Ðưa văn học đến gần hơn với đời sống

Yêu và tự hào về quê hương, Tổ quốc là điều quý giá nhất mà mỗi thế hệ học sinh cần mang theo trong hành trang bước vào cuộc sống. Bằng sự sáng tạo của cô và trò Trường THPT Phước Bình, thị xã Phước Long, những tiết học Giáo dục địa phương đã và đang trở thành ngọn lửa thắp sáng tình yêu, sự cống hiến cho phát triển quê hương trong trái tim mỗi người.

Tiết mục sân khấu hóa bài thơ “Ngọn núi tình yêu” của nhà thơ Biên Linh được cô Trần Hoài Phương và hơn 700 học sinh Trường THPT Phước Bình tổ chức tại Trung tâm Văn hóa thị xã Phước Long vừa qua và mới đây trình diễn lại trong chương trình Ngày thơ Việt Nam năm 2025 tại Bảo tàng tỉnh Bình Phước, đã để lại nhiều cảm xúc và mở ra không gian mới cho việc giáo dục tình yêu quê hương, đất nước đối với thế hệ trẻ, khi vừa sinh động vừa chạm đến trái tim mỗi người.

Cùng sáng tạo

Trong tiết trời đầy nắng của những ngày đầu xuân, không khí học tập của cô và trò Trường THPT Phước Bình trở nên rộn ràng hơn. Những tiếng cười nói vang vọng tạo bầu không khí đầy sức sống. Ngay dưới chân bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ núi Bà Rá, cô và trò cùng nhau tổ chức tiết học Giáo dục địa phương đặc biệt, nơi mà lòng yêu quê hương được khơi gợi và phát huy qua một trích đoạn trong tiểu thuyết “Lính miền Đông” của nhà văn Bùi Thị Biên Linh (bút danh Biên Linh). Đây là chương trình tiếp nối sự thành công của tiết học Giáo dục địa phương về bài thơ “Ngọn núi tình yêu” trước đó của cô, trò Trường THPT Phước Bình. Tiết học không đơn thuần là những kiến thức khô khan mà là một chương trình nghệ thuật được sân khấu hóa. Học sinh không chỉ là người nghe mà còn là những người tổ chức, biên kịch, diễn viên...

Học sinh Trường THPT Phước Bình tham gia tiết học Giáo dục địa phương tại Trung tâm Văn hóa thị xã Phước Long

Học sinh Trường THPT Phước Bình tham gia tiết học Giáo dục địa phương tại Trung tâm Văn hóa thị xã Phước Long

Trước đó 2 tuần, cô và trò đã cùng nhau chuẩn bị từ chọn chủ đề, tác phẩm về quê hương Bình Phước, đến việc luyện tập các tiết mục biểu diễn. Cô Trần Hoài Phương, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Phước Bình không chỉ dẫn dắt mà còn thổi hồn vào từng tiết mục bằng những câu chuyện, kỷ niệm gắn liền với quê hương.

Cô Phương chia sẻ: “Chương trình nhằm thực hành học tập các nội dung theo yêu cầu trong chương trình Giáo dục địa phương. Chúng tôi muốn tạo ra sân chơi cho học sinh rèn luyện các năng lực, phẩm chất theo định hướng của Bộ GD&ĐT; củng cố kiến thức văn học, đưa văn học đến gần hơn với đời sống. Bằng cách mở rộng không gian học tập góp phần tạo hứng thú cho học sinh khi học môn Ngữ văn của chương trình Giáo dục địa phương, chúng tôi muốn các em không chỉ hiểu về quê hương mà còn cảm nhận được vẻ đẹp và tình yêu từ nơi mình sinh ra”.

“Em yêu ơi lời anh muốn nói với em hơn thế

Là đồng đội anh đã ngã xuống đất này

Giọt máu hồng nuôi sắc biếc vòm cây

Giọt máu hồng góp màu xanh đỉnh núi

Em có nghe không thì thầm gió gọi

Giữa ngàn xanh Bà Rá anh hùng”.

(Trích Ngọn núi tình yêu - Biên Linh)

Những câu thơ, những đoạn trích dẫn vang lên, hòa cùng tiếng núi rừng vi vu trong gió khiến những bài thơ, tác phẩm về vùng đất Bình Phước như “Lính miền Đông” hay “Ngọn núi tình yêu” được trình bày đầy cảm xúc. Mỗi câu thơ như thổi bùng lên lòng tự hào, nhắc nhở các em về nguồn cội, về những giá trị văn hóa đặc sắc của quê hương mình. Nhất là khi bài thơ được nhạc sĩ Trần Cao Vân phổ nhạc, trở thành những giai điệu tha thiết và lay động lòng người.

