Châu Âu chạy đua tái vũ trang: Đức, Pháp, Ba Lan dẫn đầu cuộc chuyển mình lịch sử

Giữa bất ổn địa chính trị, các nước EU đang mạnh tay chi tiêu quốc phòng, hiện đại hóa quân đội và khẳng định vị thế toàn cầu. Đức muốn sở hữu 'quân đội mạnh nhất châu Âu', Ba Lan đầu tư kỷ lục, Pháp giữ vai trò cường quốc hạt nhân.

Hệ thống phòng không Patriot tại Schoenefeld, Đức. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Hệ thống phòng không Patriot tại Schoenefeld, Đức. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Theo Đài phát thanh Quốc tế DW của Đức ngày 19/5, trong bối cảnh địa chính trị nhiều biến động, châu Âu đang chứng kiến một sự chuyển mình mạnh mẽ trong chính sách quốc phòng. Từ Đức, Pháp đến Ba Lan và Anh, các quốc gia châu Âu đang tăng cường chi tiêu quân sự và hiện đại hóa lực lượng vũ trang, với mục tiêu củng cố an ninh khu vực và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Đức với tham vọng "Quân đội mạnh nhất châu Âu"

Đức đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử trong chính sách an ninh. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Johann Wadephul, Đức đã chấp nhận yêu cầu của Mỹ về việc đầu tư 5% GDP vào quốc phòng, một sự gia tăng đáng kể so với mức 2,1% GDP (khoảng 90 tỷ euro) hiện tại. Nếu được thực hiện, điều này sẽ nâng ngân sách quốc phòng hàng năm lên hơn 160 tỷ euro, khẳng định quyết tâm của Thủ tướng Friedrich Merz trong việc biến lực lượng vũ trang Đức thành "quân đội chính quy mạnh nhất châu Âu".

Sự thay đổi này bắt nguồn từ bài phát biểu của cựu Thủ tướng Olaf Scholz vào tháng 2/2022, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Đức đã thành lập quỹ đặc biệt 100 tỷ euro cho quân đội nước này và đang lên kế hoạch tăng quân số từ 182.000 lên ít nhất 203.000 vào năm 2031, thậm chí có thể lên tới 240.000 quân. Mục tiêu là thay thế các trang thiết bị lỗi thời, phát triển số hóa và mở rộng khả năng chỉ huy. Các công ty công nghiệp quốc phòng chủ chốt như Rheinmetall, Airbus Defence and Space và Diehl Group đang đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực này.

Pháp: Cường quốc hạt nhân với chiến lược toàn cầu

Là quốc gia duy nhất trong EU sở hữu khả năng răn đe hạt nhân, Pháp duy trì một chiến lược hiện diện toàn cầu và tự chủ quân sự. Với khoảng 203.000 quân nhân tại ngũ, cùng 175.000 nhân viên và các đơn vị bán quân sự khác, Pháp có một lực lượng quân sự đáng kể. Hải quân Pháp với tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân Charles de Gaulle và tàu ngầm chiến lược, cùng máy bay chiến đấu Rafale, là những trụ cột trong sức mạnh phòng thủ của nước này.

Tổng thống Emmanuel Macron đã kêu gọi tăng gần gấp đôi chi tiêu quốc phòng. Mặc dù ngân sách quân sự Pháp từng tương đương với Đức, nhưng sự thúc đẩy chiến lược từ chính phủ đã giúp Pháp xây dựng một đội quân lớn hơn.

Ba Lan: "Lá chắn" phía Đông NATO

Ba Lan nổi lên như một điểm nóng về chi tiêu quốc phòng ở châu Âu, với việc phân bổ 4,12% GDP cho ngân sách quốc phòng vào năm 2024. Quốc gia lớn nhất ở sườn phía Đông của NATO này đang đầu tư mạnh mẽ để trở thành lực lượng lục quân mạnh nhất châu Âu.

Hiện tại, Lục quân và Lực lượng biên phòng Ba Lan có khoảng 150.000 quân. Thủ tướng Donald Tusk có kế hoạch mở rộng quân số lên tới 500.000 quân, bao gồm cả quân dự bị. Đồng thời, Ba Lan đang mua sắm một lượng lớn trang thiết bị hiện đại, bao gồm hơn 600 xe tăng chiến đấu từ Hàn Quốc và Mỹ, hệ thống pháo phản lực HIMARS, thiết bị bay không người lái và máy bay chiến đấu F-35.

Anh: Tập trung vào công nghệ cao

Vương quốc Anh cũng đang gia tăng chi tiêu quốc phòng, hướng tới 2,4% GDP, với trọng tâm vào công nghệ cao thiết bị bay không người lái, trí tuệ nhân tạo và hệ thống laser. Hải quân Hoàng gia Anh với hai tàu sân bay và Không quân Hoàng gia nước này được đánh giá là rất hiện đại. Anh có kế hoạch mua thêm hàng chục máy bay chiến đấu F-35 từ Mỹ.

Với khoảng 140.000 quân nhân đang hoạt động, Quân đội Anh tương đối nhỏ và không có kế hoạch tăng quân số đáng kể như các nước EU khác. Điều đáng chú ý là thiết bị quân sự của Anh, đặc biệt là vũ khí hạt nhân, phụ thuộc nhiều vào công nghệ Mỹ.

Italy: Cải cách lực lượng bộ binh và hướng tới Địa Trung Hải

Italy, một trong những cường quốc của châu Âu, đã phân bổ 1,49% GDP cho ngân sách quốc phòng vào năm 2024, thấp hơn mục tiêu 2% của NATO. Tuy nhiên, nước này có 165.000 binh sĩ đang phục vụ, hai tàu sân bay và một lực lượng không quân hùng mạnh.

Mặc dù vậy, lực lượng bộ binh của Italy được coi là lạc hậu và cần được cải cách. Thủ tướng Giorgia Meloni bày tỏ mong muốn Italy có lực lượng thiết giáp mạnh nhất châu Âu và đã đặt hàng thêm 1.000 xe tăng chiến đấu đa năng từ công ty Rheinmetall của Đức. Về mặt chiến lược, Italy chủ yếu tập trung vào khu vực Địa Trung Hải và bảo đảm các tuyến đường thương mại toàn cầu.

Dù các chương trình tái vũ trang hàng tỷ euro đang diễn ra sôi nổi ở châu Âu, bảng xếp hạng sức mạnh quân sự toàn cầu khó có thể thay đổi đáng kể trong trung hạn. Theo đánh giá Sức mạnh Hỏa lực Toàn cầu (Global Firepower) năm 2025, Mỹ vẫn dẫn đầu, theo sau là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc. Trong số các nước châu Âu được đề cập, Anh đứng thứ 6, Pháp thứ 9 và Đức hiện đứng thứ 11.

Sự đầu tư mạnh mẽ vào quốc phòng của các nước EU phản ánh nhận thức về một môi trường an ninh ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, việc chuyển đổi các khoản đầu tư thành sức mạnh quân sự thực sự và thay đổi vị trí trên bản đồ sức mạnh toàn cầu sẽ cần thời gian và những nỗ lực phối hợp hơn nữa. Châu Âu đang đứng trước một giai đoạn quan trọng, nơi an ninh và quốc phòng trở thành ưu tiên hàng đầu, định hình tương lai của khu vực này.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/chau-au-chay-dua-tai-vu-trang-duc-phap-ba-lan-dan-dau-cuoc-chuyen-minh-lich-su-20250520152908046.htm
Zalo