Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững
Dưới áp lực biến động địa chính trị và thị trường chưa khai thác hết tiềm năng, doanh nghiệp Việt cần nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững. Việc mở rộng thị trường nội địa, đẩy mạnh chuyển đổi số và tái cơ cấu xuất khẩu là những giải pháp thiết yếu giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội và giữ vững vị thế trên thị trường quốc tế.

Ngày 21/5, các chuyên gia, doanh nghiệp đã tham gia chia sẻ tại Diễn đàn CEO 2025 “Giải pháp mở rộng thị phần cho doanh nghiệp trong bối cảnh chiến tranh thương mại”.
Tăng năng lực để chống rủi ro
Tại Diễn đàn CEO 2025 với chủ đề “Giải pháp mở rộng thị phần cho doanh nghiệp trong bối cảnh chiến tranh thương mại” được tổ chức sáng 21/5, các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp đều cho rằng, dù xuất khẩu Việt Nam đang phục hồi tích cực nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, chính doanh nghiệp vẫn phải nâng cao sức chống chịu cả trên thị trường quốc tế lẫn nội địa.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 102 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ông cảnh báo sự phân mảnh trong đơn hàng và xu hướng sụt giảm từ tháng 7. Đơn hàng mỏng, thị trường bị siết lại khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang cạn kiệt dòng tiền.
Đồng quan điểm, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2025 đạt 6,93%, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2025, song xuất khẩu lại tiềm ẩn rủi ro. Việt Nam xuất siêu vào Mỹ nhưng nhập siêu từ Trung Quốc, phản ánh sự thiếu cân đối và phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài (FDI). Vì vậy, doanh nghiệp nội địa cần được tăng nội lực để chống chọi với các rủi ro như thuế đối ứng, hàng rào kỹ thuật và cạnh tranh từ các nước đang nổi.

Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, để xuất khẩu bền vững, chính doanh nghiệp Việt Nam phải sẵn sàng cho các kịch bản từ chiến tranh thương mại. Kịch bản cơ sở có thể là mức thuế 20 - 25% cho hàng hóa vào thị trường Mỹ, điều này sẽ tác động trực tiếp đến sức cạnh tranh. Theo đó, doanh nghiệp phải chủ động tìm giải pháp chứ không thể trông chờ chính sách hỗ trợ đơn thuần.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp trong ngành đang đối mặt với thách thức lớn từ chính sách thuế quan và bảo hộ của nhiều quốc gia. Ngành lương thực thực phẩm không chỉ là một lĩnh vực kinh tế mà còn mang trách nhiệm xã hội, đóng vai trò như lá chắn mềm bảo vệ sản xuất, việc làm và chuỗi giá trị nông nghiệp. Do đó, để vượt qua áp lực này, doanh nghiệp cần tái định vị thị trường xuất khẩu, bởi thuế quan đang ảnh hưởng mạnh mẽ.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ tập trung vào một thị trường như Hoa Kỳ, coi đó là đủ, chưa có chiến lược đa dạng hóa thị trường. Tuy nhiên, họ cần thoát khỏi tư duy phụ thuộc vào 1 - 2 thị trường, bởi khi Mỹ áp thuế suất mới, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn lớn.
Vì vậy, bà Lý Kim Chi nhấn mạnh: “Doanh nghiệp cần xây dựng lợi thế cạnh tranh trên cả thị trường xuất khẩu và nội địa. Mỗi sản phẩm, dù là chai nước mắm hay bịch gạo đều chứa đựng câu chuyện riêng. Doanh nghiệp cũng cần chú trọng các giải pháp xanh và chuyển đổi số, áp dụng tiết kiệm năng lượng và truy xuất nguồn gốc. Khi tham gia hệ sinh thái, doanh nghiệp nhỏ nhận đơn hàng lớn phải kết nối cùng các doanh nghiệp khác để tạo nên cộng đồng phát triển bền vững”.
Tái cơ cấu thị trường, đẩy mạnh chuyển đổi số
Trong bối cảnh xuất khẩu sang thị trường lớn gặp rào cản, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, việc tái cơ cấu thị trường xuất khẩu và phát triển thị trường trong nước là xu hướng bắt buộc.
Ông Phạm Bình An cho biết, trước tiên doanh nghiệp cần phân nhóm thị trường để chọn chiến lược phù hợp, nhóm thị trường bảo hộ cao như Mỹ và EU yêu cầu cao về minh bạch, môi trường, tiêu chuẩn kỹ thuật; nhóm thị trường tiềm năng như: Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi có thể phù hợp với năng lực sản xuất hiện tại của doanh nghiệp Việt và nhóm thị trường ngách tuy nhỏ nhưng có giá trị gia tăng cao.
Dưới góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty TNHH May thêu Minh Long, TP Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi từng phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường châu Âu nhưng từ năm ngoái đã mở thêm kênh phân phối sang UAE và Saudi Arabia. Đơn hàng không nhiều nhưng lợi nhuận tốt, giúp chúng tôi duy trì sản xuất trong lúc thị trường truyền thống chững lại”.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Huy, Tổng giám đốc CTCP Thực phẩm sạch Việt Nam cho biết, hiện nay, một số doanh nghiệp cứ lo xuất khẩu mà bỏ quên thị trường nội địa là sai lầm. Người tiêu dùng trong nước đang ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng và an toàn, chính là cơ hội để doanh nghiệp nội phát triển bền vững.

