Ứng phó biến đổi khí hậu đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu
Theo báo cáo về Tình hình khí hậu toàn cầu năm 2024 của WMO, thập kỷ vừa qua là thập kỷ nóng nhất từng được ghi nhận.
Biến đổi khí hậu là thuật ngữ dùng để chỉ sự thay đổi về nhiệt độ, khí hậu do tác động chủ yếu của con người gây ra làm thay đổi thành phần khí quyển của Trái đất. Thời gian qua, những thay đổi đối với khí hậu Trái đất do con người phát thải các loại khí nhà kính ngày càng tăng đã có những tác động rộng rãi đến môi trường như: Sông băng tan chảy với tốc độ kỷ lục, sóng đóng băng, phạm vi địa lý của thực vật và động vật đang thay đổi...
Đã từ lâu, những tác động do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra đã được các nhà khoa học dự đoán như mực nước biển dâng nhanh hơn, các đợt nắng nóng kéo dài hơn, dữ dội hơn. Nasa cho hay, các nhà khoa học dự đoán nhiệt độ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng do khí nhà kính do con người tạo ra. Thiệt hại nghiêm trọng do thời tiết cũng sẽ gia tăng và dữ dội hơn các năm trước.
Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), một số thay đổi về thời tiết gần đây trên toàn cầu như hạn hán, cháy rừng, lượng mưa cực lớn đang diễn ra nhanh hơn so với đánh giá trước đây của các nhà khoa học. Mức độ, tốc độ của biến đổi khí hậu và các rủi ro liên quan phụ thuộc rất nhiều vào các hành động của con người trong thời gian ngắn, cùng với đó các tác động tiêu cực dự kiến cũng như những tổn thất và thiệt hại liên quan sẽ leo thang theo từng đợt nóng lên toàn cầu.
Nhìn vào báo cáo đánh giá của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu năm 2021 cho thấy, lượng khí thải do con người thải ra đã làm khí hậu nóng lên gần 2 độ F (1,1 độ C) kể từ năm 1850-1900. Nhiệt độ trung bình toàn cầu dự kiến sẽ đạt hoặc vượt 1,5 độ C (khoảng 3 độ F) trong vòng vài thập kỷ tới. Những thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến tất cả các khu vực trên Trái đất.
Theo báo cáo về Tình hình khí hậu toàn cầu năm 2024 của WMO, thập kỷ vừa qua là thập kỷ nóng nhất từng được ghi nhận. Điều này phù hợp với các dự đoán khoa học đã được đưa ra trong hơn 30 năm qua.
Tổng Thư ký WMO Celeste Saulo cho hay, điều này các nhà khoa học đã cảnh báo từ lâu, thế nhưng sự phản ứng của nhân loại vẫn quá chậm chạp.
Theo dữ liệu từ Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus, năm 2024 đang trên đà trở thành năm nóng nhất từ trước đến nay. Hội nghị COP29 tổ chức tại Baku, Azerbaijan cũng công bố những số liệu đáng lo ngại. Trong đó, nhiệt độ toàn cầu đã tăng 1,3°C so với mức trung bình trước thời kỳ công nghiệp. Các hiện tượng thời tiết cực đoan (nhiệt độ nước biển tăng cao, băng tan kỷ lục, hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng) đang diễn ra với tần suất ngày càng tăng.
Tháng 10/2024 ghi nhận mức nhiệt trung bình ở châu Âu đạt 10,83°C (cao hơn 1,23°C so với mức trung bình của giai đoạn 1991-2020). Đây là tháng ấm thứ 5 trong lịch sử khu vực và tháng ấm thứ 2 trên toàn cầu.
Dù lượng khí thải nhà kính tại châu Âu có dấu hiệu giảm, tổng lượng khí thải trên toàn cầu vẫn tiếp tục tăng. Tại COP29 các chuyên gia khí hậu đã cảnh báo rằng nếu xu hướng này không thay đổi, thế giới sẽ đối mặt với những tác động không thể đảo ngược.
Những năm gần đây, thời tiết ở Việt Nam ngày càng bất thường. Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV), trong năm 2023, thời tiết và khí hậu Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu. Năm 2023 ghi nhận là năm có mức nhiệt độ cao nhất toàn cầu và là năm thứ hai trong chuỗi số liệu quan trắc ở Việt Nam. Nhiệt độ cao nhất Việt Nam từ trước đến nay đã xuất hiện với trị số 44,2 độ ở Bắc Trung Bộ. Từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai phức tạp, dị thường đã xuất hiện như đợt rét đậm, rét hại diện rộng kéo dài với nền nhiệt thấp ở đồng bằng, vùng núi cũng như nắng nóng xuất hiện dài ngày ở khu vực Nam Bộ, xâm nhập mặn tăng cao hơn ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Để làm giảm bớt những biến đổi khí hậu toàn cầu, chúng ta cần chung tay, góp sức thông qua các hoạt động. Mỗi hành động dù nhỏ của các cá nhân trong cộng đồng cũng tạo ra sự tác động đến với môi trường.
Mới đây, Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Baku, Azerbaijan từ ngày 11-22/11.
Tham dự Hội nghị COP29, đoàn Việt Nam có đại diện các Bộ: Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Tài chính, Công thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Tại Hội nghị, các đại biểu đoàn Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia; thường xuyên trao đổi thống nhất các nội dung Việt Nam cần nêu ý kiến tại các cuộc họp có liên quan.
Trong ứng phó với biến đổi khí hậu, có hai công việc mà Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều phải thực hiện song song. Một là giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hai là có phương thức để chung sống, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong khuôn khổ các hoạt động tại Hội nghị COP29, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã chủ trì sự kiện về Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (NAP) cập nhật của Việt Nam. Kế hoạch xác định 162 nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên theo ba mục tiêu chính. Có 76 nhiệm vụ nâng cao khả năng chống chịu và khả năng thích ứng với hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, đảm bảo sinh kế bền vững. 33 nhiệm vụ giảm nhẹ rủi ro thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, khí hậu cực đoan gia tăng, góp phần giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu. 53 nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực nhằm thích ứng với hiệu quả biến đổi khí hậu.
Theo bà Rohini Kohli, Cố vấn cấp cao của UNDP, NAP cập nhật là "tiến bộ đáng kể trong thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu", giúp Việt Nam khai thác hiệu quả các nguồn lực và hướng tới tương lai bền vững.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành - Trưởng đoàn Việt Nam phát biểu tại Phiên họp cấp cao trong khuôn khổ Hội nghị COP29 chia sẻ, năm 2024 là năm ấm nhất được ghi nhận. Hạn hán, sóng nhiệt, cháy rừng, lũ lụt, xoáy thuận nhiệt đới xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam và tác động tiêu cực đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu.
Việt Nam đã lồng ghép các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thực hiện NDC vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy phạm pháp luật khác, chiến lược dài hạn, chương trình và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.