UAV Ukraine tập kích căn cứ không quân Nga gần Moscow trước Lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng
Ngày 7/5, loạt máy bay không người lái (UAV) của Ukraine đã tập kích căn cứ không quân Kubinka, cách thủ đô Moscow, Nga, khoảng 60 km về phía tây.
Cuộc tấn công gây ra nhiều đám cháy trong khu vực, được hệ thống quản lý thông tin cháy FIRMS của NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ) ghi nhận. Đây là nơi đóng quân của các đội bay biểu diễn tinh nhuệ nhất của không quân Nga – "Swifts" và "Russian Knights" – những đơn vị dự kiến sẽ tham gia màn trình diễn trên không trong lễ diễu binh Ngày Chiến thắng 9/5.

Xe tăng Nga di chuyển dọc theo một con phố ở Moscow vào ngày diễn tập cho lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng tại Moscow, ngày 9/5. (Nguồn: Reuters)
Kubinka không chỉ là căn cứ quân sự thông thường, mà còn là biểu tượng cho sức mạnh không quân Nga trong các dịp quốc lễ. Các đội bay tại đây điều khiển những tiêm kích hiện đại như MiG-29, Su-30SM và Su-35S, vốn là điểm nhấn trong các buổi trình diễn trước công chúng, được truyền hình trực tiếp tới hàng triệu người dân Nga.
Cuộc tấn công diễn ra chỉ hai ngày trước lễ kỷ niệm 80 năm chiến thắng phát xít Đức, một trong những sự kiện trọng đại nhất của Nga. Theo truyền thông nhà nước Nga, nhiều nguyên thủ quốc gia dự kiến sẽ đến Moscow tham dự.
Tuy chưa rõ mức độ thiệt hại cụ thể, song vụ cháy tại Kubinka có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các đội bay, làm gián đoạn chương trình diễu binh và gây tổn hại về mặt hình ảnh quốc gia.
Các loại máy bay bị đe dọa
Đội "Swifts" sử dụng MiG-29, tiêm kích đa năng thế hệ 4 có tốc độ tối đa Mach 2,25, tầm chiến đấu khoảng 700 km, trang bị pháo 30mm và tên lửa không đối không. Nhờ khả năng cơ động cao, loại máy bay này rất phù hợp với các màn nhào lộn phức tạp.
Trong khi đó, "Russian Knights" sử dụng Su-30SM và Su-35S, hai dòng tiêm kích hiện đại với khả năng mang đến 8 tấn vũ khí. Đặc biệt, Su-35S được trang bị radar Irbis-E tiên tiến, cho phép phát hiện mục tiêu từ khoảng cách xa và thực hiện các nhiệm vụ tác chiến thực sự, bên cạnh vai trò trình diễn.
Các máy bay này thường thực hiện những màn bay nguy hiểm như "phản chiếu", hai tiêm kích bay đối đầu ở khoảng cách cực gần, thể hiện khả năng điều khiển tinh vi của phi công và độ ổn định của máy móc.
Thời điểm nhạy cảm và thông điệp từ phía Ukraine
Ngày 3/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy phát biểu trước báo chí rằng "Kiev không thể chịu trách nhiệm về những gì xảy ra trên lãnh thổ Nga vào dịp 9/5". Sau vụ tấn công Kubinka, phía Ukraine không đưa ra xác nhận chính thức, song các dấu hiệu cho thấy đây là một phần trong chiến dịch mở rộng nhằm gây sức ép tâm lý và làm suy giảm khả năng phòng thủ của Nga.

Quân nhân Nga diễu hành trên Quảng trường Đỏ trước lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng ở trung tâm Moscow, ngày 9/5/2024. (Nguồn: Getty Images)
Theo tờ Kyiv Independent, trong các ngày 5 và 6/5, hàng chục UAV Ukraine bị Nga tuyên bố đã bắn hạ gần Moscow, bao gồm 91 chiếc trong một đêm. Dù vậy, các đám cháy tại Kubinka cho thấy một số UAV đã xuyên thủng được hệ thống phòng không.
Phía Nga đã phản ứng mạnh mẽ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Maria Zakharova gọi phát biểu của ông Zelenskyy là "một lời đe dọa trực tiếp". Trong khi đó, cựu tổng thống Dmitry Medvedev cảnh báo rằng "ngày 10/5 có thể sẽ không bao giờ đến với Kyiv" nếu có hành động khiêu khích trong ngày lễ.
UAV – Vũ khí bất đối xứng thay đổi cục diện chiến sự
Cuộc tấn công vào Kubinka một lần nữa khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của UAV trong chiến sự hiện đại. Các UAV Ukraine sử dụng trong các chiến dịch như thế này có thể bao gồm UJ-22 Airborne, mẫu UAV nội địa có tầm bay lên tới 800 km và mang được 20 kg chất nổ. Với tiết diện radar nhỏ và khả năng bay thấp, những thiết bị này rất khó bị phát hiện.
Chiến thuật sử dụng "bầy đàn" UAV, tức triển khai hàng chục chiếc cùng lúc, đã trở thành thách thức lớn với hệ thống phòng không Nga. Các hệ thống như Pantsir-S1 hay S-400 tuy mạnh, nhưng được thiết kế để đối phó với máy bay có người lái hoặc tên lửa, không phù hợp để xử lý mục tiêu bay thấp, nhỏ và đông đảo như UAV.
Bên cạnh đó, chi phí sản xuất UAV tương đối rẻ, chỉ bằng một phần nhỏ so với các loại máy bay quân sự của phương Tây. Điều này giúp Ukraine chấp nhận tổn thất nhiều UAV trong mỗi chiến dịch mà vẫn có thể duy trì sức ép liên tục.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Ukraine tấn công vào các căn cứ không quân của Nga. Trước đó, ngày 20/3, UAV Ukraine đã tấn công căn cứ Engels-2, nơi đặt các máy bay ném bom chiến lược như Tu-95 và Tu-160, gây ra vụ nổ lớn và làm bị thương ít nhất 10 người.
Trong bối cảnh bị tấn công liên tiếp, giới chức Nga đã tăng cường an ninh tại Thủ đô. Trong quá trình diễn tập chuẩn bị cho lễ diễu binh, mạng di động tại một số khu vực bị gián đoạn. Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga cũng cảnh báo khả năng hạn chế truy cập internet vào ngày 9/5 để vô hiệu hóa hệ thống dẫn đường của UAV.
Ngoài ra, các sự kiện kỷ niệm Ngày Chiến thắng tại bán đảo Crimea, khu vực Nga sáp nhập năm 2014, đã bị hủy vì lý do an ninh, theo thông báo từ Thống đốc Sevastopol Mikhail Razvozhayev.