Ukraine - Mỹ chưa đạt thống nhất về thỏa thuận đổi đất hiếm lấy đảm bảo an ninh

Hãng Reuters dẫn lời Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết dự thảo thỏa thuận sở hữu đất hiếm giữa Ukraine với Mỹ chưa bao gồm các điều khoản đảm bảo an ninh mà Kyiv cần. Ba nguồn tin khác còn cho biết Mỹ muốn sở hữu đến 50% lượng đất hiếm của Ukraine.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã trình bày dự thảo thỏa thuận nhân chuyến thăm Kyiv ngày 12.2, sau khi Tổng thống Zelensky nêu ra vài điểm chính yếu nếu Mỹ muốn đầu tư khai thác đất hiếm tại nước này. Ukraine không công khai nội dung thảo luận nhưng hai nguồn tin tiết lộ Kyiv vừa gửi lại bản sửa đổi cho Washington.

Tổng thống Zelensky (phải) tiếp đón Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent sang thăm - Ảnh: Reuters

Tổng thống Zelensky (phải) tiếp đón Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent sang thăm - Ảnh: Reuters

Sang ngày 15.2, Tổng thống Zelensky không ngần ngại đưa ra bình luận thẳng thắn: “Dự thảo từ phía Mỹ không vì lợi ích của một Ukraine có chủ quyền. Chẳng hề có nhiều điều khoản cụ thể về đảm bảo an ninh. Đối với tôi mối liên hệ giữa đảm bảo an ninh với các hình thức đầu tư rất quan trọng”.

Nhận được đảm bảo an ninh từ Mỹ nhằm ngăn Nga tái phát động chiến dịch quân sự là trọng tâm mà đội ngũ của Tổng thống Zelensky quyết tâm đạt được. Bộ trưởng Bessent tuyên bố thỏa thuận đổi đất hiếm lấy đảm bảo an ninh có thể cung cấp cho Ukraine “lá chắn” đồng thời gắn kết kinh tế nước này với kinh tế Mỹ.

Theo nguồn tin của Reuters, Mỹ khá táo bạo khi đòi hỏi sở hữu đến 50% lượng đất hiếm cũng như một số tài nguyên khác trong thời gian dài. Đòi hỏi quá cao cộng thêm việc Mỹ không đưa ra đảm bảo an ninh cụ thể khiến Tổng thống Zelensky từ chối ký kết mà cố đàm phán lại.

Tờ The Independent cho biết Ukraine sở hữu một trong những mỏ đất hiếm lớn nhất châu Âu – giá trị ước tính hơn 12 nghìn tỉ bảng Anh, phần lớn chưa được khai thác. Đặc biệt Kyiv nắm giữ đến nửa triệu tấn lithium (lớn nhất lục địa già).

Tổng thống Zelensky nhiều năm qua không ngừng cố gắng khai thác nguồn khoáng sản dồi dào này. Năm 2021 ông mời gọi nhà đầu tư nước ngoài bằng cách giảm thuế, tuy nhiên mọi việc đình trệ vì chiến tranh nổ ra. Do biết Tổng thống Trump là người thích quản trị theo kiểu giao dịch nên ông đưa cả nội dung cho phép khai thác đất hiếm vào “kế hoạch chiến thắng” đề xuất năm ngoái.

Khoảng 53% tổng số đất hiếm của Ukraine nằm ở 4 vùng Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia, Kherson bị Nga sáp nhập vào tháng 9.2022. Bán đảo Crimea nắm giữ số khoáng sản trị giá khoảng 165 tỉ bảng Anh. Vùng Dnipropetrovsk giáp Donetsk và Zaporizhzhia có số khoáng sản trị giá 2,8 nghìn tỉ bảng Anh.

Đất hiếm gồm 17 kim loại có tính chất hóa học tương tự nhau, do sở hữu từ tính và cách thức phản ứng với ánh sáng đặc biệt nên được sử dụng rộng rãi cho xe điện, tua bin gió cùng nhiều thiết bị điện tử. Chúng không quá hiếm như tên gọi nhưng lại khó khai thác vì hầu hết các mỏ đều có chất lượng lẫn nồng độ thấp. Nhu cầu tăng cao khiến các quốc gia quyết liệt chạy đua đa dạng hóa nguồn cung. Cơ quan Năng lượng quốc tế ước tính nhu cầu đất hiếm năm 2040 sẽ gấp 7 lần hiện tại.

Hiện tại nguồn cung của Mỹ không nhiều. Mỏ đất hiếm quy mô lớn nhất trên lãnh thổ nước này là Mountain Pass ở bang California. Hơn 95% lượng đất hiếm họ cần đến phải nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ukraine-my-chua-dat-thong-nhat-ve-thoa-thuan-doi-dat-hiem-lay-dam-bao-an-ninh-229353.html
Zalo