Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất nông nghiệp

Nhằm nâng cao năng suất và hạn chế rủi ro trong sản xuất, hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đang tích cực ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất.

Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Griffith lắp đặt hệ thống trí thông minh nhân tạo trong sản xuất lúa vụ xuân năm 2025 tại xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa).

Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Griffith lắp đặt hệ thống trí thông minh nhân tạo trong sản xuất lúa vụ xuân năm 2025 tại xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa).

Với vùng nguyên liệu từ 7.000 đến 8.000ha mía, Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Thọ Xuân) đã tích cực triển khai các ứng dụng số nhằm nâng cao năng suất, chất lượng quản lý vùng nguyên liệu, tiết kiệm chi phí sản xuất. Năm 2022, công ty phối hợp với tổ chức chính phủ AUS4INNOVATION thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia và Trường Đại học Wollongong, Australia và các đơn vị liên quan tại Việt Nam lắp đặt và chuyển giao công nghệ mắt thông minh (Smart Eye) trong sản xuất mía nguyên liệu.

Đây là một giải pháp dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp cùng công nghệ máy bay không người lái và internet vạn vật (IoT) để giúp công ty và người dân trồng mía theo dõi độ ẩm trên ruộng, tối ưu hóa việc tưới nước, mức độ dinh dưỡng và nhiễm bệnh của mía. Qua đó, cán bộ kỹ thuật và nông dân sản xuất mía đưa ra quyết định xử lý kịp thời để cải thiện năng suất và giảm chi phí sản xuất.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn - Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Thọ Xuân) Lê Huy Khiêm cho biết: Cùng với mắt thông minh, công ty đang ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS) bằng hệ thống AI để phân tích quy trình canh tác, ứng phó với sự thay đổi thời tiết từng khu vực canh tác và cảnh báo cho ban kỹ thuật để điều chỉnh cho phù hợp. Toàn bộ các thông tin vùng mía được tích hợp trên màn hình theo thời gian, người quản lý sản xuất tại trung tâm điều phối toàn bộ thông tin thực tế và đưa ra dự báo cho người dân. Trong khâu thu hoạch và vận chuyển mía nguyên liệu, công ty ứng dụng điều phối xe trên bản đồ, tránh ùn tắc, sai lộ trình hay chậm giờ bảo đảm kế hoạch sản xuất phù hợp, và quan trọng nhất là giảm chi phí sản xuất.

Trong vụ xuân 2025 Sở Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Griffith thực hiện lắp đặt hệ thống AI để đo đạc, thu thập dữ liệu phát thải khí nhà kính (KNK) trong sản xuất lúa nước tại xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) và tại xã Hà Long (Hà Trung) với diện tích gần 10ha. Thông qua lắp đặt các thiết bị cảm biến để đo lượng phát thải khí CH4 qua kiểm soát tưới ướt khô xen kẽ (AWD) và các chỉ số độ ẩm, nhiệt độ, PH, NPK... Hệ thống cũng sẽ hỗ trợ việc xác minh các phương pháp quản lý, chống thất thoát sau thu hoạch, không đốt rơm rạ sau thu hoạch thông qua ảnh vệ tinh. Qua đó, hệ thống giúp người dân theo dõi mức độ phát thải KNK và tối ưu hóa các hoạt động, giảm chi phí, tăng thu nhập, canh tác nhằm giảm lượng phát thải KNK, tạo nền tảng thu lợi nhuận từ tín chỉ các-bon.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Vũ Quang Trung, việc ứng dụng AI trong sản xuất nông nghiệp giải quyết được rất nhiều vấn đề vướng mắc đang đặt ra hiện nay liên quan đến quy trình quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... Sử dụng AI trong sản xuất giúp tăng năng suất và hiệu quả sản xuất thông qua các thiết bị phát hiện sớm các vấn đề trong sản xuất như sâu bệnh hoặc thời tiết xấu. Từ đó giúp cho người dân đưa ra các biện pháp ngăn chặn và giảm thiểu các rủi ro, chi phí sản xuất. Các ứng dụng của AI giúp nông dân quản lý đất, tưới cây và thu hoạch nông sản một cách tối ưu. Đồng thời, giúp ngành nông nghiệp dự đoán được sự bất ổn về môi trường và đưa ra các biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại.

Hiện nay diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh là 242.675ha. Để nông dân có thể tiếp cận được các công nghệ mới, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ứng dụng AI trong sản xuất nông nghiệp cũng như phát triển hạ tầng số, nền tảng số. Cùng với đó, phối hợp với các doanh nghiệp, nhà khoa học tổ chức các lớp tập huấn và chuyển giao công nghệ cho người dân, HTX ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.

Bài và ảnh: Lê Hợi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-san-xuat-nong-nghiep-246338.htm
Zalo