Thế giới 24h: Trợ lý cựu Tổng thống Ukraine bị bắn chết ở Tây Ban Nha
Andrii Portnov – trợ lý cấp cao của cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych – bị bắn chết bên ngoài một trường học ở Madrid (thủ đô Tây Ban Nha).

Ông Andrii Portnov – trợ lý cấp cao của cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych (ảnh: RBC Ukraine)
Trợ lý cựu Tổng thống Ukraine bị ám sát bí ẩn
Hôm 21/5, Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cho biết, ông Andrii Portnov, 51 tuổi – cựu nghị sĩ Quốc hội Ukraine, trợ lý cấp cao của cựu Tổng thống Ukraine Yanukovych – bị sát thủ bắn chết bên ngoài một trường học ở Madrid.
Cảnh sát Tây Ban Nha cho biết, khoảng 9h15 sáng ngày 21/5 (giờ địa phương) họ nhận được tin báo về một vụ nổ súng nhằm vào công dân Ukraine ở gần trường American School of Madrid. Trường học có hơn 1.000 học sinh từ Mỹ, Tây Ban Nha và hàng chục quốc gia khác.Ông Portnov bị các tay súng bắn nhiều phát vào đầu và lưng khi đang chuẩn bị lên xe ô tô. Những kẻ tấn công đã bỏ chạy vào rừng, cảnh sát cho biết.
Encarna Fernandez – quan chức thành phố Madrid – cho biết, Portnov được phát hiện nằm bất động trên vỉa hè gần trường học với những vết thương chí mạng do “ít nhất 3 phát súng gây ra”.
“Hiện tại, chúng tôi chỉ có thể xác nhận rằng nạn nhân đã tử vong”, bà Fernandez nói.Một nguồn thạo tin nói với DW rằng, tất cả học sinh trong trường đều an toàn và ông Portnov bị ám sát khi đang đưa con đi học.

Hiện trường vụ ông Portnov bị ám sát (ảnh: EPA)
Theo DW, ông Portnov là quan chức thân cận dưới quyền cựu Tổng thống Ukraine Yanukovych. Năm 2014, ông Yanukovych bị lật đổ bởi phe đối lập thân phương Tây và phải rời khỏi đất nước.
Cùng năm nay, ông Portnov chuyển tới Nga và tới năm 2015 thì sang Áo sinh sống.
Năm 2018, Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) mở cuộc điều tra nhằm vào ông Portnov với cáo buộc “phản quốc”. SBU cáo buộc ông Portnov hỗ trợ Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Vụ án hình sự khép lại vào năm 2019 và ông Portnov được phép trở về Ukraine dưới thời Tổng thống Zelensky. Năm 2021, ông Portnov bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt với cáo buộc tham nhũng.
Năm 2022, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt, ông Portnov, 51 tuổi, rời khỏi Ukraine và tới Tây Ban Nha sinh sống, trong khi những người đàn ông trong cùng độ tuổi không được phép rời đi vì lệnh động viên thời chiến.
Anh áp đặt 100 lệnh trừng phạt mới đối với Nga

