Ước vọng năm mới
Trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu xuân năm mới, khi sương mù còn phủ kín những triền núi, đồng bào dân tộc Tày, dân tộc thiểu số đông nhất tỉnh Tuyên Quang lại rộn ràng tổ chức Lễ hội Lồng tông truyền thống. Đây là lễ hội xuống đồng của cư dân nông nghiệp miền núi, mang đậm ước vọng về một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà khỏe mạnh, no ấm.
Tính đoàn kết
Người Tày thường có tập quán sinh sống quây quần thành từng bản làng, mỗi bản có khoảng mấy chục nóc nhà, có quy định hương ước riêng. Nếu như người Mông thích sống trên những đỉnh núi cao, người Dao sống ở sườn núi, thì người Tày lại chọn sống dưới các thung lũng tương đối bằng phẳng, nơi có những con suối chảy róc rách qua những cánh đồng trù phú. Chính những điều kiện tự nhiên như vậy, từ xa xưa, người Tày đã biết thâm canh và áp dụng các biện pháp thủy lợi làm cọn trồng lúa nước. Cuộc sống của cả gia đình, dòng họ, bản làng dựa vào hết vị Thần Nông. Đây là vị thần ban mưa thuận, gió hòa để cây lúa phát triển.
Truyền thống trồng lúa nước gắn bó với cộng đồng người Tày ở đây từ buổi đầu sơ khai lập bản cho đến nay. Tháng 6-2023, tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày của thị trấn Lăng Can, các xã Hồng Quang, Khuôn Hà, Thượng Lâm, Phúc Yên, huyện Lâm Bình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh cần được bảo tồn và phát huy. Trong năm, đồng bào Tày thường tổ chức 4 nghi lễ liên quan đến chu kỳ mùa vụ, đó là: Lễ hội Lồng Tông, Tết Đắp Nọi, Tết Đoan Ngọ, Tết Cơm Mới.
Đang cày thửa ruộng ở cánh đồng trước nhà, ông Hoàng Văn Hiệu, dân tộc Tày, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) chia sẻ, sống với đồng ruộng nên người Tày nắm rõ lịch âm tính theo vòng quy của mặt trăng, mùa vụ hiện rõ theo tiết. Vào dịp đầu xuân năm mới, dịp tốt để người Tày tổ chức lễ hội Lồng Tông để tạ ơn Thần Nông và Thành Hoàng Làng và cầu một năm mới tốt lành. Các thầy cúng cao tay của người Tày được tuyển chọn để làm chủ lễ.
Địa điểm diễn ra lễ hội thường là những khu ruộng hay bãi đất rộng, bằng phẳng, giữa thửa ruộng đó còn được trồng cây nêu nơi trung tâm để đặt mâm lễ. Trên một thửa ruộng gần khu vực tổ chức lễ hội được lựa chọn để thực hành những đường cầy tịch điền để cầu lấy sự may mắn, bội thu cho một mùa trồng trọt mới. Lễ hội Lồng Tông các địa phương thường được ấn định vào một ngày cụ thể đầu năm mới và thường không bị trùng nhau, giúp người dân thuận lợi trong việc đi lễ hội.
Tại lễ hội Lồng Tông huyện Chiêm Hóa, thầy cả Vũ Văn Vìn cho biết, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang không có lễ hội Lồng tông tổ chức ở cấp tỉnh, mà chỉ tổ chức ở cấp huyện, xã, thôn. Theo thống kê chưa đầy đủ trên địa bàn tỉnh có hàng trăm lễ hội Lồng Tông lớn nhỏ. Riêng huyện Chiêm Hóa có khoảng 45 lễ hội Lồng Tông cấp huyện, xã, thôn đầu xuân năm mới. Thể hiện nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, gắn kết cộng đồng rất lớn trên địa bàn.
