Ứng dụng công nghệ AI trong học tập, teen đang tận dụng hay bị phụ thuộc?
Hiện nay, công nghệ AI ngày càng có sức ảnh hưởng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục, nhưng nó cũng làm dấy lên nhiều tranh cãi.
Ứng dụng công nghệ AI trong học tập
Con người đang dần quen với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo AI, đặc biệt là nhiều chatbot thông minh ChatGPT, Gemini cũng trở nên quen thuộc. Song song đó, hàng loạt ứng dụng quen thuộc như Canva, Google Sheets hay ELSA Speak cũng không ngừng được “nâng cấp” khi tích hợp AI nhằm tối ưu hóa chức năng và nâng cao trải nghiệm người dùng.

Các công cụ AI trở thành công cụ đắc lực trong học tập của nhiều người.
Với sự trợ giúp của AI, người học có thể tổng hợp tư liệu, hỗ trợ ghi chép bài giảng bằng chức năng chuyển đổi giọng nói thành văn bản, thậm chí học tiếng Anh bằng cách “nhờ” AI kiểm tra lỗi chính tả hay đề xuất cải thiện chất lượng bài viết. Tùy vào nhu cầu người dùng, các công cụ AI có thể phát huy công dụng theo cách riêng của mình.
Bạn Trần Quang Huy (sinh năm 2005, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) cho biết: “Mình dùng AI để kiểm tra ngữ pháp câu, kiểm chứng thông tin sau khi đã viết bài xong. Hơn nữa, khi cần đặt câu hỏi phỏng vấn cho đề tài báo chí, mình thường tự đặt câu hỏi và sau đó đưa AI kiểm tra, đề ra những hướng đi mới và biên tập nội dung kỹ càng hơn”.

Bạn Quang Huy cho biết AI giúp ích rất nhiều trong việc học của mình. Ảnh: NVCC
Lo ngại sự lạm dụng AI ảnh hưởng đến tư duy
Dù giúp quá trình học tập của teen trở nên “dễ thở”, những lo ngại AI sẽ thay thế con người trong tư duy vẫn luôn là chủ đề được tranh luận sôi nổi. Quang Huy cho rằng tất cả những gì do AI tạo ra chỉ là thứ gợi mở, nhưng nếu phụ thuộc vào nó, chất lượng công việc sẽ bị giảm sút.
Thạc sĩ Nguyễn Đức Vũ (giảng viên Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) cho rằng những lo lắng trên là hoàn toàn có cơ sở. Về cơ bản, con người có xu hướng tận dụng các nguồn lực bên ngoài để “làm giúp” các công việc khi có thể, hiện tượng này được gọi là “cognitive off-loading” (tạm dịch: Giảm tải nhận thức). Sự xuất hiện của AI chính là một trong số “nguồn lực bên ngoài” đó.

Thạc sĩ Nguyễn Đức Vũ cho biết việc AI có thay thế tư duy con người hay không vẫn chưa có đáp án chính xác. Ảnh: NVCC
“Không thể trách AI, vì còn tùy vào cách mình dùng nó. Nếu học sinh chỉ copy câu trả lời mà không hiểu gì, thì chắc chắn là kiến thức không thể vào đầu. Vậy nên thầy cô, người hướng dẫn cũng hay hỏi lại học sinh về đề tài đó để đảm bảo là các bạn ấy hiểu chứ không chỉ làm theo.” - thầy Vũ chia sẻ.
Cẩn thận khi dùng AI để tránh sai sót
Tuy hữu hiệu là thế, nhưng AI cũng tồn tại nhiều sai sót. Bạn Nguyễn Cẩm Tú (sinh năm 2006, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) nhận thấy một số ứng dụng AI trộn lẫn thông tin thật hoặc tự bịa ra một câu trả lời hoàn chỉnh, sau đó sẽ trình bày rất mạch lạc nên tạo cảm giác đáng tin cậy. Khi hỏi về nguồn, AI... bịa ra sách, tài liệu không tồn tại hoặc dẫn link không liên quan. "Vì vậy, mình nghĩ cần hết sức cẩn trọng, luôn kiểm chứng thông tin trước khi sử dụng thay vì tin tưởng tuyệt đối vào những gì AI đưa ra", Cẩm Tú cho biết.
Bên cạnh đó, giảng viên có thể nhận biết những đoạn văn nào có sự “nhúng tay” của công nghệ. Thầy Vũ giải thích: “Nghiên cứu thật sự không chỉ là tổng hợp kiến thức, mà là trực giác và trải nghiệm cá nhân. AI hiện tại đang làm tốt phần kỹ thuật, nhưng văn phong hay cách đặt vấn đề thì vẫn còn máy móc. Có thể AI viết trôi chảy, nhưng thiếu cái sự “sống” trong bài viết mà chỉ người thật mới thể hiện được”.
Dù còn tranh cãi song không thể phủ nhận những tiện ích mà AI mang lại. Tuy nhiên, người dùng cũng cần có trách nhiệm và thận trọng trong việc sử dụng các công cụ AI. Suy cho cùng, giá trị của một sản phẩm học thuật không phải chỉ đơn thuần là sao chép và tóm tắt, “AI chỉ có thể giúp nhanh hơn, còn việc học vẫn là chuyện của người với người” - thầy Vũ nhấn mạnh.