Một tàu chở dầu của Nga trên biển (ảnh: Sovcomflot)
Hôm 20/5, Anh tuyên bố áp đặt thêm 100 lệnh trừng phạt, nhằm vào ngành năng lượng, quân sự và tài chính của Nga.
Ngoại trưởng Anh David Lammy cáo buộc Nga “hiếu chiến” khi tăng cường không kích Ukraine trong vài ngày gần đây.
“Chúng tôi kêu gọi Nga ngay lập tức ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện để có thể đàm phán hòa bình”, ông Lammy nói khi công bố hàng loạt lệnh trừng phạt.
Theo Reuters, các lệnh trừng phạt mới của Anh nhằm vào năng lực sản xuất vũ khí Nga, ví dụ như tên lửa Iskander, thường được quân đội Nga sử dụng trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.
20 cá nhân và 62 tổ chức cũng bị Anh đưa vào danh sách trừng phạt, bao gồm cả Sở Giao dịch Ngoại hối St. Petersburg và Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Nga.
Danh sách trừng phạt cũng bổ sung thêm 18 tàu chở dầu, bị cáo buộc nằm trong “hạm đội bóng tối” của Nga.
Trong một thông cáo báo chí, chính phủ Anh cho biết, nước này và các đối tác đang nỗ lực thắt chặt mức trần giá dầu Nga, nhằm hạn chế hơn nữa nguồn tài chính của Moscow.
Hồi đầu tháng, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã công bố 110 lệnh trừng phạt nhằm vào các đội tàu chở dầu Nga.
Cùng ngày 20/5, Đại diện cấp cao của EU về Chính sách đối ngoại – bà Kaja Kallas – cho biết, khối này đã thông qua gói trừng phạt thứ 17, nhắm vào gần 200 tàu chở dầu của Nga.
“Nhiều lệnh trừng phạt hơn đối với Nga đang được chuẩn bị. Nga càng kéo dài xung đột thì phản ứng của chúng tôi càng cứng rắn”, bà Kallas bình luận trên mạng xã hội X.
Tổng thống Ukraine Zelensky đã “cảm ơn” EU sau động thái trên.
Iran chỉ trích yêu cầu "vô lý" của Mỹ
Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei hôm 20/5 cho biết, Mỹ đang đưa ra các yêu cầu “quá đáng và vô lý” khi đàm phán hạt nhân với Iran.
“Tôi không cho rằng các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ sẽ mang lại kết quả. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra sắp tới”, ông Khamenei nói và kêu gọi Mỹ ngừng đưa ra những yêu cầu “vô lý” khi các cuộc đàm phán đã diễn ra 4 vòng.
Khi được hỏi về vòng đàm phán thứ 5 với Mỹ, Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi nói: “Thời điểm đã được đề xuất, nhưng chúng tôi chưa chấp nhận”.
“Chúng tôi đang chứng kiến những yêu cầu không phù hợp với bất kỳ logic nào từ phía Mỹ và gây ra vấn đề cho các cuộc đàm phán. Đó là lý do vì sao chúng tôi chưa chấp nhận vòng đàm phán tiếp theo. Chúng tôi đang xem xét tình hình và hy vọng lý trí sẽ thắng thế”, ông Araqchi nói.
Theo Reuters, Mỹ và Iran đang bất đồng quan điểm về vấn đề làm giàu uranium của Tehran. Điều này khiến triển vọng đạt được thỏa thuận giữa hai bên trở nên kém lạc quan.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo, Iran cần “hành động nhanh chóng, nếu không, điều gì đó tồi tệ sẽ xảy ra”.
Không kích tiếp diễn, hàng chục người thiệt mạng ở Dải Gaza
Các cuộc không kích của Israel hôm 20/5 khiến ít nhất 50 người thiệt mạng ở Dải Gaza, Reuters dẫn lời một số nhân viên y tế địa phương.

Xe tăng Israel tác chiến ở Dải Gaza (ảnh: Reuters)
Cùng ngày, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, quân đội nước này đã tấn công hơn 100 mục tiêu “khủng bố” ở Dải Gaza trong vòng 24 giờ qua và triệt hạ Moataz Dib, chỉ huy đơn vị không quân của Hamas.
Ở thành phố Gaza, phóng viên của Reuters ghi lại cảnh nhiều người đàn ông, phụ nữ và trẻ em Palestine đang lục lọi trong đống đổ nát của một trường học để tìm kiếm vật dụng, thức ăn.
“Chúng tôi có lỗi gì? Trẻ em có lỗi gì? Những người phụ nữ có lỗi gì?”, Omar Ahel – cư dân ở Dải Gaza – nói với Reuters.
Theo Reuters, trong vòng 8 ngày kể từ khi Israel mở rộng chiến dịch quân sự ở Dải Gaza, đã có hơn 500 người thiệt mạng.
Hôm 20/5, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết, họ đã được Israel cho phép để đưa khoảng 100 xe tải chở hàng cứu trợ vào Dải Gaza.