Doanh nghiệp cần tập trung nâng cao năng lực và phát triển thị trường nội địa để phát triển tốt hơn.
Từ góc nhìn công nghệ và nền tảng số, ông Trần Văn Chín, Chủ tịch Sàn giao dịch thương mại điện tử B2B AROBID cho rằng, mô hình kinh doanh truyền thống từng phát huy hiệu quả, nhưng trong bối cảnh mới, doanh nghiệp cần chuyển mình. Chuyển đổi số và kinh tế xanh hiện là mối quan tâm lớn từ Trung ương đến địa phương. Để giúp doanh nghiệp mở rộng thị phần, đơn vị đã triển khai mô hình triển lãm số trên nền tảng B2B, nơi các gian hàng có thể chốt đơn hàng trực tiếp.
Theo ông Trần Văn Chín, khi cộng đồng doanh nghiệp tham gia nền tảng B2B, không chỉ mở rộng thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường nước ngoài. Trước mắt, sàn Việt Nam – Singapore sẽ được AROBID vận hành nhằm kết nối hàng Việt với các nhà nhập khẩu Singapore. Ngoài ra, hiện 95% doanh nghiệp Việt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, chúng tôi sẽ hỗ trợ mở tài khoản và miễn phí trọn đời. Đây là những thúc đẩy rất thực tế cho cộng đồng doanh nghiệp.
Theo báo cáo từ Cục Thống kê và Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, chỉ 37,4% doanh nghiệp đã thực sự bắt tay vào chuyển đổi số và đổi mới mô hình sản xuất. Còn lại phần lớn không quan tâm, không muốn hoặc không biết phải làm gì.
“Thị trường đang thay đổi nhanh, nếu doanh nghiệp không cải thiện năng lực cạnh tranh sẽ khó đứng vững ngay cả trong nước, chưa nói tới xuất khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần một hệ sinh thái chính sách linh hoạt, từ tín dụn, lãi suất, cải cách thủ tục hành chính đến hạ tầng logistics và xúc tiến thương mại. Chính sách cần hướng đến duy trì sản xuất, hỗ trợ dòng tiền, tạo ra đơn hàng chứ không chỉ là ưu đãi thuế”, ông Cấn Văn Lực cho biết thêm.
Ông Nguyễn Ngọc Diệp, Giám đốc Công ty Gỗ xuất khẩu An Hưng cho biết: “Chúng tôi đang vướng nhiều rào cản khi xuất khẩu sang Mỹ vì bị áp thuế phòng vệ. Nếu được hỗ trợ về thông tin thị trường, đào tạo nhân lực và tiếp cận tín dụng ưu đãi thì DN mới đủ sức xoay xở".
Dưới góc độ nhà quản lý, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam có quá nhiều FTA nhưng doanh nghiệp chưa đủ năng lực để khai thác. Phải thay đổi, nếu không sẽ bị đào thải ngay cả trên sân nhà. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh hiện cũng đang mở rộng không gian phát triển vùng với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Điều này hứa hẹn mở ra chuỗi cung ứng mới cho các ngành công nghiệp hỗ trợ và tiêu dùng.
Ngoài ra, khi doanh nghiệp chủ động tăng sức chống chọi không chỉ đến từ nội lực doanh nghiệp mà còn là sự cộng hưởng từ chính sách và hành động thực tiễn từ các nền tảng hỗ trợ. Trong bối cảnh đầy biến động, chỉ những doanh nghiệp chủ động chuyển đổi, tận dụng cơ hội từ công nghệ, FTA và thị trường nội địa mới có thể đứng vững và bứt phá.
Diễn đàn CEO 2025 “Giải pháp mở rộng thị phần cho doanh nghiệp trong bối cảnh chiến tranh thương mại”, do Báo Sài Gòn Giải phóng và Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh (HIDS), Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) phối hợp tổ chức ngày 21/5.