UBND TP.HCM ban hành kế hoạch triển khai thi hành án vụ Vạn Thịnh Phát

UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các cấp phối hợp có hiệu quả với Cục Thi hành án dân sự TP tổ chức thi hành án trong vụ án bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm.

Nhằm tăng cường, khẩn trương tổ chức thi hành vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn và các đơn vị, tổ chức có liên quan, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác chỉ đạo phối hợp trong việc tổ chức thi hành án.

Việc này nhằm nâng cao hiệu quả việc thu hồi tiền, tài sản, đảm bảo thu hồi tối đa số tiền, tài sản bị thất thoát chiếm đoạt trong vụ án. Đồng thời, góp phần giúp cơ quan Thi hành án dân sự hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

 Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa phúc thẩm giai đoạn 2. Ảnh: TRẦN LINH

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa phúc thẩm giai đoạn 2. Ảnh: TRẦN LINH

Xử lý nghiêm trường hợp cản trở, không phối hợp thi hành án

UBND TP.HCM đề nghị Cục Thi hành án dân sự TP.HCM tăng cường, chủ động có phương án, biện pháp tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

Phối hợp và chỉ đạo các cơ quan Thi hành án địa phương phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý tài sản, đất đai và các cơ quan liên quan cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về tài khoản, tài sản, đất đai theo yêu cầu, thông tin doanh nghiệp;

Kịp thời áp dụng các biện pháp bảo đảm, kê biên, phong tỏa, xử lý tài sản trong quá trình tổ chức thi hành án.

Cơ quan Thi hành án dân sự còn có nhiệm vụ tổ chức thi hành dứt điểm những nội dung của bản án có điều kiện thi hành. Những nội dung có vướng mắc, khó khăn, kịp thời báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự để tháo gỡ về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc những nội dung bản án được tuyên chưa rõ phải sớm đề nghị Tòa án giải thích bản án.

Ngoài ra, phải đảm bảo nguồn nhân lực, tài chính phục vụ công tác tổ chức thi hành án. Kịp thời báo cáo Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo thi hành án dân sự TP chỉ đạo bố trí các nguồn lực phục vụ tổ chức thi hành án đảm bảo đạt hiệu quả.

UBND TP cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn có liên quan khi nhận được đề nghị của cơ quan Thi hành án dân sự, cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường, quản lý dự án đầu tư, quy hoạch, doanh nghiệp, cơ quan thuế kịp thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương rà soát, trả lời xác minh, cung cấp thông tin; xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án liên quan đến đất đai, tài sản gắn liền với đất, các dự án đầu tư, thông tin quy hoạch, thông tin doanh nghiệp, thuế nhằm phục vụ nhanh chóng công tác thi hành án.

Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cản trở, cố tình kéo dài gây chậm trễ, không phối hợp ảnh hưởng đến tiến độ thi hành án theo chỉ đạo.

Bên cạnh đó, phối hợp hiệu quả, chặt chẽ trong công tác xác minh, bảo vệ cưỡng chế thi hành án, đảm bảo tình hình an ninh, trật tự tại nơi tổ chức thi hành án, kiên quyết xử lý đối với những trường hợp cản trở, chống đối việc thi hành án, cố ý không chấp hành án theo quy định pháp luật.

Phối hợp kiểm tra, rà soát thông tin tài sản đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng; thực hiện xác minh, phong tỏa, khấu trừ tiền của người phải thi hành án tại các tổ chức tín dụng theo quy định.

Đối với UBND quận, huyện, TP Thủ Đức và UBND phường, xã, thị trấn có tài sản, đất đai liên quan đến vụ án, phối hợp chặt chẽ với Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự trong việc xác minh tài sản, đất đai, tống đạt cho đương sự có liên quan tại địa phương. Đề xuất biện pháp xử lý và chế tài đối với các đơn vị, cá nhân không phối hợp hoặc thiếu trách nhiệm trong việc phối hợp trong quá trình thi hành án.

Công khai, minh bạch quy trình tổ chức thi hành án

Bên cạnh những nhiệm vụ cụ thể trên, UBND TP.HCM còn yêu cầu công khai, minh bạch các bước thực hiện trong quá trình tổ chức thi hành án như: kết quả xác minh điều kiện thi hành án, kết quả lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản, kết quả lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản.

Thường xuyên theo dõi, nắm bắt dư luận, kịp thời tiếp nhận thông tin từ Cục Thi hành án dân sự TP để định hướng các kênh thông tin, truyền thông đảm bảo đúng, đầy đủ tính chất vụ việc; kịp thời xử lý những đối tượng tuyên truyền thông tin sai lệch theo đúng quy định pháp luật.

Nghiên cứu cơ chế phối hợp, trao đổi, tích hợp, đồng bộ hóa giữa cơ sở dữ liệu thi hành án nói chung với cơ sở dữ liệu, thông tin về tài sản, thu nhập, tài khoản... của doanh nghiệp, người phải thi hành án đang được lưu giữ tại các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về công chứng, bảo hiểm xã hội, đăng ký đất đai, đăng ký giao dịch bảo đảm, đăng ký doanh nghiệp,...).

Từ đó, giúp việc tra cứu, khai thác thông tin được dễ dàng, nhanh chóng tạo điều kiện thuận lợi cho Chấp hành viên trong việc xác minh, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế khi tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án.

Cơ quan thi hành án dân sự thường xuyên theo dõi, cập nhật, báo cáo kết quả thi hành án đến Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo thi hành án dân sự TP để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; xử lý nghiêm, kịp thời những cơ quan, tổ chức, cá nhân cố ý không thực hiện chỉ đạo, phối hợp chậm trễ, không hiệu quả gây ảnh hưởng đến tiến độ thi hành án.

Trách nhiệm của các cơ quan

Các sở, ban, ngành, cơ quan có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình căn cứ điều kiện thực tiễn phối hợp với Cục Thi hành án dân sự TP triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Kế hoạch liên quan đến ngành, lĩnh vực mình quản lý.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ đề nghị thông tin về Cục Thi hành án dân sự TP để tổng hợp, báo cáo Thành ủy, UBND TP.

HUỲNH THƠ - HỮU ĐĂNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/ubnd-tphcm-ban-hanh-ke-hoach-trien-khai-thi-hanh-an-vu-van-thinh-phat-post844668.html
Zalo