Ukraine tìm thấy lợi ích trong thỏa thuận khoáng sản gây tranh cãi của ông Trump

Việc Mỹ đề xuất ký kết một thỏa thuận khoáng sản với Ukraine, dù vấp phải nhiều chỉ trích, vẫn có khả năng mang lại một số lợi ích nhất định cho các doanh nghiệp của Kiev.

Ukraine được lợi từ đề xuất của Mỹ?

Sau khi trở lại nhiệm sở, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hướng sự chú ý đến trữ lượng khoáng sản dồi dào của Ukraine và bày tỏ ý định ký thỏa thuận với Kiev nhằm tiếp cận nguồn tài nguyên này.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent ngày 12/2 đã đến thăm Kiev để trình bày một thỏa thuận khai thác khoáng sản với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Tuy nhiên, ông Zelensky đã từ chối ký vào thỏa thuận, với lý do các đề xuất của Mỹ thiếu các đảm bảo an ninh dành cho Ukraine. Sau đó, các chi tiết trong bản thỏa thuân bất ngờ bị rò rỉ, làm dấy lên lo ngại rằng Washington đang đòi hỏi quá nhiều từ Kiev.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tại Hội nghị An ninh Munich ngày 14/2. Ảnh: Văn phòng Tổng thống

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tại Hội nghị An ninh Munich ngày 14/2. Ảnh: Văn phòng Tổng thống

Theo đó, Mỹ muốn nắm giữ 50% cổ phần trong các nguồn tài nguyên khoáng sản, dầu khí, cảng biển và các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine thông qua một quỹ đầu tư chung. Nếu thỏa thuận được thông qua, một số tập đoàn dầu khí lớn nhất của Kiev, bao gồm các công ty do nhà nước sở hữu, cũng phải “chia phần” cho Washington.

Đề xuất này, đặc biệt là yêu cầu liên quan đến ngành dầu khí, đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ.

“Chưa từng có tiền lệ nào về việc các đồng minh đòi hỏi điều này từ một quốc gia đang vật lộn với một cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn”, nghị sĩ Ukraine Yaroslav Zhelezniak lên tiếng.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz trước đó cũng chỉ trích việc Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Ukraine đổi đất hiếm lấy viện trợ quân sự của Washington và gọi đây là những đề nghị "ích kỷ".

Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng đề xuất này sẽ đem lại một số lợi ích nhất định cho các doanh nghiệp trong ngành khai thác khoáng sản của Ukraine. Reuters ngày 20/2 đưa tin rằng Nhà Trắng có thể đang cân nhắc một thỏa thuận đơn giản hơn với các điều khoản cụ thể sẽ được thương thảo sau. Nếu đạt được sự đồng thuận, giới doanh nghiệp và chuyên gia Ukraine tin rằng thỏa thuận này có thể giúp bơm nguồn vốn cần thiết cho nền kinh tế Kiev, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp nhà nước đang gặp khó khăn.

Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Ukraine, ông Andy Hunder cho biết: “Chúng tôi hiểu rằng thỏa thuận này sẽ giúp các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp mang lại lợi nhuận tốt hơn cho các doanh nghiệp nhà nước. Nhiều doanh nghiệp trong số đó đã bị đặt dưới sự quản lý yếu kém trong nhiều năm qua”.

Trữ lượng đất hiếm của Ukraine vẫn là một vấn đề gây tranh cãi, do khối lượng và giá trị thực tế của các khoáng sản quan trọng chủ yếu chỉ mang tính suy đoán. Các số liệu chính thức hiện nay phần lớn dựa trên những ước tính lạc quan từ thời Liên Xô, vốn định giá tài nguyên khoáng sản của Ukraine lên tới 12 nghìn tỷ USD.

Ukraine được biết đến là quốc gia giàu tài nguyên khí đốt tự nhiên, trong khi các cảng biển của nước này nằm ở vị trí chiến lược trên Biển Đen, đóng vai trò như một điểm giao thương quan trọng giữa châu Âu và Tây Á.

Thế hòa về lợi ích

Cho tới nay, Kiev không hoàn toàn bác bỏ thỏa thuận này. Thay vào đó, chính phủ Ukraine đang tìm kiếm bất kỳ thỏa thuận nào về tài nguyên với các đảm bảo an ninh nhằm củng cố quốc phòng, đồng thời thu hút đầu tư để vực dậy nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Ông Oleksandr Kharchenko, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Công nghiệp Năng lượng tại Kiev, nhận định rằng nếu được thực hiện đúng cách, thỏa thuận này có thể mang lại lợi ích cho cả Ukraine và Mỹ.

“Trong bất kỳ quá trình phát triển nào của ngành dầu khí Ukraine, chúng tôi đều cần vốn và công nghệ. Đây không phải lĩnh vực có thể tạo ra lợi nhuận ngay lập tức, mà cần đầu tư đáng kể trước khi thu về kết quả”, ông Kharchenko nói, đồng thời nhận định rằng việc các nhà đầu tư Mỹ tham gia vào lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước có thể thúc đẩy cải cách và thu hút thêm dòng vốn.

Mỏ khai thác khoáng sản của Ukraine ở gần Pokrovsk, Donetsk. Ảnh: Getty

Mỏ khai thác khoáng sản của Ukraine ở gần Pokrovsk, Donetsk. Ảnh: Getty

Ngành năng lượng của Ukraine là một lĩnh vực đầy tiềm năng. Gã khổng lồ dầu khí nhà nước Naftogaz báo cáo lợi nhuận 32,4 tỷ hryvnia (tương đương 779 triệu USD) trong 9 tháng đầu năm 2024. Trong khi đó, DTEK – công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine – thu về 4,6 tỷ hryvnia (tương đương 111 triệu USD) lợi nhuận gộp từ sản xuất dầu khí chỉ trong nửa đầu năm 2024, bất chấp xung đột Nga-Ukraine vẫn đang tiếp diễn.

