UAV cảm tử thế hệ mới của Nga triển khai tại Ukraine có gì đặc biệt?

Nga đã triển khai hơn 2.000 máy bay không người lái cảm tử (kamikaze UAV) mới mang tên Gepard, được tích hợp các biện pháp đối phó tác chiến điện tử tiên tiến, với mục tiêu xuyên phá hệ thống phòng thủ ngày càng mạnh mẽ của Ukraine.

Đây là một bước phát triển mới trong cuộc chiến tranh bằng máy bay không người lái đang ngày càng mở rộng giữa hai quốc gia.

Một quân nhân Nga đang điều khiển UAV tại khu vực chiến sự - Ảnh: National Interest

Một quân nhân Nga đang điều khiển UAV tại khu vực chiến sự - Ảnh: National Interest

Thay đổi cục diện chiến trường

Theo National Interest, trong cuộc xung đột hiện tại, cả Nga và Ukraine đều tích cực sử dụng đạn dược lơ lửng (loitering munition), hay còn gọi là UAV cảm tử để phá hủy các mục tiêu quan trọng như xe tăng chiến đấu chủ lực, phương tiện bọc thép và các cơ sở hạ tầng chiến lược.

Từ khi được giới thiệu lần đầu vào mùa hè năm 2022, loại UAV cảm tử Izdelie-52 Lancet của Nga nhanh chóng trở thành vũ khí nổi bật nhờ khả năng tấn công chính xác và hiệu quả cao. Tuy nhiên, Moscow không dừng lại ở đó. Loại UAV Gepard, thế hệ tiếp theo của dòng UAV cảm tử, hiện đã được triển khai quy mô lớn nhằm tăng cường khả năng tác chiến trước các hệ thống gây nhiễu điện tử của Ukraine.

TASS - hãng thông tấn nhà nước Nga cho biết lô đầu tiên gồm 2.000 máy bay không người lái Gepard đã được chuyển giao cho các đơn vị tiền tuyến. Đại diện nhà sản xuất cho biết, loại UAV này được trang bị các công nghệ điện tử tiên tiến, đặc biệt là khả năng chống tác chiến điện tử (EW), cho phép hoạt động trong điều kiện bị gây nhiễu mạnh.

“Máy bay không người lái của chúng tôi đã được tích hợp chức năng an toàn mới, giúp duy trì điều khiển UAV ngay cả khi mất tín hiệu liên lạc. Gepard có thể tiếp tục bay theo hướng dẫn đã được lập trình từ trước, cho đến khi vượt ra khỏi phạm vi tác động của hệ thống gây nhiễu của đối phương”, đại diện từ phía nhà sản xuất Gepard chia sẻ.

Đặc biệt, Gepard còn có khả năng “cất cánh mù”, nghĩa là ngắt truyền video ngay từ lúc phóng để tránh bị đối phương phát hiện và định vị vị trí khai hỏa, một trong những điểm yếu thường bị phía Ukraine khai thác. Trong các trường hợp trước, các UAV trinh sát thường bị phát hiện từ tín hiệu hình ảnh truyền về, dẫn đến việc quân Nga bị tấn công trả đũa bằng đạn chùm hoặc tên lửa dẫn đường chính xác.

Đối trọng với tác chiến điện tử của Ukraine

Ukraine từ lâu đã phát triển và triển khai các hệ thống EW có khả năng phát hiện và làm gián đoạn hoạt động của UAV. Tuy nhiên, Gepard được thiết kế để đối phó trực tiếp với thách thức này.

Theo một báo cáo từ tờ Izvestia của Nga, các UAV cảm tử của Ukraine thường cần dữ liệu định vị từ UAV trinh sát để xác định tọa độ mục tiêu. Điều này khiến chúng dễ bị EW của Nga làm nhiễu. Với Gepard, Nga cố gắng loại bỏ điểm yếu tương tự. Thay vì dựa vào tín hiệu điều khiển thời gian thực, Gepard có thể hoạt động độc lập hơn, khó bị can thiệp hơn.

Mặc dù không được chú ý rộng rãi như Lancet, Gepard vẫn thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong kho vũ khí UAV cảm tử của Nga. Theo đại diện nhà sản xuất, UAV này đã tham gia các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng ở khu vực Zaporozhye và tiêu diệt nhiều xe bọc thép do phương Tây cung cấp cho Ukraine.

TASS cho biết thêm, Nga có kế hoạch giao thêm 2.000 - 2.500 chiếc Gepard trong năm 2025, thể hiện chiến lược đẩy mạnh sử dụng UAV cảm tử như một phần cốt lõi của lực lượng vũ trang hiện đại.

Gepard của Ukraine

Cùng tên gọi, nhưng "Gepard" của Ukraine lại là một loại vũ khí hoàn toàn khác. Đó là pháo phòng không tự hành Flakpanzer Gepard do Đức sản xuất, một trong những hệ thống phòng không mấy hiệu quả mà Kyiv đang sử dụng để chống lại UAV và tên lửa hành trình của Nga.

Được phát triển từ thập niên 1960 và đưa vào sử dụng từ đầu những năm 1970, Flakpanzer Gepard được trang bị hai pháo tự động 35mm gắn trên tháp pháo xoay, có thể khai hỏa với tốc độ 550 phát/phút và tầm bắn hiệu quả khoảng 3.500m. Loại pháo này có thể sử dụng nhiều loại đạn khác nhau, bao gồm đạn xuyên giáp và đạn nổ gây cháy.

Tính đến nay, Đức đã cung cấp khoảng 60 chiếc Gepard cho Ukraine và dự kiến sẽ chuyển thêm 10 chiếc nữa vào cuối năm. Mỹ cũng đã mua thêm từ Jordan và bắt đầu vận chuyển cho Kyiv từ năm ngoái.

Trong bối cảnh chiến tranh UAV ngày càng trở nên phức tạp, Gepard phiên bản pháo phòng không đang đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ không phận gần tiền tuyến, đặc biệt là trước các cuộc tấn công bằng UAV cảm tử như Lancet và Gepard của Nga.

Cạnh tranh công nghệ UAV ngày càng khốc liệt

Sự phát triển của Gepard cho thấy Nga không ngừng cải tiến công nghệ UAV để duy trì lợi thế chiến trường. Cả hai bên đều đang đẩy mạnh đầu tư vào UAV với nhiều chức năng từ trinh sát, tác chiến điện tử, đến cảm tử tấn công. Điều này phản ánh xu hướng rõ rệt trong chiến tranh hiện đại, nơi máy bay không người lái trở thành lực lượng mũi nhọn.

Với khả năng tác chiến độc lập, tích hợp công nghệ điện tử tiên tiến, Gepard đang góp phần định hình lại cách thức tác chiến của Nga. Trong khi đó, Ukraine tiếp tục nhận hỗ trợ từ các đồng minh phương Tây, trang bị thêm các hệ thống phòng không và UAV tấn công phản công.

Cán cân trong chiến tranh UAV đang thay đổi liên tục. Gepard không chỉ là biểu tượng cho cuộc chạy đua vũ trang không người lái, mà còn là minh chứng cho việc chiến trường hiện đại đang đòi hỏi công nghệ thích nghi nhanh và có khả năng hoạt động trong môi trường tác chiến khắc nghiệt.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/uav-cam-tu-the-he-moi-cua-nga-trien-khai-tai-ukraine-co-gi-dac-biet-232796.html
Zalo