Ukraine thừa nhận chỉ đủ lực cầm cự 'được 6 tháng' nếu Mỹ cắt viện trợ
Một tướng của Ukraine dự đoán rằng nước này chỉ có thể cầm cự thêm 6 tháng nếu mất viện trợ từ Mỹ, trong bối cảnh Washington và Moscow đang tiến hành các cuộc đàm phán về việc chấm dứt xung đột.
Phát biểu trên chương trình Meet the Press của NBC, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy thừa nhận Ukraine có "cơ hội rất thấp" nếu không còn nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ.
Trong khi đó, Trung tướng Ihor Romanenko, cựu Phó Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Ukraine, đưa ra dự đoán rõ ràng hơn: "Chúng ta chỉ tồn tại được 6 tháng" nếu mất đi sự hỗ trợ từ Washington.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Facebook/zelenskyy.official
Nỗi lo này càng gia tăng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 12 năm ngoái tuyên bố ông sẵn sàng xem xét cắt giảm viện trợ quân sự cho Kiev. Điều này đã làm dấy lên làn sóng bất ổn trong nội bộ Ukraine cũng như tại châu Âu, nơi đang chịu áp lực ngày càng lớn để bù đắp sự thiếu hụt hỗ trợ từ Mỹ.
Hiện Quốc hội Mỹ đã thông qua 5 gói viện trợ với tổng trị giá 175 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi xung đột xảy ra vào tháng 2/2022. Nếu nguồn hỗ trợ này bị cắt đứt, Ukraine sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt đạn dược nghiêm trọng, đặc biệt là các loại vũ khí chiến lược như tên lửa phòng không Patriot và pháo 155mm.
Theo chuyên gia Nikolay Mitrokhin từ Đại học Bremen (Đức), lượng viện trợ quân sự Mỹ hiện tại có thể giúp Ukraine cầm cự đến giữa mùa hè hoặc muộn nhất là mùa thu năm nay, nếu được sử dụng hợp lý. Châu Âu khó có thể lấp đầy khoảng trống này, đặc biệt là trong bối cảnh một số nước như Hungary và Slovakia phản đối viện trợ quân sự cho Kiev.
Việc Mỹ giảm hỗ trợ đặt áp lực lớn lên châu Âu trong việc lấp đầy khoảng trống. Tại Hội nghị An ninh Munich, ông Zelenskyy đã kêu gọi EU xây dựng "quân đội riêng" để đảm bảo an ninh khu vực.
Cuộc khủng hoảng này càng trở nên phức tạp khi Mỹ và Nga gần đây đã đồng ý thành lập một nhóm để đàm phán về cách chấm dứt xung đột. Ukraine không được mời tham dự các cuộc đàm phán ban đầu tại Riyadh (Ả Rập Xê Út) làm dấy lên lo ngại về khả năng Kiev bị gạt ra khỏi tiến trình hòa bình.
Ông Zelenskyy đã nhấn mạnh rằng Ukraine phải có mặt trong bất kỳ cuộc đàm phán nào liên quan đến kết thúc xung đột. Tuy nhiên với áp lực từ Mỹ và Nga, cũng như khả năng cạn kiệt nguồn lực quân sự, Ukraine có thể sớm phải đối mặt với một thực tế khó khăn nếu không nhận được thêm sự hỗ trợ.
Những động thái gần đây khiến người Ukraine lo ngại về việc số phận đất nước có thể bị quyết định mà không có sự tham gia của họ. Một cựu giáo viên tại Kiev bày tỏ sự thất vọng: "Như thường lệ, những người khác sẽ quyết định số phận của chúng tôi. Một nhóm người Nga và Mỹ mặc vest đắt tiền sẽ phân chia Ukraine mà không hỏi chúng tôi. Và nếu chúng tôi từ chối, họ sẽ dừng viện trợ".