Nguy cơ mưa lớn, Quảng Nam chỉ đạo khẩn
Bên cạnh việc tập trung khắc phục những thiệt hại do mưa bão vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương triển khai các phương án đối phó với tình hình thời tiết phức tạp trong thời gian tới.
Hơn hai tháng qua, tỉnh Quảng Nam đã bị tác động tiêu cực bởi tình hình mưa bão. Tại các huyện miền núi đã xuất hiện hàng loạt vị trí sạt lở, đe dọa đến nơi an cư và tính mạng của hàng nghìn hộ dân. Trong khi đó, hệ thống giao thông cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây ách tắc một số tuyến đường.
Theo bản tin Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Nam, do chịu ảnh hưởng của phần phía tây nam áp cao lạnh lục địa tăng cường, kết hợp với hoạt động của đới gió Đông, từ ngày 3-8/11, tỉnh Quảng Nam có khả năng xuất hiện mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Trong cơn dông, cần đề phòng có lốc xoáy, sét và gió giật mạnh.
Mưa lớn gây nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét tại các sông suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, sông suối nhỏ; gây ngập úng tại các vùng thấp trũng, nơi tập trung đông dân cư. Không khí lạnh có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn trên biển.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán người dân tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét và sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Rà soát phương án đảm bảo an toàn giao thông, nhất là tại các khu vực dễ bị chia cắt; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Đồng thời, chủ động thu hoạch sớm các sản phẩm nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với phương châm “xanh nhà hơn già đồng.”
Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ mỗi ngày; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên. Thực hiện tốt việc thông báo, thông tin đến vùng hạ du và vận hành điều tiết hồ đảm bảo theo đúng quy trình vận hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh cũng đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai các nội dung theo chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tập trung khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão số 6 và mưa lớn gây ra trên địa bàn tỉnh; tiếp tục rà soát, tăng cường công tác phòng chống thiên tai.
Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng… Thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Như báo Kinh tế và Đô thị đã nhiều lần đưa tin, thời gian qua tỉnh Quảng Nam đã xuất hiện các điểm sạt lở, đe dọa đến đời sống và sự an toàn của nhiều hộ dân. Là địa phương có đến 9 huyện miền núi nằm ở vị trí có nguy cơ cao mỗi khi mùa mưa bão đến, Quảng Nam hiện có khoảng 7 ngôi làng và hơn 150 hộ dân thuộc các huyện Nam Trà My, Hiệp Đức, Phước Sơn, Nam Giang đã được di dời đến nơi an toàn. Tỉnh Quảng Nam cũng đã yêu cầu các địa phương miền núi tiến hành khảo sát, lên phương án quy hoạch để bố trí, ổn định cho khoảng 3.300 hộ dân.