Trung tâm của lễ hội Lồng Tông là cây nêu được làm từ một đến ba, năm, bảy cây tre mai to, bó vào cao từ 25 - 30 m có lá, ngọn uốn cong hình tròn, đường kính khoảng 40 cm gắn vào ngọn cây nêu. Một bên hình tròn gắn giấy màu đỏ tượng trưng cho mặt trời, một bên dán giấy màu vàng tượng trưng cho mặt trăng, biểu tượng của âm, dương, người chơi phải ném thủng giấy dán trên vòng tròn đó khi ấy âm, dương mới hòa hợp, mọi sự nguyện cầu của con người với các vị thần mới linh nghiệm.
Màn tung còn nhộn nhịp chuyền từ tay người nọ sang tay người kia, thể hiện sự gắn kết cộng đồng chặt chẽ. Đây là tín ngưỡng văn hóa nông nghiệp mong muốn sự sinh sôi nẩy nở, phát triển. Sau ném còn là hoạt động nghi lễ tịch điền, tức đi cày. Con trâu được chọn tham gia là những con to khỏe và thạo cày bừa. Khi kéo cày là hình thức để người dân quan sát, dự báo, cầu mong một mùa sản xuất, thu hoạch có thuận lợi.
Lấy bản sắc văn hóa để phát triển du lịch
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, lấy truyền thống lịch sử cách mạng, bản sắc văn hóa để phát triển du lịch thành một trong 3 lĩnh vực đột phá của tỉnh. Căn cứ vào tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, năm 2021, Ban Chấp hàng Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 29 về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Bám sát vào các Nghị quyết của tỉnh, các huyện rất chú trọng tổ chức lễ hội đầu năm mới gắn với việc quảng bá kinh tế, xã hội của từng địa phương, trong đó đặc biệt là thu hút du lịch.
Đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, du lịch lễ hội truyền thống đầu xuân mới ngày nay thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương đến dự, trải nghiệm. Đã có hàng vạn người tham dự lễ hội Lồng Tông huyện Chiêm Hóa, Lâm Bình hằng năm, mở đầu cho một năm du lịch đầy triển vọng.
Ngay từ năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận lễ hội Lồng Tông của đồng bào Tày tỉnh Tuyên Quang là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh cần được bảo tồn và phát huy. Trong nhiều năm qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp tốt với nhiều địa phương trong tỉnh phục dựng thành công nhiều lễ hội Lồng Tông truyền thống của đồng bào Tày. Giờ các lễ hội trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của các huyện, xã.
Nắm bắt được nhu cầu của khách du lịch là ngoài “ăn Tết” còn có “chơi Tết”, các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh đã lập tua, tuyến du lịch lễ hội đầu xuân hấp dẫn. Nhiều khách chọn đi theo tua lễ hội Lồng Tông xã Đà Vị (mùng 7 Tết); lễ hội Lồng Tông huyện Chiêm Hóa (mùng 8 Tết); lễ hội Lồng Tông huyện Lâm Bình (11-14 Tết); lễ hội Lồng Tông xã Kim Bình (14 Tết); lễ hội Lồng Tông xã Thượng Lâm (15 Tết). Công ty du lịch Cô Sơn Nữ (Tuyên Quang) khẳng định, du khách rất hứng thú với tua du lịch trải nghiệm, ước vọng đầu xuân này tại Tuyên Quang.
Cùng gia đình đi lễ hội Lồng Tông huyện Lâm Bình, chị Trần Hồng Dung, du khách Hà Nội cho biết, Tuyên Quang phục dựng, bảo tồn, phát huy lễ hội Lồng Tông truyền thống của đồng bào Tày là rất đúng và trúng. Hằng năm chị và gia đình luôn sắp xếp thời gian để có thể đi được nhiều nhất các lễ hội Lồng tông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Bỏ lễ hội nào chị Dung tiếc lễ hội đó. Vì theo chị mỗi lễ hội Lồng Tông ở mỗi địa phương lại có nét đặc sắc khác nhau. Chị khẳng định mảng du lịch lễ hội truyền thống đầu xuân của Tuyên Quang chắc chắn phát triển và thu hút du khách.