Ông Kharchenko cũng nhấn mạnh rằng, nếu có thêm nguồn tài trợ và tiếp cận công nghệ Mỹ, Ukraine có thể gia tăng sản lượng dầu khí, giúp nước này tự chủ hơn về năng lượng, mở rộng ảnh hưởng trên thị trường khí đốt và giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga. Tới nay, đây vẫn là một vấn đề vẫn nan giải đối với các quốc gia châu Âu dù EU đã nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung.

“Sẽ là một chiến lược khôn ngoan nếu đề xuất chia sẻ phần lớn nguồn tài nguyên ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng với Mỹ, nếu Washington có thể giúp chúng ta giành lại những khu vực này”, nghị sĩ Ukraine Yaroslav Zhelezniak nhận định.

Dù vậy, vẫn có những lo ngại về lợi ích quốc gia của Ukraine trong thỏa thuận này. Một đại diện giấu tên của một công ty năng lượng Ukraine cảnh báo rằng mặc dù thỏa thuận có thể mang lại lợi ích cho các bên tham gia nhưng Kiev phải đảm bảo rằng “quyền lợi của mình được bảo vệ”.

Tổng thống Zelensky cũng nhấn mạnh lập trường của Ukraine, bác bỏ ý tưởng biến đất nước thành "mỏ tài nguyên" cho các quốc gia khác. Trong cuộc phỏng vấn với CNN ngày 19/2, ông khẳng định Ukraine muốn trở thành “bạn bè và đối tác”, thay vì “trung tâm khai thác nguyên liệu thô cho bất kỳ châu lục nào””.

Câu hỏi quan trọng còn lại là Mỹ sẽ đảm bảo bảo vệ Ukraine như thế nào trong dài hạn. Theo NBC, Washington có thể triển khai quân đội để bảo vệ các nguồn tài nguyên. Tuy vậy, vẫn tồn tại lo ngại rằng chính quyền Tổng thống Trump “không thực sự quan tâm đến an ninh của Ukraine” mà chỉ tìm cách khai thác lợi ích khoáng sản từ nước này.

"Một thỏa thuận công bằng hơn sẽ chỉ liên quan đến doanh thu trong tương lai từ các nguồn tài nguyên được phát triển nhờ đầu tư và chuyên môn của Mỹ, đi kèm với các đảm bảo an ninh thực sự. Thỏa thuận này không chỉ bảo vệ những địa điểm nơi Mỹ hoạt động, mà cho cả đất nước Ukraine”, ông Roman Sulzhyk, đối tác tại Ukraine Breakthrough Investments nhận định.

Thông điệp chưa rõ ràng

Một phần phản ứng tiêu cực đối với thỏa thuận này có thể xuất phát từ cách nó được truyền đạt. Theo ông Andy Hunder, nếu chính quyền Trump giới thiệu thỏa thuận như một sự nhượng bộ hoặc một mô hình hợp tác công tư (PPP) thì dư luận sẽ có phản ứng theo cách khác.

“Nếu bạn bất ngờ xuất hiện và nói thẳng thừng rằng: ‘Hãy đưa cho chúng tôi cái này’ thì mọi người sẽ nhìn nhận theo một cách rất khác”, ông Hunder nhận xét.

Ukraine không xa lạ với các mô hình PPP. Các tổ chức lớn như Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) đã giám sát hàng tỷ USD được đầu tư vào các dự án trong nhiều thập kỷ qua, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng và giao thông vận tải.

Nghị sĩ Yaroslav Zhelezniak đồng tình rằng liên doanh theo một hình thức nào đó là "một ý tưởng hay". Tuy nhiên, ông cho rằng thay vì hợp tác, tốt hơn là tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và bán cho các nhà đầu tư nước ngoài, dẫn chứng bằng thương vụ UMC Titanium – một nhà sản xuất titan thuộc sở hữu nhà nước – được bán cho Cemin Ukraine vào tháng 10/2024.

Ông Zhelezniak nhấn mạnh tầm quan trọng của một thỏa thuận rõ ràng và bền vững, do việc đầu tư vào tài nguyên thiên nhiên là một cam kết dài hạn, không mang lại lợi ích ngay lập tức. Bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần tránh bị thay đổi mỗi khi chính phủ mới lên nắm quyền ở Washington hay Kiev.

Ngoài ra, còn tồn tại những thách thức pháp lý. Mỹ đề xuất quản lý thỏa thuận theo luật của bang New York, nhưng điều này có thể thay đổi trong quá trình đàm phán. Việc xác định cơ chế quản lý và giải quyết tranh chấp sẽ là yếu tố then chốt trong bất kỳ thỏa thuận nào.

Thêm vào đó, Hiến pháp Ukraine quy định tài nguyên thuộc về người dân nên không rõ liệu nhà lãnh đạo Kiev có đủ thẩm quyền để thực hiện loại thỏa thuận này hay không. Trong trường hợp này, Ukraine có khả năng phải thay đổi Hiến pháp.

“Bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ phải được phê chuẩn và giải thích rõ ràng cho người dân Ukraine. Nếu không, những thỏa thuận như vậy sẽ gây tranh cãi và Ukraine sẽ không nhận được bất kỳ khoản đầu tư nào", ông Zhelezniak nói.

Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo The Kyiv Independent, CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ukraine-tim-thay-loi-ich-trong-thoa-thuan-khoang-san-gay-tranh-cai-cua-ong-trump-post1156331.vov
Zalo