'Ươm mầm' mùa xuân
Mỗi lần nhắc đến tết, tôi lại nhớ dáng bố với chiếc mũ tai bèo bạc màu, lặng lẽ cặm cụi từ đầu vườn đến góc nhà trong sương sớm. Từng là bộ đội Cụ Hồ mang kỷ luật thép, khi trở về, bố là người nông dân bình dị, cần mẫn gieo trồng những mùa xuân xanh tươi trong khu vườn nhỏ của mình.
Từ khi trời chớm lạnh, bố đã bắt đầu công việc mà ông gọi là “chiến dịch xuân”. Mỗi sáng, khi mẹ loay hoay trong bếp chuẩn bị đồ ra chợ bán, bố đã lật đật ra vườn với cái cuốc trên tay, miệng huýt sáo bài: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Tôi đứng trong hiên nhìn ra, vừa buồn cười vừa thấy lòng mình trào dâng cảm giác rất khó tả. Bố đào đất, gieo hạt nghiêm trang hệt như đang điều binh khiển tướng trong trận đánh lớn.
Bố phân chia mọi thứ bài bản đến mức đáng nể. Góc nào dành cho rau cải, góc nào trồng mồng tơi, hành lá. Từng khu vực trong vườn như bản đồ chiến lược nhỏ mà chỉ bố mới hiểu rõ. Tôi thường được giao nhiệm vụ đứng phụ giúp, nhưng thú thật, tôi chỉ mê chạy đuổi đàn gà. Bố hay nói chuyện với đàn gà như đang huấn luyện những “chiến sĩ” nhỏ của mình:
“Thằng gà trống kia, lo mà ăn để lớn nhanh còn gây giống! Đám gà mái, không lo ấp trứng thì tết này nhà hết gà đấy!”.
Có lần, tôi không nhịn được mà hỏi: “Sao bố cứ phải làm cực như vậy? Ngoài chợ thiếu gì, muốn gì chẳng có?”.
Bố không trả lời ngay, chỉ cười rồi gõ nhẹ vào đầu tôi. Giọng bố nói đùa nhưng đôi mắt thì đong đầy yêu thương:
“Con à, tết giờ đâu chỉ để ăn ngon. Tết là dịp để mình tự tay làm ra những thứ tốt nhất cho gia đình. Rau mình trồng, gà mình nuôi, cây mình chăm, tất cả đều mang cái tình. Tết mà thiếu cái tình thì chỉ no bụng, chứ làm sao ấm lòng”.
Ngồi cạnh bố, tôi nghe kể những câu chuyện về tết thời chiến: “Hồi đóng quân ở biên giới, tết đến chẳng có gì ngoài vài nhành hoa lan rừng. Bố và đồng đội cắm trong cái ấm nhôm, cả đơn vị ngồi quây quần, thế mà vẫn thấy vui”.
Rồi tết cũng đến. Vườn nhà rực rỡ hơn cả mong đợi. Cây mai già bung nụ vàng óng ả, đàn gà béo tròn, vườn rau xanh mướt, căng tràn sức sống. Bố hớn hở khoe với tôi thành quả như người lính chiến thắng trở về: “Thấy chưa, chẳng cần súng đạn, chỉ cần cuốc đất trồng rau, thế mà vẫn làm nên chuyện lớn!”.
Cả gia đình quây quần bên mâm cơm. Bố kể những câu chuyện không đầu, không cuối về tết xưa, về ngày chiến đấu gian khổ và cả về cây mai đầu tiên bố trồng khi đưa gia đình vào miền Nam lập nghiệp. Mỗi lời bố nói như dòng chảy thời gian đưa tôi về với bài học lớn lao từ sự hy sinh, lòng kiên nhẫn và tình yêu thương giản dị mà sâu sắc.
Những thứ bố gieo trồng, là rau xanh hay nhành mai, còn mang niềm hy vọng lộc mới, là tình yêu thương mà bố âm thầm vun đắp trong lòng chúng tôi. Bố ươm mùa xuân trong khu vườn nhỏ, còn ươm cả mùa xuân trong trái tim tôi, để biết yêu hơn mọi điều giản dị và vô giá.
Với tôi, mùa xuân của gia đình chưa hẳn tính từ thời khắc giao thừa, còn trong bóng dáng bố, anh bộ đội Cụ Hồ năm nào, nay vẫn miệt mài gieo trồng mùa xuân cho những người bố yêu thương.
Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!