Ứng phó với mưa lớn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới
Ngày 16/8, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2365/UBND-KT1 về việc ứng phó với mưa lớn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới gửi các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh; Công ty Điện lực Hưng Yên. Nội dung như sau:
Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ số 78/CĐ-TTg ngày 11/8/2024 về việc tập trung ứng phó với nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại khu vực Bắc Bộ; Công văn số 5866/BNN-ĐĐ ngày 09/8/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ứng phó với mưa lớn khu vực Bắc Bộ. Công văn số 2826-CV/TU ngày 14/8/2024 của Tỉnh ủy Hưng Yên về việc tập trung phòng, chống mưa lũ, thiên tai.
Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lớn, ngập úng, hạn chế thiệt hại tới mức thấp nhất do mưa, ngập úng gây ra và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa, bão năm 2024, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Công ty Điện lực Hưng Yên, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh và các đơn vị liên quan thực hiện một số nội dung sau:
1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 27/5/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa, lũ năm 2024; Công văn số 2226/UBND-KT1 ngày 05/8/2024 của UBND tỉnh về việc tập trung khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão số 2 và chủ động ứng phó với mưa, lũ trong thời gian tới. Huy động mọi lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lớn vừa qua; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
2. Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải: Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện, nhất là tại khu vực ngập sâu, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Phối hợp với các sở, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị có liên quan chỉ đạo các Ban Quản lý dự án công trình, các chủ đầu tư dự án nông nghiệp, giao thông... liên quan tới công trình thủy lợi khẩn trương đôn đốc các nhà thầu thi công khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh, mương, tuyệt đối không thi công các hạng mục công trình chính liên quan trực tiếp tới công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa bão.
- Tổ chức trực ban 24/24 giờ theo quy định, thường xuyên báo cáo tình hình ngập úng, các sự cố công trình thủy lợi, đê điều về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) và UBND tỉnh.
4. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Về thủy lợi nội đồng: Tổ chức khoanh vùng, xác định cụ thể các diện tích cây trồng có nguy cơ ngập úng; chỉ đạo sản xuất phù hợp với tình hình nguồn nước, bảo đảm hạn chế thiệt hại do mưa, bão gây ra.
- Về đê điều: UBND các huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên: Tiếp tục rà soát và có phương án bảo đảm an toàn đối với các trọng điểm xung yếu, các công trình đang thi công, các công trình bị hư hỏng trong đợt mưa lớn vừa qua mà chưa khắc phục được. Sẵn sàng phương án phòng, chống lũ, bảo đảm an toàn đê điều theo cấp báo động.
5. Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh:
Triển khai hiệu quả phương án phòng, chống úng năm 2024; tổ chức rà soát, kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, thay thế thiết bị công trình thủy lợi bị ảnh hưởng do đợt mưa bão vừa qua, bảo đảm các công trình thủy lợi tham gia phòng, chống úng vận hành an toàn và hiệu quả trong thời gian tới; trường hợp công trình bị hỏng chưa khắc phục được phải chuẩn bị các phương án dự phòng sẵn sàng ứng phó kịp thời với các tình huống xảy ra khi có mưa lớn.
- Khoanh vùng những khu vực có khả năng úng ngập cục bộ, khu vực khó khăn về tiêu úng trong đợt mưa trước để chủ động bố trí máy bơm dã chiến phục vụ tiêu úng.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đặc biệt những công trình chính, quan trọng, những vị trí xung yếu để bảo đảm tốt công tác phòng, chống úng và xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra.
6. Công ty Điện lực Hưng Yên: Cấp điện cho các trạm bơm tham gia tiêu úng trên địa bàn tỉnh bảo đảm chất lượng điện và thời gian 24/24 giờ. Bố trí lực lượng cán bộ điện lực ứng trực 24/24 giờ bảo đảm ứng phó kịp thời với các sự cố điện phát sinh.
7. Các sở, ban, ngành tỉnh: Chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ các địa phương triển khai công tác phòng, chống và khắc phục tình hình úng, ngập do mưa lớn theo chức năng quản lý nhà nước được phân công.