Tỷ trọng điện hạt nhân trong quy hoạch điện Việt Nam năm 2030-2050
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đề ra lộ trình phát triển điện hạt nhân, kỳ vọng chiếm 1,7-2,2% tổng công suất phát điện giai đoạn 2030-2035 và 1,4-1,7% vào năm 2050.

Chính phủ đặt mục tiêu vận hành các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, 2 trong giai đoạn 2030-2035. Ảnh: VGP.
Theo Quyết định số 768/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh) mới được công bố, mục tiêu của quy hoạch là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trong đó, bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy, đáp ứng tiêu chí N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng và nguồn điện hạt nhân; chuyển đổi năng lượng công bằng; phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo.
Đáng chú ý, đối với nguồn điện hạt nhân, quy hoạch đề ra phương án phát triển theo đúng định hướng đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 174 ngày 30/11/2024, Nghị quyết số 189 ngày 19/2 về cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chỉ thị số 1 ngày 3/1 của Thủ tướng.
Theo đó, giai đoạn 2030-2035 sẽ đưa vào vận hành các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 với quy mô đạt 4.000-6.400 MW. Đến năm 2050, hệ thống cần bổ sung khoảng 8.000 MW nguồn điện hạt nhân để cung cấp nguồn điện nền và có thể tăng lên theo nhu cầu.
Về cơ cấu nguồn điện, quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước (không bao gồm xuất khẩu) dao động 183.291-236.363 MW. Trong đó, nguồn điện hạt nhân chiếm khoảng 4.000-6.400 MW đưa vào vận hành trong giai đoạn 2030-2035, chiếm tỷ trọng khoảng 1,7-2,2% so với tổng công suất. Tiến độ phát triển điện hạt nhân có thể được đẩy sớm hơn nếu điều kiện thuận lợi.
Trong giai đoạn này, nguồn điện chiếm tỷ lệ cao nhất là điện mặt trời (gồm điện mặt trời tập trung và điện mặt trời mái nhà, không bao gồm các nguồn điện mặt trời theo khoản 5 Điều 10 Luật Điện lực số 61/2024/QH15) với công suất khoảng 46.459-73.416 MW, chiếm tỷ lệ 25,3-31,1%. Theo sau lần lượt là thủy điện 33.294-34.667 MW, chiếm tỷ lệ 14,7-18,2%, có thể phát triển cao hơn nếu bảo đảm môi trường, bảo vệ rừng, bảo vệ an ninh nguồn nước; nhiệt điện than 31.055 MW (chiếm tỷ lệ 13,1-16,9%); điện gió trên bờ và gần bờ 26.066-38.029 MW (chiếm tỷ lệ 14,2-16,1%); nhiệt điện LNG 22.524 MW (chiếm tỷ lệ 9,5-12,3%)...
Ngoài ra, quy hoạch cũng đặt mục tiêu nhập khẩu điện 9.360-12.100 MW từ Lào, Trung Quốc (chiếm tỷ lệ 4-5,1%, tăng tối đa quy mô nhập khẩu điện từ Lào theo Hiệp định giữa hai Chính phủ hoặc đẩy sớm thời gian nhập khẩu điện từ Lào về khu vực miền Bắc nếu điều kiện thuận lợi).
Đến năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước (không bao gồm xuất khẩu) đạt 774.503-838.681 MW. Trong đó, điện hạt nhân kỳ vọng tăng lên 10.500-14.000 MW, chiếm khoảng 1,4-1,7% tổng công suất.
Về phương án phát triển lưới điện truyền tải 500 kV và 220 kV để đáp ứng tiêu chí N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng và nguồn điện hạt nhân, quy hoạch nêu rõ các giải pháp về pháp luật, chính sách và khoa học công nghệ.
Đối với giải pháp về pháp luật, quy hoạch đề ra các hoạt động như rà soát hệ thống pháp luật, các văn bản pháp lý để có kế hoạch xây dựng, hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý để phát triển điện hạt nhân. Bên cạnh đó, có lộ trình xây dựng hệ thống pháp quy để đảm bảo an toàn hạt nhân.
Còn giải pháp về khoa học và công nghệ, quy hoạch chỉ rõ cần củng cố cơ sở hạ tầng hỗ trợ kỹ thuật, tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia về phát triển chung, đảm bảo an toàn, an ninh hạt nhân cho điện hạt nhân.