Ứng dụng công nghệ số nâng tầm sản phẩm nông thôn mới

Ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc là giải pháp then chốt giúp sản phẩm chủ lực tại các xã nông thôn mới nâng giá trị, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Minh bạch hóa thông tin, nâng giá trị sản phẩm nông thôn mới

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, việc minh bạch hóa thông tin sản phẩm nông nghiệp không chỉ là yêu cầu bắt buộc từ các thị trường khó tính mà còn là yếu tố then chốt để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản Việt.

Từ năm 2024 đến nay, nhiều địa phương trong cả nước đã tích cực triển khai ứng dụng công nghệ số vào truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Việc ứng dụng các phần mềm quản lý, hệ thống mã QR, tem điện tử truy xuất nguồn gốc đã và đang giúp sản phẩm nông nghiệp tại vùng nông thôn mới được kiểm soát chặt chẽ về quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, đồng thời giúp người tiêu dùng dễ dàng tra cứu thông tin sản phẩm. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu mà nhiều địa phương đang thực hiện.

Tại xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, Công ty TNHH Thương mại Thanh Đoàn đã tiên phong trong việc áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm gạo. Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc công ty, cho biết: “Đơn vị chúng tôi đã triển khai hệ thống mã QR code cho từng bao bì sản phẩm, giúp người tiêu dùng chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh quét mã là có thể biết rõ nguồn gốc lúa giống, quy trình chăm sóc, ngày thu hoạch và đóng gói.

Nhờ vậy, sản phẩm gạo của công ty hiện không chỉ được tiêu thụ ổn định tại thị trường nội địa mà còn có mặt tại một số siêu thị và hệ thống bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp lớn”.

Truy xuất nguồn gốc đang trở thành giải pháp then chốt giúp các sản phẩm chủ lực tại các xã nông thôn mới nâng cao giá trị. Ảnh minh họa

Truy xuất nguồn gốc đang trở thành giải pháp then chốt giúp các sản phẩm chủ lực tại các xã nông thôn mới nâng cao giá trị. Ảnh minh họa

Tương tự, tại Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ Nông nghiệp Thanh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội, việc ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Bà Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc HTX cho biết: “Từ cuối năm 2024, chúng tôi áp dụng hệ thống mã QR code trên sản phẩm rau mầm hữu cơ. Người tiêu dùng chỉ cần quét mã là biết ngay quá trình sản xuất, thời gian thu hoạch, địa điểm đóng gói. Nhờ đó, sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng và đánh giá cao hơn hẳn, giá bán cũng tăng khoảng 20% so với trước”.

Không chỉ doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng cảm nhận rõ lợi ích từ việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Xuân Anh (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây tôi thường e ngại mua thực phẩm ở chợ vì lo ngại về nguồn gốc, nhưng hiện nay khi nhiều cửa hàng sử dụng mã QR truy xuất, tôi cảm thấy yên tâm hơn. Chỉ cần vài giây quét mã là tôi biết rau hay thịt được sản xuất, thu hoạch và vận chuyển thế nào, rất tiện lợi và an toàn”.

Tháo gỡ khó khăn, nhân rộng mô hình hiệu quả

Tại xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, việc ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc đã giúp nông dân tiếp cận gần hơn với các thị trường lớn và khó tính. Bà Bùi Thị Thơm, hộ nông dân trồng bưởi, chia sẻ: “Nhờ có hệ thống truy xuất nguồn gốc mà sản phẩm của tôi được các siêu thị lớn ưu tiên thu mua hơn. Thậm chí có doanh nghiệp đặt hàng trước vụ thu hoạch. Mỗi quả bưởi đều dán tem, khách hàng mua về quét là biết ngay từ gốc đến ngọn, giá cũng cao hơn bưởi thường từ 5.000-7.000 đồng một quả”.

Việc ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc đã giúp nông dân tiếp cận gần hơn với các thị trường lớn và khó tính. Ảnh: Khánh Duy

Việc ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc đã giúp nông dân tiếp cận gần hơn với các thị trường lớn và khó tính. Ảnh: Khánh Duy

Theo kế hoạch giai đoạn 2024-2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác định ứng dụng công nghệ số là giải pháp trọng tâm để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm chủ lực các xã nông thôn mới. Cả nước phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ có trên 15.000 cơ sở bán lẻ đạt chuẩn nông thôn mới, đồng thời mỗi xã tối thiểu có một cơ sở bán hàng và giới thiệu sản phẩm áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc.

Đây không chỉ là giải pháp phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân mà còn là kênh tiêu thụ ổn định, hiệu quả cho các sản phẩm nông sản, hàng hóa địa phương, tạo thêm nhiều việc làm, giúp người dân nâng cao thu nhập, từng bước xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, quá trình triển khai ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc tại nông thôn mới vẫn gặp không ít khó khăn. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin ở một số xã còn hạn chế, việc tập huấn kỹ năng cho cán bộ hợp tác xã và nông dân chưa đồng bộ.

Ngoài ra, kinh phí đầu tư cho hệ thống phần mềm quản lý, thiết bị in mã QR, tem điện tử còn cao, khiến nhiều hợp tác xã nhỏ và hộ nông dân gặp khó khi triển khai đại trà. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận nông dân về lợi ích lâu dài của truy xuất nguồn gốc vẫn còn hạn chế, nhiều người sản xuất theo thói quen cũ nên chưa mặn mà với việc cập nhật thông tin trực tuyến.

Để tháo gỡ khó khăn, các địa phương cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc xây dựng hệ thống dữ liệu sản xuất đồng bộ, triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc thống nhất theo từng ngành hàng, tổ chức tập huấn hướng dẫn cho nông dân sử dụng thành thạo công nghệ số.

Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ lợi ích của minh bạch thông tin sản phẩm, từ đó chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất an toàn, có kiểm soát. Chỉ khi có sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân, việc ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực ở nông thôn mới mới thực sự phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị nông sản và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững cho các vùng quê Việt Nam.

Nguyễn Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ung-dung-cong-nghe-so-nang-tam-san-pham-nong-thon-moi-388578.html
Zalo