Giữ tiếng khèn ngày xuân

Mùa xuân là mùa của lễ hội, là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần đồng bào các dân tộc. Lễ hội đầu xuân là nơi tâm tình, nuôi dưỡng, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào. Với đồng bào dân tộc Mông ở Điện Biên, khèn là nhạc cụ độc đáo, gắn liền với đời sống bà con, tạo thêm sự vui nhộn trong các lễ hội.

Huyện Tủa Chùa có trên 70% dân số là đồng bào dân tộc Mông với nền văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó cây khèn là nhạc cụ tiêu biểu, độc đáo. Khèn là hồn cốt của đồng bào dân tộc Mông, gắn liền với đời sống lao động sản xuất, tâm linh của người dân.

Với bản sắc văn hóa đặc trưng, độc đáo, nghệ thuật khèn của người Mông được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể năm 2022. Nhiều năm trở lại đây, nhằm gìn giữ, phát triển văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại, huyện Tủa Chùa tích cực mở các lớp truyền dạy chế tác khèn, trình diễn khèn Mông. Việc tạo sân chơi, điều kiện giao lưu, phát triển, quảng bá nghệ thuật múa khèn luôn được chú trọng.

Tiếng khèn ngày xuân trên cao nguyên đá Tả Phìn.

Tiếng khèn ngày xuân trên cao nguyên đá Tả Phìn.

Có thể kể đến như các hoạt động giao lưu, trình diễn khèn thường niên tại chợ đêm thị trấn Tủa Chùa, giao lưu, biểu diễn trong và ngoài tỉnh… Với các nghệ nhân, những người yêu thích, đam mê văn hóa truyền thống dân tộc Mông nơi đây điều mong chờ nhất có lẽ là hội thi biểu diễn khèn Mông truyền thống mỗi dịp đầu năm, khi những nghệ nhân, người nắm giữ văn hóa trình diễn khèn có dịp hội ngộ, giao lưu, trình diễn và so tài.

Ông Dương Thanh Sơn, Trưởng ban Giám khảo Hội thi biểu diễn khèn Mông truyền thống huyện Tủa Chùa năm 2025 cho biết: Theo đánh giá, chất lượng được nâng cao so với mọi năm, các tiết mục thi diễn đơn, đôi, tập thể có sự đầu tư bài bản với nhiều chủ đề đa dạng như: Mừng Đảng, mừng xuân, chào mừng ngày hội, lễ hội truyền thống. Tham gia thi đấu, trình diễn không chỉ các nghệ nhân lớn tuổi mà còn quy tụ nhiều người trẻ, những người tiếp nối văn hóa dân tộc truyền thống của đồng bào.

Các tiết mục dự thi tại hội thi biểu diễn khèn Mông huyện Tủa Chùa nơi cao nguyên đá Tả Phìn.

Các tiết mục dự thi tại hội thi biểu diễn khèn Mông huyện Tủa Chùa nơi cao nguyên đá Tả Phìn.

Hội thi trình diễn khèn Mông dịp đầu xuân năm nay quy tụ hơn 50 thí sinh tới từ 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tủa Chùa. Với trang phục truyền thống, tiếng khèn khi réo rắt, khi trầm bổng, du dương trên cao nguyên đá Tả Phìn như khắc họa đời sống, tâm tư, tình cảm bình dị nhất tới đông đảo người dân và du khách.

Anh Giàng A Hồ (25 tuổi), thị trấn Tủa Chùa - thí sinh trẻ tuổi nhất hội thi chia sẻ: Đối với dân tộc Mông, vui xuân thì phải có tiếng khèn đưa chuyện. Hội xuân đã tạo sân chơi mở đối với những người mới học thổi khèn như tôi được giao lưu, học hỏi, thêm hiểu biết hơn về nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Năm nay tham dự hội thi khèn truyền thống tôi mạnh dạn tham gia thi hai tiết mục là múa đơn (hội xuân vùng cao) và múa tập thể (vui xuân). Thi trình diễn có đạt giải hay không không quan trọng bằng việc được học hỏi từ những nghệ nhân dày dặn kinh nghiệm trong toàn huyện.

Tham dự hội thi, nghệ nhân Sình A Tâu, xã Sính Phình chia sẻ: Tôi năm nào cũng tham dự trình diễn khèn Mông mỗi dịp đầu năm. Không chỉ trình diễn các tiết mục mừng Đảng, mừng xuân, tại hội thi biểu diễn khèn năm nay, đội khèn xã Sính Phình còn trình diễn các trích đoạn lễ hội, nghi thức văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, từ đó khơi dậy, truyền lửa thêm cho lớp trẻ hiểu biết sâu sắc về truyền thống văn hóa, sự quan trọng của tiếng khèn trong đời sống đồng bào dân tộc Mông.

Giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trình diễn khèn.

Giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trình diễn khèn.

Hội xuân đầu năm huyện Tủa Chùa, các tiết mục trong hội thi khèn truyền thống đã tạo nên không gian đậm bản sắc dân tộc Mông nơi vùng cao Tây Bắc. Với đa dạng tiết mục múa, biểu diễn khèn, tiếng khèn khi trầm bổng nhẹ nhàng, khi thánh thót cao vút như âm thanh ngọt ngào, trong trẻo của núi rừng mời gọi du khách bốn phương. Những nghệ nhân không chỉ phô diễn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình mà còn nối dài, truyền lửa, để tiếng khèn mãi vang, réo rắt trên cao nguyên đá mỗi độ xuân về.

Trần Nhâm

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/van-hoa/giu-tieng-khen-ngay-xuan
Zalo