Tiết mục sân khấu hóa bài thơ “Ngọn núi tình yêu” do học sinh Trường THPT Phước Bình, TX. Phước Long thực hiện

Tiết mục sân khấu hóa bài thơ “Ngọn núi tình yêu” do học sinh Trường THPT Phước Bình, TX. Phước Long thực hiện

Tự hào sâu sắc

Là tác giả có 2 tác phẩm thuộc thể loại thơ và tiểu thuyết được đưa vào sách giáo khoa lớp 11 và 12 chương trình Giáo dục địa phương của tỉnh, với nhà văn Biên Linh, đây là niềm hạnh phúc lớn. Được gián tiếp đến với học sinh thông qua tác phẩm, nhà văn Biên Linh cảm nhận rõ hơn sự thích thú và say mê của cô, trò thông qua chương trình sân khấu hóa, phổ biến tác phẩm thành những giờ học đầy nhiệt huyết, hứng khởi và sáng tạo.

Nhà văn Biên Linh bày tỏ: Vừa qua, tại Bảo tàng tỉnh Bình Phước, trong sự kiện Ngày thơ Việt Nam, tiết mục sân khấu hóa bài thơ “Ngọn núi tình yêu” của tôi do học sinh lớp 11D1, Trường THPT Phước Bình thể hiện đã được mời diễn lại. Nhìn những giọt nước mắt xúc động và đọc được những lời chia sẻ trên Facebook của các văn nghệ sĩ tỉnh Bình Phước và khách mời càng khiến tôi thêm hạnh phúc và biết ơn, tự hào về tâm huyết của các em. Tiếp đó, hơn 500 học sinh khối 12 Trường THPT Phước Bình cùng thầy, cô giáo lại học trích đoạn tiểu thuyết “Lính miền Đông” tại đồi Bằng Lăng, ngay dưới chân bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ núi Bà Rá. Điều này càng làm cho tôi thêm xúc động và biết ơn Ban Giám hiệu trường, các thầy, cô giáo và học sinh tham gia.

Học sinh khối 12 Trường THPT Phước Bình rất háo hức với tiết học Giáo dục địa phương được tổ chức tại đồi Bằng Lăng

Học sinh khối 12 Trường THPT Phước Bình rất háo hức với tiết học Giáo dục địa phương được tổ chức tại đồi Bằng Lăng

Những tiết học Giáo dục địa phương tại Trường THPT Phước Bình là một hành trình khám phá đầy màu sắc và sinh động về tình yêu quê hương, đất nước. Qua các tác phẩm văn học, học sinh không chỉ hiểu về quê hương mà còn yêu hơn vùng đất đã nuôi dưỡng mình, nơi có những cánh rừng cao su, dòng suối trong lành và những con người anh dũng, chân chất, hiền hòa.

Em Nguyễn Bảo Vy, học sinh lớp 11D1 hào hứng: “Tác phẩm văn học là cầu nối giữa các thế hệ. Qua các tác phẩm của cô Biên Linh, nhất là bài thơ “Ngọn núi tình yêu” và trích đoạn tiểu thuyết “Lính miền Đông”, em thấy rõ hình ảnh quê hương qua từng câu chữ và cảm nhận được tình yêu đối với quê hương. Với em, đó không đơn thuần là một tiết học, mà là một trải nghiệm sống động, giúp em hiểu sâu sắc hơn về quê hương Bình Phước, từ đó thêm tự hào và muốn đóng góp vào sự phát triển của tỉnh trong tương lai.

Còn với em Trần Đăng Khiêm, học sinh lớp 11D1 thì việc tham gia tổ chức chương trình ngoại khóa giúp phát huy được tính sáng tạo. Em Khiêm chia sẻ: “Tác phẩm văn học được sân khấu hóa đã giúp em hiểu sâu sắc hơn về quê hương, về những con người đã sống và cống hiến cho đất nước. Qua tham gia các hoạt động ngoại khóa, em không chỉ học được cách biểu đạt cảm xúc mà còn nuôi dưỡng lòng yêu nước, yêu quê hương, nhất là các giá trị văn hóa được truyền tải sinh động, dễ hiểu”.

“Chúng tôi mong muốn mỗi học sinh sẽ luôn mang trong mình tình yêu quê hương, không chỉ qua lời nói mà còn qua hành động” - cô Trần Hoài Phương khẳng định. Đó không chỉ là trách nhiệm của thầy cô mà còn là sứ mệnh của mỗi học sinh đối với công tác gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Bình Phước.

Khi thấy các em học tập và sáng tạo, biên kịch, tự biểu diễn một cách đầy say mê, tôi đã thấm thía rằng, tình yêu và niềm tự hào cũng như trách nhiệm đối với quê hương, đất nước luôn được thế hệ trẻ đón nhận, lĩnh hội và thể hiện theo cách riêng, hồn nhiên, thật nhiệt huyết, thật đáng yêu.

Nhà văn BÙI THỊ BIÊN LINH

Phương Dung

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/169362/dua-van-hoc-den-gan-hon-voi-doi-song
Zalo