Ứng dụng công nghệ số trong phát triển nông nghiệp
Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ số trong phát triển nông nghiệp đang từng bước đổi thay tư duy và phương thức sản xuất.
Tại Hà Nam, ngoài những mô hình trồng các loại hoa truyền thống đã xuất hiện nhiều mô hình trồng hoa công nghệ cao
, ứng dụng những tiến bộ mới nhất trong ngành nông nghiệp.
Để trồng hoa lan công nghệ cao, ngoài chú trọng đầu tư cơ sở hạ tâng, máy móc thiết bị, hệ thống nhà kính theo tiêu chuẩn quốc tế, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Phù Vân còn phối hợp với các kỹ sư nông nghiệp, các chuyên gia đầu ngành về hoa, cây cảnh thuộc học viện nông nghiệp Việt Nam chuyển giao trồng hoa lan theo đúng tiêu chuẩn VietGAP. Vì thế, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, công ty tự kích giống để trồng thành công hơn 7 vạn cây lan các loại; trong đó có nhiều giống lan quý như: địa lan mạc biên, thanh ngọc, hoàng vũ, trần mộng, địa chủ…. Đến nay khi chỉ còn đúng 1 tháng đến Tết, 70% hoa của công ty đã được khách hàng đặt mua, 30% còn lại sẽ bán lẻ trên thị trường trong dịp Tết này. Đơn vị cũng đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho khâu thu hoạch, bảo quản để khi vận chuyển đến những nơi xa hoa vẫn đẹp như tại vườn.
Anh Nguyễn Văn Minh, phụ trách kỹ thuật của công ty cho biết, cây giống lan hồ điệp cấy mô được chính nhân viên công ty chăm sóc ngay từ đầu. Do áp dụng đúng kỹ thuật nên cây phát triển rất tốt, độ đồng đều cao không kém những nơi trồng lâu năm khác. Trong khu nhà kính cũng được lắp đặt thiết bị hiện đại có thể kiểm soát và điều khiển tất cả các chế độ từ xa qua điện thoại thông minh rất thuận lợi cho quá trình chăm sóc.
Bà Trần Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc công ty cho biết thêm, sau 3 năm thực hiện dự án, công ty đã có kinh nghiệm trong việc ứng dụng những tiến bộ mới nhất trong ngành nông nghiệp để trồng và chăm sóc hoa lan. Mỗi năm công ty cho kĩ thuật đi thăm các vườn lan trên toàn quốc để đúc rút kinh nghiệm đưa về vườn lan hoạt động phù hợp với người dân tiêu dùng, thứ hai là về độ bền, thứ ba là về giá cả phù hợp với mặt bằng chung của xã hội.
Việc đầu tư nhiều giống lan với số lượng lớn không chỉ đáp ứng được thị yếu người chơi lan mà còn nằm trong hoạt động sản xuất lâu dài của của công ty. Đó là bảo tồn và phát triển các loại lan quý của Việt Nam, không phải phụ thuộc vào nguồn giống từ nước ngoài. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nên cây hoa lan phát triển rất tốt, độ đồng đều cao, hoa ở đây thường có bông to, đều, màu sắc đẹp và đa dạng nên được thị trường trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, làng hoa lại nhộn nhịp từng khách tìm về mua.
Chị Trần Thị Toan, thành phố Phủ Lý vui mừng khi đặt mua được chậu lan ưng ý chia sẻ, chất lượng hoa ở đây rất tốt, hoa chơi trước tết và sau tết 2 tháng, nghĩa là tầm khoảng hơn 3 tháng thì hoa mới hỏng. Đây là điểm khác biệt của hoa Phù Vân với các hoa khác trên thị trường.
Không chỉ ở Phù Vân (thành phố Phủ Lý), từ nhiều năm nay, nghề trồng hoa, cây cảnh đã phát triển mạnh tại nhiều địa phương trong tỉnh Hà Nam. Việc xây dựng được trung tâm hoa công nghệ cao ngoài mục đích đem lại lợi nhuận từ sản xuất, kinh doanh còn mang lại lợi ích về mặt xã hội. Theo đó, nơi đây sẽ là điểm thăm quan, học hỏi của những người trồng hoa trên địa bàn tỉnh; doanh nghiệp nhận tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất hoa công nghệ cao cho những người có nhu cầu và cung cấp các loại giống hoa phục vụ sản xuất thương mại... Hiện nay, ngoài những loại hoa truyền thống như hoa cúc, hoa hồng, hoa đồng tiền, đào, quất… nhiều nhà vườn đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ cao trồng các loại hoa cao cấp cho giá trị kinh tế. Sức tiêu thụ các loại hoa vì thế cũng khá ổn định, giá trị kinh tế từ cây hoa cao gấp 2-3 lần so với sản xuất rau màu.
Bà Nguyễn Thị Thúy Ngân, Chủ tịch UBND xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý cho biết, xác định đây là mũi nhọn của địa phương để nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua cấp ủy chính quyền địa phương định hướng và thực hiện chỉ đạo nhân dân chuyển dịch cơ cấu tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh phát triển làng nghề trồng hoa của địa phương.
Đánh giá về sự ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triền nông thôn Hà Nam cho biết, những mô hình như Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Phù Vân là sự đột phá giúp thay đổi và phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh hướng đến sự đa dạng, không chỉ là các loại rau, củ, quả mà còn có hoa, cây cảnh... phục vụ nhu cầu về tinh thần ngày càng cao của người dân.
Để nhân rộng mô hình trồng hoa công nghệ cao, các cơ quan chức năng, tiếp tục làm tốt quy hoạch, tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ; xây dựng nghề trồng hoa trở thành ngành hàng mũi nhọn trong phát triển kinh tế, cải thiện môi trường. Mặt khác, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương hỗ trợ tập huấn kiến thức, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa trong nhà màng, nhà lưới, bảo đảm diện tích trồng hoa đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao; hướng dẫn các hộ trồng hoa cách phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu...