Bắc Ninh: Phát triển khu công nghiệp theo hướng tập trung, bền vững
Hướng đến sự phát triển bền vững, đóng góp tích cực cho kinh tế - xã hội tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, ngành công nghiệp tỉnh Bắc Ninh xác định mục tiêu trọng tâm hiện nay là chuyển đổi xanh các khu công nghiệp với nội hàm giảm phát thải nhà kính; sử dụng năng lượng tái tạo; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường.
Với định hướng phát triển đón đầu xu thế của thế giới, tức là tạo ra một trung tâm công nghiệp có đặc trưng, phát triển Bắc Ninh thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam, bên cạnh các chính sách ưu đãi chung theo quy định của Nhà nước về thuế, tiền thuê và sử dụng đất, tỉnh Bắc Ninh ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư đặc thù về hỗ trợ pháp lý và xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp có số thu ngân sách lớn; chương trình đào tạo lao động chất lượng cao và sử dụng lao động; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính nhanh gọn, thuận lợi…
Các khu công nghiệp tập trung Bắc Ninh hiện có gần 1.300 dự án hoạt động, tạo ra hơn 80% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu luôn tăng trưởng cao, ổn định sử dụng gần 300.000 lao động. Sự phát triển của các khu công nghiệp là nhân tố chính đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp; thúc đẩy mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đưa nền kinh tế Bắc Ninh tham gia hội nhập vào nền kinh tế quốc tế.
Hiện nay, Bắc Ninh thực hiện tập trung thu hút các dự án đầu tư theo hướng có chọn lọc, lựa chọn dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng lao động chất lượng, và có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chú trọng công tác tiếp cận các thị trường lớn; đổi mới nội dung, hình thức, hướng đến chuyên nghiệp hóa công tác xúc tiến đầu tư. Trong khoảng 15 năm trở lại đây, các khu công nghiệp Bắc Ninh thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài chất lượng cao, hình thành ngành công nghiệp mũi nhọn điện tử, viễn thông, bán dẫn. Đặc biệt, giai đoạn này, các dự án của Samsung, Amkor… có tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh nói riêng và cả nước nói chung, góp phần phát triển ngành công nghiệp điện tử, bán dẫn của Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp tập trung được phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích 6.397,68ha, gồm 12 khu công nghiệp đang hoạt động; 3 khu công nghiệp đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng và 1 khu công nghiệp chưa triển khai. Ngoài các khu công nghiệp được quy hoạch, Bắc Ninh bổ sung 5 khu công nghiệp mới vào Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với diện tích khoảng 1.805ha. Điều này cho thấy định hướng tiếp tục phát triển mạnh các khu công nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, tạo việc làm.
Đẩy mạnh chuyển đổi xanh
Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Phúc cho biết, hướng đến sự phát triển bền vững, đóng góp tích cực cho kinh tế - xã hội tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vấn đề trọng tâm hiện nay là chuyển đổi xanh các khu công nghiệp với nội hàm giảm phát thải nhà kính; sử dụng năng lượng tái tạo; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường.
Năm 2025, Bắc Ninh xác định tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, xanh, sạch, thân thiện với môi trường; tập trung xây dựng Chương trình chuyển đổi xanh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hạ tầng để sớm hoàn chỉnh hạ tầng các khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp theo quy hoạch. Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; chú trọng các hoạt động đối thoại thường kỳ, kịp thời tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại địa phương.
Việc chuyển đổi xanh các khu công nghiệp giúp phát triển công nghiệp ở Bắc Ninh đáp ứng những mục tiêu: phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh của địa phương; đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, trong việc lựa chọn khu công nghiệp xanh để đầu tư; góp phần vào mục tiêu quốc gia về phát thải carbon bằng không vào năm 2050; theo kịp xu hướng quốc tế về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; thúc đẩy cộng sinh công nghiệp và kinh tế tuần hoàn, tận dụng tối đa nguồn tài nguyên và giảm thiểu chất thải.
Bắc Ninh luôn tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hạ tầng các khu công nghiệp hiện đại, xây dựng đặc trưng của mỗi khu công nghiệp, kéo theo chuỗi các nhà đầu tư vệ tinh khác, tạo sự lan tỏa, hình thành khu công nghiệp chuyên ngành và ngành công nghiệp hỗ trợ. Đây là cơ sở đưa Bắc Ninh trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài với những dự án chất lượng. Đón đầu xu hướng phát triển công nghiệp giúp Bắc Ninh giữ vững nhịp độ tăng trưởng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, tiến tới mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.