên. Bộ đàn đá này đã được xác lập kỷ lục Việt Nam, với khối lượng lên đến 20 tấn.
Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” diễn ra trong 3 ngày từ 8 đến ngày 10/11, tại huyện Bù Đăng.
Ngày 9/11, Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” năm 2024 chính thức khai mạc tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. Mở đầu lễ khai mạc là chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề “Bù Đăng đón bạn” và “Bom Bo – Vang mãi tiếng chày”.
Đây là một trong những điểm nhấn trong việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào S’tiêng trên sóc Bom Bo nói riêng và cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện Bù Đăng nói chung. Lễ khai mạc đã ôn lại chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển huyện Bù Đăng kể từ ngày giải phóng, trong đó có sự đóng góp vô cùng to lớn của đồng bào S’tiêng sóc Bom Bo.
Một trong những chương trình nổi bật của lễ hội là biểu diễn nghệ thuật với 50 bộ đàn đá và cồng chiêng đang hiện diện tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. Khởi phát của những bộ đàn đá nơi đây được tìm thấy tại xã Thọ Sơn có niên đại cách đây từ 3.000-2.800 năm trước công nguyên. Bộ đàn đá này nhanh chóng được xác lập kỷ lục Việt Nam với khối lượng 20 tấn, lớn nhất Việt Nam đang được trưng bày tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo.
Câu chuyện giã gạo của đồng bào dân tộc S’tiêng trên sóc Bom Bo diễn ra từ năm 1965 của thế kỷ trước. Thế nhưng, trong những ngày này, hào khí giã gạo nuôi quân của đồng bào S’tiêng năm xưa được 16 đội đại diện cho 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện tái hiện một cách sinh động qua hội thi giã gạo trong chuỗi hoạt động của lễ hội.
Trong không gian của lễ hội, giải việt dã với chủ đề “Đường về sóc Bom Bo” lần đầu tiên được huyện Bù Đăng tổ chức đã thành công ngoài mong đợi. Số vận động viên tham gia đăng ký thi đấu lúc đầu chỉ có 30 đoàn với gần 500 vận động viên chuyên nghiệp từ 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Thế nhưng đến giờ khai mạc, số vận động viên tham gia giải đấu đã tăng lên gần 2.000 vận động viên và du khách, cổ động viên trong và ngoài tỉnh cùng tham dự giải.
Bù Đăng được thiên nhiên ưu đã ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh như Trảng cỏ Bù Lạch, Thác Đứng, Thác Voi gắn liền với các giá trị văn hóa phi vật thể như nghệ thuật cồng chiêng, dệt thổ cầm, nấu rượu cần... của đồng bào các dân tộc trên dãy núi phía Đông Trường Sơn hùng vĩ. Đây được xem là lợi thế để Bù Đăng phát triển ngành du lịch sinh thái gắn liền với du lịch lịch sử, du lịch cộng đồng nông thôn.